01/06/2019 07:30 GMT+7

'Mưa' điểm 10, học sinh giỏi: Do Thông tư 22 chưa được hiểu đúng?

VĨNH HÀ ghi
VĨNH HÀ ghi

TTO - Đây là ý kiến của TS Thái Văn Tài - quyền vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, xung quanh việc dư luận phản ảnh chuyện có 'mưa' điểm 10, học sinh giỏi tại một số trường hiện nay.

Mưa điểm 10, học sinh giỏi: Do Thông tư 22 chưa được hiểu đúng? - Ảnh 1.

Theo thông tư 22, thước đo đối với học sinh không phải chỉ là điểm số mà là quá trình nỗ lực, tiến bộ, những điểm mạnh khác nhau - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ông Tài giải thích: thông tư 22 của Bộ GD-ĐT có những tiêu chí khen phù hợp. Ví dụ khen học sinh vượt khó, cố gắng ở các mặt khác nhau trong học tập, rèn luyện, chứ không cứng nhắc phải có giấy khen học sinh giỏi toàn diện, xuất sắc mới được khen. Vì việc nếu cứ quy định đúng các danh hiệu này vô hình trung tạo tâm lý chạy theo điểm số, danh hiệu ở phụ huynh học sinh.

Nhân đây tôi cũng thấy các tổ chức, cá nhân, các tổ chức đoàn thể khi thực hiện công tác khuyến học, tặng thưởng cho các em học sinh theo thành tích cuối năm học cũng nên ủng hộ quan điểm đánh giá này. Từ đó, việc khen thưởng học sinh là con cán bộ, nhân viên làm việc trong đơn vị của mình sẽ đúng với thành tích của các con. Mục đích khen để khuyến học khuyến tài thì tốt nhưng cũng cần tìm hiểu kỹ.

Ông Thái Văn Tài

Đánh giá quá trình

Ông Tài chia sẻ thêm tinh thần xuyên suốt thông tư 30 và sau này là thông tư 22 về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học là giáo viên theo sát học sinh trong cả quá trình học tập, tìm ra và khích lệ những điểm mạnh, giúp học sinh thay đổi, điều chỉnh điểm yếu. 

Theo thông tư thì thước đo đối với học sinh không phải chỉ là điểm số mà là quá trình nỗ lực, tiến bộ, những điểm mạnh khác nhau của mỗi học sinh được bộc lộ, phát huy.

Ngoài ra, sự trao đổi thông tin hai chiều giữa cha mẹ và thầy cô trong quá trình dạy học cũng để có sự đồng thuận trong việc giúp đỡ học sinh hạn chế điểm yếu, phát huy điểm mạnh. Theo đó, sẽ không đặt học sinh vào một khuôn thước chung để xếp loại, khen ngợi mà khích lệ, ghi nhận học sinh ở các lĩnh vực khác nhau.

Với lứa tuổi học sinh tiểu học, đây là hướng đánh giá nhân văn, nhiều nước khác cũng đã làm. Các em học sinh được khích lệ, nhất là được ghi nhận những cố gắng dù nhỏ nhất sẽ trở nên tự tin, vui vẻ hơn, dần dần hiểu được giá trị riêng của mình.

Với mục đích như thế, thông tư quy định tăng nhận xét, không cho điểm trong quá trình dạy học. Các nhà trường, thầy cô giáo chưa làm đúng thì cần điều chỉnh. Các nhà trường cần trao đổi để cha mẹ học sinh hiểu tinh thần đánh giá, hạn chế tâm lý chạy theo điểm số dẫn tới tình trạng gây áp lực cho học sinh.

Nhà trường cần trao đổi thêm với phụ huynh

"Với chương trình giáo dục hiện hành vẫn cần có kênh đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng" - ông Tài nói. Giữa các bậc học đang áp dụng quy định đánh giá khác nhau (bậc giáo dục trung học đánh giá theo thông tư 58, căn cứ vào chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình) nên khi đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, Bộ GD-ĐT cũng tính đến sự dung hòa giữa quy định đánh giá cũ (căn cứ vào điểm số) và quan điểm đánh giá mới, phát huy sự tự tin, tự giác, nỗ lực của mỗi học sinh. Vì thế ở bậc tiểu học, ngoài đánh giá quá trình (nhận xét) có đánh giá định kỳ (điểm số).

Sau nhiều năm thực hiện, các nhà trường đã khắc phục khó khăn, cơ bản thực hiện đúng quy định. Nhưng vẫn có những nơi chưa thực hiện đúng tinh thần này.

Việc chỉ căn cứ vào điểm số để xếp loại học sinh khá, giỏi và trao tặng danh hiệu học sinh tiên tiến, giỏi xuất sắc, giỏi toàn diện là chưa thực hiện đúng và hết tinh thần thông tư quy định.

Theo thông tư, Bộ GD-ĐT trao quyền cho giáo viên trong việc đánh giá học sinh kết hợp việc theo dõi quá trình học tập, tiến bộ với kết quả đánh giá định kỳ. Và việc khen ngợi, trao giấy khen như thế nào tùy thuộc vào đề nghị của giáo viên lên lãnh đạo nhà trường quyết định. 

Theo đó, không phải chỉ đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc mới trao giấy khen mà có thể khen "học sinh có tiến bộ vượt bậc môn toán/môn tiếng Việt". Sự tiến bộ này không thể hiện ở điểm 10 cuối năm mà có thể chỉ 7-8 nhưng so với chính học sinh thời điểm trước đó có tiến bộ, các em vẫn đáng khen ngợi. 

Ngoài ra có thể khen học sinh có thành tích trong các hoạt động, thực hiện nề nếp...

Việc khen ngợi nhằm khích lệ, giúp học sinh tự tin, có động lực cố gắng chứ không phải là cách ấn định ai giỏi, ai kém. Thông tư 22 không quy định đạt 9, 10 điểm trong đánh giá định kỳ mới có giấy khen tương ứng với các danh hiệu.

Ông Lương Dũng Nhân (chuyên gia tâm lý giáo dục tại TP.HCM):

Cách đánh giá học lực qua điểm số là không phù hợp

Kiểm tra đánh giá, chấm điểm chỉ là một phần trong quy trình để thành quả hoàn thiện hơn. Đánh giá kiểm tra thể hiện 3 nội dung: sự cố gắng của học sinh; khả năng hấp thụ kiến thức; phương pháp truyền dạy của giáo viên. Nhưng phải thừa nhận một tâm lý, giữa các em luôn có sự so điểm, so hạng, so thành tích cho nên dù là điểm 6 hay điểm 10, nếu không so sánh sẽ bớt cạnh tranh.

Điểm 10 hay không đạt điểm 10 chỉ là thông tin báo hiệu; phân tích con điểm đó mới là chi tiết quan trọng. Từ thực tế trên, phụ huynh, giáo viên làm sao để học sinh hiểu rằng điểm không quan trọng, mà cho học sinh biết vì sao được con điểm đó, làm gì để có con điểm cao hơn. Phụ huynh và giáo viên làm ảnh hưởng quá trình xác thực, vì thế mọi sự can thiệp là không cần thiết, ảnh hưởng rất nhiều đến con trẻ. (H.HG ghi)

Học sinh toàn điểm 10, những điểm 10 ấy của ai? Học sinh toàn điểm 10, những điểm 10 ấy của ai?

TTO - Tổng kết cuối năm học, điểm 10 nhiều vô kể khiến nhiều người lo lắng sẽ có một lứa học trò ảo tưởng về năng lực của mình. Thế nhưng lại có trường ra điều kiện tuyển sinh là toàn điểm 10 mới được dự tuyển...

VĨNH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên