16/01/2023 14:35 GMT+7

Mùa xuân, thăm 'cụ' kơ nia 800 năm ở Phú Quốc

Sừng sững trên ngọn núi Cửa Lấp (xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, Kiên Giang), cây kơ nia tương truyền đã 800 năm tuổi có gốc xòe hình quạt to 10 vòng tay người ôm không xuể, dáng thẳng đứng với năm tàng nhánh tỏa bóng mát khi mùa xuân về.

Mùa xuân, thăm cụ kơ nia 800 năm ở Phú Quốc - Ảnh 1.

Một tàng cây xù xì, khổng lồ

Nghe danh đã lâu, hôm nay chúng tôi quyết định ngồi tàu cao tốc 2 giờ 30 phút từ TP Rạch Giá đến bến tàu Bãi Vòng (TP Phú Quốc) rồi hỏi thăm đường về Hùng Long Tự (còn gọi chùa Sư Muôn), ở ấp Suối Đá (xã Dương Tơ) để mục sở thị "cụ" cây kơ nia trên đỉnh núi Cửa Lấp.

Cây quý trên núi

Phú Quốc xuân về, sương mây trắng bàng bạc giăng giăng ngang đỉnh núi cao. Chạy được đoạn đường hơn 10km (hướng An Thới về Dương Đông), xe chúng tôi rẽ phải rồi bắt đầu leo dốc lên Hùng Long Tự - nơi có "cụ" kơ nia sừng sững qua hàng thế kỷ.

Dốc lên núi Cửa Lấp khúc khuỷu, uốn lượn nên anh Lộc lái xe chạy từ từ. Qua trại rắn Đồng Tâm ở Phú Quốc, cuối cùng chúng tôi cũng đến được sân chùa (nơi có độ cao hơn 200m so với mặt nước biển). 

Ở đây, dõi mắt nhìn lên đỉnh núi Cửa Lấp, chúng tôi dễ dàng thấy được "cụ" kơ nia sừng sững, vươn cành lá xum xuê.

Dẫn chúng tôi lên mục sở thị "cụ", ông Trương Văn Hoàng (66 tuổi, làm công quả ở Hùng Long Tự) cho biết mình được sư trụ trì Hùng Long Tự nhắc lời truyền kể "cụ" cây kơ nia này đã sống qua 8 thế kỷ.

Đại thụ có chiều cao khoảng 40m, gốc hình quạt (hoành gốc 10 người ôm không hết), dáng trực thẳng đứng với năm tàng nhánh tỏa bóng rợp mát một góc trời.

Người chơi cây kiểng địa phương đánh giá cụ cây này có năm nhánh tương ứng ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) vạn vật, hài hòa thống nhất. 

Cùng với đó, cây có bộ rễ ăn sâu, rộng nên ông Hoàng nói "cụ" không chỉ xếp vào cây cổ thụ quý hiếm mà còn có khả năng chịu đựng được gió bão lớn.

"Ở đảo ngọc này, tôi biết có rất nhiều cây kơ nia. Nhưng trong đời, tôi chỉ thấy "cụ" này có hình dáng đẹp độc lạ, vỏ cây xù xì, thân cây cứng chắc như sắt. Có lần sửa chữa lại khoảng sân này, thợ cưa gãy hai lưỡi cưa mới đứt được cành nhỏ của cây", ông Hoàng kể.

Được truyền kể có tuổi đời lâu năm nhưng "cụ" kơ nia vẫn căng tràn nhựa sống. Lá cây nhỏ, xanh mướt. 

Đặc biệt, vào độ tháng 2, tháng 3 âm lịch hằng năm, khi tiết trời sang xuân, "cụ" trút hết lá vàng, đâm chồi nảy lộc rồi đơm hoa kết trái lúc lỉu trên cành. Trái của "cụ" màu xanh, to bằng trái táo xanh. Hoa màu trắng, hạt trái thơm ngon, ông Hoàng đem về nhà rang lên ăn béo như đậu phộng.

"Kỳ lạ là trái từ cây rụng đầy đất nhưng tôi không thấy lên cây con. Có người cố tình đem hạt về ươm giống nhưng vẫn biệt tăm. Còn những cây khác xung quanh rụng trái đều lên hết. Tôi thấy rất lạ thường…", ông Hoàng nói không ai có thể lý giải được.

Mùa xuân, thăm cụ kơ nia 800 năm ở Phú Quốc - Ảnh 2.

Ra Phú Quốc, anh Tú quyết lên núi chiêm ngưỡng "cụ" cây kơ nia được gắn bảng 800 năm tuổi này - Ảnh: C.CÔNG

Cây kơ nia của dân nghèo

Thượng tọa Thích Thiện Thông, trụ trì Hùng Long Tự, cho hay cách "cụ" kơ nia này khoảng 60m hướng về dốc núi Cửa Lấp có cái giếng nước ngọt "Thạch Sanh" cho dân nghèo (ý nói người dân không đủ tiền khoan giếng nước sinh hoạt hằng ngày - PV) ở xứ đảo ngọc.

20 năm trước đây, vào những tháng nắng hạn, người dân ở Phú Quốc luôn ám ảnh nỗi lo thiếu nguồn nước ngọt sinh hoạt hằng ngày. 

Có người bỏ tiền ra khoan giếng sâu đủ chỗ nhưng vẫn không tìm ra mạch nước. Người thì phải chuẩn bị lu, khạp để dự trữ nước xài; người thì tiết kiệm nước đến mức sử dụng nước vo gạo để rửa rau, rửa chén.

"Năm 1989, tôi thấy gần "cụ" cây kơ nia có một chỗ nước ẩm ướt quanh năm. Chùa mới cho thợ khoan giếng rồi phát hiện mạch nước ngọt ở đây. Tôi mừng và dân mừng lắm. Hổng có "cụ" cây kơ nia này, tôi nghĩ cũng không biết tìm nước ngọt ở đâu ra trên núi", thượng tọa Thích Thiện Thông kể về việc cố gắng tìm mạch nước ngọt giúp dân.

Giếng nước gần cây kơ nia luôn có nguồn nước ngọt trong mát dồi dào. Mùa mưa, nước tràn ra khỏi miệng giếng. Mùa khô, 20 hộ dân dưới chân núi Cửa Lấp thoải mái sử dụng mà không lo thiếu hụt nước ngọt sinh hoạt.

"Hổng có cái khổ nào hơn thiếu nước ngọt ăn uống đâu. Tôi và bà con ở đây giờ thoải mái dẫn ống lấy nước giếng về sử dụng. Quý nguồn nước này lắm nên dân hay nói vui đây là nguồn nước ngọt của dân nghèo" - chị Phan Nguyễn Thị Bình Tâm (ở ấp Suối Đá, xã Dương Tơ) bộc bạch.

Có giếng nước "trời cho" này, chị Tâm và nhiều hộ dân nghèo địa phương có thể tiết kiệm được 200.000 - 300.000 đồng tiền nước máy/tháng. Số tiền này có thể giúp con em họ có thêm điều kiện ăn uống, mua tập sách, quần áo đi học cùng bạn bè.

Mùa xuân, thăm cụ kơ nia 800 năm ở Phú Quốc - Ảnh 3.

Đại thụ kơ nia có gốc hình quạt, hơn 10 người ôm không xuể

Du khách chiêm ngưỡng dưới tán xanh

Ngoài gắn bó và ý nghĩa với dân đảo ngọc, cây kơ nia còn khiến nhiều du khách phương xa ra đảo ngạc nhiên, thích thú chiêm ngưỡng rồi chụp hình lưu niệm cùng cây, nhất là dịp du xuân này.

Du khách đến từ Hải Phòng Lê Văn Tú khẳng định từ đó đến giờ anh mới gặp ngoài đời thật cây kơ nia to đến thế. Nghe danh đã lâu nên lần này ra Phú Quốc nghỉ dưỡng 6 ngày 5 đêm, anh cùng gia đình tranh thủ bắt xe lên Hùng Long Tự để ngắm cây cổ thụ.

"Hơn những gì tôi mong đợi. Cây kơ nia này quá to, quá đẹp. Hơi tiếc do trời mưa nên tôi không thể ngắm nhìn trọn vẹn. Trời nắng, tôi nghĩ đứng chụp hình với "cụ" thì thật tuyệt vời", anh Tú nói.

Gần anh Tú, chị Nguyễn Ngọc Linh, du khách TP Cần Thơ, tranh thủ lấy chiếc túi ni lông che mưa máy ảnh rồi chụp hình cây. Từng đến Bạc Liêu xem cây xoài 300 năm tuổi và cây dầu rái cổ thụ ở An Giang, nhưng lần này ra Phú Quốc chị Linh mới tận mắt thấy "cụ" kơ nia có ghi bảng 800 năm này.

Nhiều du khách đã tâm sự khi đứng bên cụ cây đại thụ, họ cảm thấy như được lan truyền sức sống mạnh mẽ kỳ lạ.

Chim hồng hoàng hót trên tán cây

Hùng Long Tự được khởi dựng vào đầu thập niên 1930, do thiền sư Giai Minh (thế danh Nguyễn Kim Muôn, sinh 1892, ở Bình Hòa, Gia Định) sáng lập. Vào ngày 7 và 8 tháng 10 âm lịch hằng năm, chùa long trọng tổ chức đại lễ húy kỵ tổ sư khai sơn thiền sư Giai Minh.

Kỳ lạ là cứ đến ngày húy kỵ này lại có cặp chim hồng hoàng và nhiều con chim ngũ sắc đến cất tiếng hót trên ngọn cây kơ nia bên chùa. Cặp chim hồng hoàng này to và rất đẹp, ít ngày sau cặp chim bay đi rồi năm sau lại về.

Biểu tượng xanh của đảo ngọc

Ông Huỳnh Văn Nhân, chủ tịch HĐND xã Dương Tơ, cho biết thêm Hùng Long Tự rất nổi tiếng và đặc biệt có "cụ" kơ nia đã trở thành điểm nhấn du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến viếng chùa, chiêm ngưỡng cây mỗi năm. Đại thụ như là một trong những biểu tượng xanh của đảo ngọc.

Về thủ phủ cây dó trầm nức tiếng ở Hà TĩnhVề thủ phủ cây dó trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh

Cây dó trầm mọc nhiều ở một số xã miền núi Hương Khê, song người dân bản địa không hề hay biết giá trị đặc biệt loài cây này cho đến khi các nhóm người ngoại tỉnh xuất hiện tìm mua nó.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên