Đó là những ngày mà tàu thuyền đánh bắt xa bờ cập cảng để bán cá và chuẩn bị cho chuyến xa khơi mới tại chợ cá nổi tiếng Jagalchi. Với khách thập phương, Jagalchi là một địa điểm du lịch hấp dẫn, còn với những ngư dân Việt, đó là bến trọ của đời viễn xứ sau những ngày dài lênh đênh giữa đại dương...
Phóng to |
Vì nhiều lý do, nhiều thuyền viên phải xin đổi tàu liên tục. Trong lúc chờ đợi việc mới họ phải làm nghề móc câu ở các lán tạm tại bến cá... - Ảnh: Thế Anh |
Kỳ 1: Nơi miền gió tuyết Kỳ 2: Nỗi đau đời thợ
“Bến trọ” Jagalchi
Trời mới tờ mờ sáng, gió biển rít từng cơn làm cho cái rét giữa đông như cắt da cắt thịt. Những thương lái tụ về vây quanh cảng cá để đấu giá, người buôn kẻ bán sầm uất. Trong không khí náo nhiệt của một ngày làm việc ở cảng cá lớn có tiếng này là những ngư dân Việt lầm lũi bốc vác các mẻ cá lên bờ. Mắt họ trũng sâu vì những đêm mất ngủ, nét mặt phờ phạc sau những chuyến đi dài...
Phần lớn lao động Việt ở đây đều làm trên những con tàu đánh cá xa bờ. Có người một hai tuần, có người hai ba tháng mới được lên bờ một lần. Nói là đi lao động nước ngoài nhưng thật ra họ chẳng biết gì nhiều ở Hàn Quốc. Cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn trên con tàu với biển cả đầy sóng gió trong suốt chặng đường mưu sinh. Ngôn ngữ họ học được cũng chỉ là vài tiếng bồi liên quan đến kỹ thuật để trao đổi với người Hàn trên tàu mà thôi.
Vừa bốc dỡ xong hơn 5 tấn cá lên bờ, anh Lê Tùng Lâm, quê ở Lý Hòa, tỉnh Quảng Bình, tâm sự: “Nghề biển ở đây vất vả lắm. Mỗi ngày tụi tôi phải làm việc 14-16 giờ trên biển. Một nghịch lý là đi biển vất vả nhưng lương lại thấp nhất trong các ngành nghề nhận lao động nước ngoài tại Hàn Quốc. Lương trung bình của những thuyền viên ở đây chỉ độ 800 usd mỗi tháng. Nhưng cũng đành phải chấp nhận vì phần lớn anh em là dân miền biển, chẳng được học hành đến nơi đến chốn, chẳng theo nghề biển thì biết làm gì bây giờ!
Ở đây, nhiều chủ tàu sợ các thủy thủ trốn nên khi cập bến họ không cho thủy thủ lên bờ. Các giấy tờ tùy thân chủ giữ hết, anh em chỉ biết quanh quẩn trên tàu rồi nhìn vô bờ cho đỡ nhớ nhà trong lúc chờ đợi chuyến xa khơi tiếp theo”.
Cuộc sống ngư dân trên quê nhà đã khổ, cuộc sống của những người sống bằng nghề biển nơi xứ người lại khổ hơn. Những ngày đông gió rét, dông tố bất thường luôn rình rập vây bủa lấy đời họ. Vài tháng mới được gọi điện hỏi thăm vợ con, mới hưởng được chút an lành của đất liền khiến sự cô đơn của họ nơi xứ người càng tăng thêm bội phần.
Sau khoảng thời gian ngắn ngủi để nghỉ ngơi, họ phải lao vào công việc để chuẩn bị cho chuyến ra khơi nữa. Trên các con tàu cỡ nhỏ tại cảng cá Jagalchi, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ngư dân Việt trong chiếc áo rét dày cộm đang cặm cụi cắt mồi chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
Vừa luôn tay cắt những con cá nhỏ đã đông đá giữa trời đông, anh Bùi Đắc Lý, quê ở Kỳ Xuân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, tâm sự: “Thủy thủ là nghề phải chịu nhiều thiệt thòi nhất trên đất Hàn. Trên biển gặp bất công chẳng biết kêu với ai. Khi muốn chuyển chỗ làm cũng hết sức khó khăn. Vì hầu như anh em chẳng biết tiếng, luật lệ thì mù tịt, quan hệ lại không có... Muốn chuyển chỗ làm tốt hơn thì phải thông qua những người Việt làm dịch vụ tại đây với chi phí bằng cả tháng lương. Trong lúc theo quy định thì chẳng mất đồng nào cả”.
Dù vất vả nhưng họ vẫn cảm thấy vui. Vui vì mỗi tháng có thể gửi về quê vài trăm đô cho con trẻ, cho mẹ già nơi quê nhà. Nỗi lo sợ nhất của những người lao động Việt trên đất Hàn là thất nghiệp. Với những ngư dân thì nỗi thất nghiệp lại càng đáng sợ hơn... Nhiều người vì không chịu được sự khắc nghiệt của giới chủ đã phải xin đổi tàu hay bỏ trốn.
Trong những ngày tháng chờ đợi một người chủ mới, họ phải sống lây lất quanh cảng cá Busan. Không có tiền thuê nhà trọ, họ phải xin ngủ ở những lều tạm ven cảng trong những ngày đông giá rét. Phải nhờ những gói mì, miếng cơm của những người đồng hương cùng cảnh ngộ. Phải làm tạm cái nghề móc câu với đồng lương rẻ mạt để chờ đợi một cơ hội mới ngoài biển xa...
Hiểm nguy đời thuyền viên
Dù thế, những người theo nghề biển ở Busan vẫn còn may mắn hơn những người phải làm cho những tàu cá ở tận ngoài đảo. Ở nơi hẻo lánh của đảo xa, sự khắc nghiệt, nỗi cô đơn và sự bất công là nỗi ám ảnh thật sự của các thủy thủ Việt.
Anh Trần Văn Tuấn, quê ở Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, cho biết: “Tôi có mấy người bạn cùng quê làm việc ở đảo Jeju, họ nói ngoài đó vất vả hơn thủy thủ ở Busan rất nhiều. Mỗi ngày họ phải làm việc hơn 18 tiếng, điều kiện sinh hoạt thì thiếu thốn, lại thường xuyên bị các chủ tàu đối xử tệ. Vì ở xa đất liền nên họ chẳng biết kêu ai, đành phải cắn răng chịu đựng cho hết hợp đồng. Nhiều người trở về bờ với nhiều thương tích, thân thể gầy yếu cùng đủ loại bệnh tật trên người...”.
Anh Trần Văn Tuấn là một thủy thủ Việt chẳng may bị tai nạn trên biển đang điều trị tại Bệnh viện Young Do ở trung tâm thành phố Busan. Anh sinh năm 1978, qua Hàn Quốc cách nay ba năm. Để được qua Hàn làm thuyền viên, anh Tuấn phải bỏ ra đến 8.500 đôla.
Với mức lương hơn 1.000 đôla mỗi tháng, trừ chi phí sinh hoạt tính ra anh phải lao động hơn một năm mới trả hết nợ. Ngày anh đi đứa con đầu lòng mới vừa tròn một tháng tuổi. Anh cất bước ra đi để cầu mong một cuộc sống khá hơn nhưng điều đó cũng không dễ dàng...
Anh Tuấn kể lại: “Tôi và anh em trên tàu đang giăng lưới thì đột nhiên dông tố nổi lên, dây neo bị đứt rồi đập thẳng vào đầu. Tôi bị choáng rồi ngất ngay tại chỗ. Cũng may là không bị rơi xuống biển. Biển ở đây vào đông lạnh lắm, rơi xuống chưa kịp chết đuối thì đã chết vì lạnh mất rồi. Đã có không ít thuyền viên người Việt phải bỏ mạng mà chưa tìm ra xác. Nghề biển có nhiều rủi ro lắm.
Chẳng may gặp phải chủ tệ thì bị đánh đập, chửi bới thường xuyên. Trên tàu đánh cá của Hàn Quốc không chỉ có mỗi người Việt mà còn có cả thuyền viên các nước khác, nên việc mâu thuẫn giữa lao động khác quốc tịch cũng thường xuyên xảy ra. Có trường hợp vì ghét nhau mà thuyền viên nước này đẩy thuyền viên nước khác xuống biển giữa đêm khuya...”.
Dù hai mắt sưng đỏ và lưng bị bầm tím, nhưng anh Tuấn vẫn cho rằng mình còn may mắn hơn nhiều thuyền viên khác, đó là vẫn còn cơ hội để trở lại ngư trường. Những ngày đau ốm, không người thân chăm sóc, anh chỉ biết sống nhờ vào những bữa cơm đạm bạc của bệnh viện. Đó là chút kim chi, miếng cá khô mà lúc khỏe mạnh cũng đã chán ngấy. Dẫu vậy, anh Tuấn chẳng dám báo tin cho vợ con ở quê nhà, bởi anh biết điều đó chỉ làm họ thêm lo lắng mà thôi!
---------------------------------------------------
Xuất ngoại, nhiều người tưởng sẽ thoát được cảnh làm nông cơ cực. Ai ngờ khi đặt chân tới Hàn Quốc, cái nghiệp một nắng hai sương vẫn đeo bám lấy đời họ như một định mệnh.
Kỳ tới:Nghề nông ở đất Hàn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận