Giá trần mà phương Tây áp lên dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực từ hôm nay 5-12 - Ảnh minh họa: RTE
Với mức giá trần 60 USD/thùng do nhóm G7, Liên minh châu Âu (EU) và Úc thống nhất áp đặt, dầu Nga chỉ được phép vận chuyển đến các nước thứ ba bằng tàu chở dầu của G7 và EU, cũng như các công ty bảo hiểm và tổ chức tín dụng khi dầu được mua bằng hoặc thấp hơn mức đó.
Vì các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới đều có trụ sở tại các nước G7, nên mức trần này có thể khiến Nga khó bán dầu với giá cao hơn.
Giá trần có hiệu lực vào ngày 5-12, nhưng sẽ có giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 45 ngày cho phép các tàu đã lấy hàng trước ngày đó được chở hàng và dỡ hàng trước ngày 19-1-2023 mà không bị phạt.
Mức giá trần sẽ được xem xét hai tháng một lần, bắt đầu từ giữa tháng 1-2023, để đảm bảo nó thấp hơn ít nhất 5% so với giá dầu thô trung bình của Nga do Cơ quan Năng lượng quốc tế xác định. Mỗi sự thay đổi về giá trần đều sẽ cần tất cả 27 thành viên EU và sau đó là G7 nhất trí.
Hôm 4-12, Nga - nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới - tuyên bố sẽ không chấp nhận mức giá trần nói trên và sẽ không bán dầu với mức giá hạn chế như vậy, ngay cả khi phải cắt giảm sản lượng.
Bán dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Matxcơva kể từ khi các nhà địa chất thời Liên Xô tìm thấy dầu và khí đốt ở vùng Siberia trong những thập niên sau Thế chiến 2.
Tuy nhiên, Hãng tin Reuters cho biết với mức giá trần 60 USD/thùng không thấp hơn nhiều so với mức 67 USD/thùng hiện nay, các nước EU và G7 kỳ vọng Nga sẽ vẫn có động lực để tiếp tục bán dầu với mức giá như vậy mặc dù lợi nhuận ít hơn, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận