14/01/2023 10:47 GMT+7

Tiếng trống gọi xuân về

Hai năm dịch bệnh, lễ Tết diễn ra trong vắng lặng. Năm nay không khí mừng xuân, khai hội được mở lại nhiều nơi, tiếng trống được ví như linh hồn những buổi lễ truyền thống.

Tiếng trống gọi xuân về - Ảnh 1.

Nghề làm trống cổ đầy kỳ công và nghệ thuật của người cựu binh Lê Xuân Tình - Ảnh: TÂM LÊ

Đôi tay ông siết chặt từng sợi dây da, đóng từng chiếc dăm, đan từng chiếc nan vàu để làm đai trống. Dù nhiều công đoạn có thể dùng máy móc, ông Tình vẫn cần mẫn làm thủ công để tạo âm thanh riêng cho tiếng trống của ông, tiếng trống giòn ấm gọi xuân về.

Mùa vui trở lại

Ở vùng đất dày trầm tích lịch sử Đông Sơn (Thanh Hóa), người thợ trống lành nghề Lê Xuân Tình (63 tuổi, ở xã Đông Hoàng) đang cần mẫn làm các loại trống da bò.

"Tôi đang có hai cái trống to khách đặt làm mới, bốn trống sửa chữa lại và một số trống bé cầm tay múa. Vài hôm nữa là Tết rồi, khách giục nhưng đâu thể làm nhanh được, nhanh là hỏng hết" - ông Tình cẩn thận lau bụi, rồi lại bào lớp da trên mặt trống cho nhẵn bóng.

Để có được tiếng trống như ý, ông Tình không "đốt cháy" bất kỳ công đoạn nào dù khách muốn gấp. Gia đình ông đã truyền đời hơn 100 năm, chỉ làm thủ công với nguyên liệu mộc gồm da bò, gỗ, vàu (họ tre) - điều cuốn hút nhiều người mê tiếng trống tìm đến ông để đặt hàng.

"Tết năm nay lễ hội sẽ được tổ chức nhiều, như hội làng, hội xã, các trò chơi dân gian. Văn hóa, văn nghệ, nghe rộn ràng lắm! Hai làng trong xã năm nay đều có hội làng, xã kế bên cũng làm lớn. Làng tôi thì mùng 8 âm lịch hằng năm, lễ rước kiệu đền Ba Xã được tổ chức linh đình. Tiếng trống khai hội, rước kiệu, cổ vũ trò chơi đều không thể thiếu.

Khách của tôi có hôm là trưởng phòng văn hóa huyện, xã. Hôm thì trưởng thôn, trưởng dòng họ, trưởng đoàn văn nghệ, trường học, Đoàn thanh niên... Đa số là khách quen, rồi truyền tai nhau tìm tới. Có lần giám đốc Nhà hát thành phố Thanh Hóa cũng về, rồi có người đặt trống để tặng làng, tặng dòng họ" - ông Tình hào hứng kể.

Ở chiếc trống sắp hoàn thiện, sau khi kéo căng mặt trống một lượt, ông Tình lại dùng dùi trống thẩm âm. Ông gõ một tiếng, hai tiếng, lại nghiêng tai sát xuống mặt trống lắng nghe, khi nào âm thanh như ý mới thôi.

Mỗi lần ông thử trống, hàng xóm vui tai lại chạy qua uống nước chè đàm đạo chứ không "ném đá" như cảnh phải nghe hát karaoke. Bà Thơn và ông Xoang là những hàng xóm thân thiện, họ ngồi ở nhà cũng có thể đoán ông đang làm công đoạn nào của trống:

"Tôi cả đời nghe ông ấy gõ trống rồi, hôm nào im ắng lại thấy thiêu thiếu. Viết về ông ấy là xứng đáng, cả khu này không có ai làm kỳ công như ông ấy đâu" - bà Lê Thị Thơn (gần 70 tuổi), bỏm bẻm nhai trầu, bình luận.

Tiếng trống gọi xuân về - Ảnh 2.

Đai trống được ông Tình làm rất kỳ công, chắc chắn - Ảnh: TÂM LÊ

Tiếng trống cao nhưng không chói, âm vọng êm trong lồng ngực. Khách vui mừng nhận trống, lúc đó mới gọi là thành công.
Ông Lê Xuân Tình

Giữ hồn Việt

Ông Lê Đình Công, người nhạc công nghiệp dư (xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), khách hàng lâu năm của ông Tình, dạo gần đây thường xuyên ghé qua nhà ông để thảo luận về chiếc trống đặt theo mong muốn của khách.

Là con rể của làng, ông Công đã biết đến nghề trống gia truyền từ thời anh trai ông Tình làm nghề. Không chỉ đặt trống để hành nghề, ông Công còn đặt hộ khách và giới thiệu khách đến ông Tình.

"Tôi sử dụng dàn nhạc cụ dân gian nên đặt trống cũng phải loại trống cổ, truyền thống. Gia đình ông Tình làm lâu năm, có thương hiệu rồi. Quan trọng là âm thanh của trống, nghe đúng âm hồn cổ Việt, âm sâu hay lắm! Khác hẳn trống bằng kính mica, trống bằng vỏ nhôm, vỏ sắt ngày nay", ông Công cười tâm đắc.

Nhớ kỷ niệm khó quên, ông Công kể: "Đợt trước có đội văn nghệ 20 người ở xã Đông Ninh kế bên đặt 20 cái trống cầm tay cho bài múa. Tiết mục đạt thành tích cao nhờ "tiếng trống nghe quá đã". Mỗi lần cần trống, họ lại hỏi ông Tình. Tôi nghĩ ông ấy chẳng cần quảng cáo, họ dùng rồi mê rồi báo cho nhau thôi".

Ông Công đi lưu diễn, nơi nào có loại trống mới mà ông thích thú là chụp ảnh lại về để ông Tình làm theo ý mình. Trống cái, tức trống đình làng kích cỡ 45x65cm, là loại thông dụng nhất, ngoài ra còn trống con đeo ngang dây lưng và trống con cầm tay.

Một khách hàng ở huyện Triệu Sơn đặt lần đầu loại trống cỡ vừa, vì quá ưng ý liền đặt ông Tình làm loại trống cỡ đại 1,1x1,3m. Khi hoàn thành, người khách phải mang xe tải đến chở ra Cẩm Phả (Quảng Ninh) làm quà tặng.

Ông giám đốc Nhà văn hóa thành phố Thanh Hóa cũng tìm tới ông Tình, nghe tiếng trống ưng tai, ông đặt làm thêm với nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn nữa. Nhưng ông Tình làm vì đam mê, đâu có ngại, cái gì ông chưa ưng lại tỉ mẩn nghiên cứu, thử nghiệm.

Tiếng trống gọi xuân về - Ảnh 4.

Ông Công, khách hàng lâu năm của ông Tình, hỗ trợ thẩm âm trống

Niềm vui "đời trống"

Dưới bóng cây góc sân, bà Kích, vợ ông Tình, đặt vài cái ghế ngồi, pha một ấm nước chè. Mỗi lần nghỉ tay, ông Tình ngồi uống cùng vợ, bà con xóm giềng và khách hàng. Nghề trống vừa là kế sinh nhai, vừa là niềm vui phần đời của ông sau khi rời quân ngũ.

Năm 1977, ông Tình nhập ngũ, tham gia đội Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên đất bạn Lào. Trung đoàn 335 của ông tham gia nhiều trận đánh lớn, tiến vào hang ổ bọn phỉ, giúp Lào giải phóng Phu Bia năm 1978.

Năm 1982, ông giải ngũ về quê hương, lập gia đình. Công việc chính làm nông, cấy lúa, trồng hoa màu. Nghề làm trống gia truyền lúc này đang được người anh trai cả đảm nhiệm, ông Tình là con thứ ba trong gia đình bốn anh chị em.

Khi anh trai mất vì bệnh hiểm nghèo năm 1999, ông Tình đã giữ lại đồ nghề kế nghiệp, đến đời ông là thế hệ thứ tư trong gia đình làm trống cổ. "Công việc cần kiên trì và đam mê. Tất cả anh em chúng tôi đã phụ giúp bố làm trống từ năm 9 - 10 tuổi", ông Tình tâm sự.

Nghề làm trống cổ vừa giúp ông tìm niềm vui trong cuộc sống, vừa giúp ông có nguồn thu nhập cơ bản để nuôi các con ăn học. Ông có ba người con, hai người con trai sau khi tốt nghiệp đã chọn ngành chẳng liên quan đến nghề của ông. 

Nhưng ông Tình không vì thế mà buồn: "Thời thế thay đổi, nghề thủ công của tôi bây giờ không còn nhiều người muốn theo. Một mình tôi vẫn làm nghề cho tới cuối đời", ông cười nói.

Ông Tình tâm sự thêm để làm hoàn thiện một cái trống mới phải mất 2-3 tuần nếu thời tiết thuận lợi. "Quan trọng phải chọn được da bò còn tươi mới, về phơi nắng tự nhiên. Chọn gỗ để làm tang (thân) trống thường là gỗ mít, các tang phải đều và khít. Căng mặt da trống, phơi, kéo đến khi nào đạt độ kêu như ý thì ghim đinh. Thẩm âm kêu tung, tung, tung ưng ý là được!".

Từ cổng nhà ông Tình, vài bước chân là tới đình làng, nơi sẽ diễn ra lễ hội Tết. Ông sẽ được nghe tiếng trống của mình rền vang như mời gọi hương hồn tổ tiên về vui xuân. Tiếng trống đánh thức cả ngàn xưa...

Kể chuyện ngắn gọn nhưng ông Tình làm hết sức kỳ công, đo đạc, tạo độ cong của tang trống. Ông căng mặt trống bằng các cặp dây da xoắn nối liền với chân đế, mỗi cặp có đòn xoay để siết căng mặt trống mỗi lần phơi...

Để tạo lỗ ghim mặt trống đồng đều và đẹp mắt, ông Tình đã sáng tạo một chiếc compa ngoại cỡ. Dùng mực nhúng vào đầu nhọn compa vẽ thành nhiều đường tròn, đục các lỗ ghim trên đường vẽ sẵn. Hàng trăm lỗ ghim được đóng đinh vàu, chắc chắn... Tất cả nguyên liệu đều từ tự nhiên, làm thủ công hoàn toàn.

Chở Tết ra đảo Lý Sơn trước khi thời tiết chuyển xấuChở Tết ra đảo Lý Sơn trước khi thời tiết chuyển xấu

Hoa cúc, sinh vật cảnh và nhu yếu phẩm phục vụ Tết Nguyên đán đang tất bật lên tàu ra đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên