17/07/2011 04:47 GMT+7

Một thời vác đá xây Trường Sa - Kỳ 4: Sống chết cùng Tiên Nữ

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - 32 năm phục vụ trong đoàn công binh M31, 28 năm lênh đênh “vác đá xây đảo” khắp các công trường trên các đảo nổi đảo chìm ở Trường Sa, với thượng tá Trần Quốc Thống, nguyên trung đoàn phó đoàn M31, chuyện về Trường Sa không bao giờ cạn.

Những trang sổ công tác đã ố vàng, những tấm ảnh kỷ niệm đã mờ nhòa nhưng ký ức thì vẫn nóng rát như nắng Trường Sa, vẫn ào ạt như sóng gió đại dương và ấm nồng như những nụ cười, giọt nước mắt người lính.

r55f2W4B.jpgPhóng to

Xây mới nhà cấp 1 trên đảo Tiên Nữ, tháng 3-1988 - Ảnh: Phạm Văn Minh

IlYVBD9H.jpgPhóng to
Công binh vận chuyển vật liệu xây dựng nhà trên đảo Tiên Nữ năm 1989 - Ảnh do Bảo tàng Hải quân cung cấp

Kỳ 1: Quân lệnh đêm 30 tếtKỳ 2: Thử thách đại dươngKỳ 3: Làng xây đảo

Ký ức sâu đậm nhất gắn liền với đảo chìm có cái tên đẹp nhất: đảo Tiên Nữ, điểm cực đông của lãnh hải Việt Nam.

"Phong trào “Góp đá xây Trường Sa” của báo Tuổi Trẻ ngày nay, ngoài mọi tầng lớp nhân dân tham gia, tôi thấy có nhiều em bé tiết kiệm tiền ăn sáng để đóng góp.

Với những thế hệ tiếp nối như thế này, chúng ta tin rằng Trường Sa, cột mốc biên cương trên biển, sẽ ngàn đời bền vững..."

Thượng tá Trần Quốc Thống

Sự cố bất ngờ

“Sau Tết Mậu Thìn (1988), trung đoàn M31 nhận nhiệm vụ ra Trường Sa. Vợ tôi đang mang thai đứa con thứ hai, ấy vậy mà khi nghe báo tin đi nhận nhiệm vụ ngoài đảo, cô ấy chỉ hỏi một câu nhẹ như bấc: “Khi nào anh đi?”. Sự sẵn sàng ấy của vợ đã tiếp sức cho tôi rất nhiều”, sau hơn 20 năm, ông Thống vẫn nhớ từng chi tiết...

Năm 1988 thời khó khăn, những chế độ, tiêu chuẩn ưu đãi cho người lính đảo gần như không có. Đúng là thật khó để ra khơi, nhưng các đơn vị đều sẵn sàng. Bộ khung phối hợp giữa cán bộ kỹ thuật và lính nghĩa vụ hình thành, tiểu đoàn 884 của đại úy Thống tập kết ở Nha Trang để sẵn sàng lên đường.

Sau mấy tháng mồ hôi làm mặn thêm biển, căn nhà cấp 1 có bốn tầng kiên cố đầu tiên đã mọc lên giữa vành đai san hô tuyệt đẹp của đảo Tiên Nữ. Cả khung 75 người vẫn ở trên pôngtông (một loại bè nổi - NV) để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trong lúc chờ tàu ra đón.

Năm 1988 nhiều biến cố, cả biển cũng động sớm hơn dự báo. Tàu Hạ Long 01 chưa ra tới đảo Tiên Nữ đã gặp sóng to gió lớn mắc cạn. Trên chiếc pôngtông bập bềnh, ông Thống giấu kín thông tin tàu mắc cạn, vẫn bình thản chỉ huy toàn khung tiếp tục công việc, gia cố thềm đảo và chờ. Sóng ngày một to hơn, thời gian cũng ngày một dài ra. Đã hai tuần kể từ ngày hẹn, tàu vẫn chưa tới.

“Hôm ấy nước dâng cao, sóng cuộn xoáy như muốn cuốn pôngtông ra biển. Công việc không tiếp tục được, tâm trạng sốt ruột, hoang mang bắt đầu lan ra. Giữa lúc đó, một con sóng giật đứt một đầu dây xích neo pôngtông. Chỉ còn có ba góc, cả cái pôngtông rộng hàng trăm mét vuông với 75 con người rung giật dữ dội và bắt đầu trôi đi...”.

Trên gương mặt ông Thống hôm nay, giây phút căng thẳng hai mươi mấy năm trước như quay về.

Sinh mạng của 75 con người đặt nặng lên vai ông, nhưng đó vẫn chưa phải là gánh nặng nhất. Pôngtông bị cuốn trôi đi còn có nguy cơ sẽ bị sóng đánh đập vào nhà cấp 1 vừa xây xong gây thêm thiệt hại. Tín hiệu cấp cứu gửi về bộ chỉ huy nhận được một lúc hai thư trả lời. Tư lệnh: “Bằng mọi giá phải cứu pôngtông”. Phó tư lệnh: “Bằng mọi giá cứu nhà cấp 1”. Cuộc họp ban chỉ huy ngay trên pôngtông đang giật, đang lắc, đang trôi quanh quẩn rơi vào thế bí.

Trung úy đảo trưởng đề xuất huy động tất cả mọi người, mọi phương tiện múc nước biển đổ vào các khoang của pôngtông để tăng sức nặng, hi vọng pôngtông ngừng trôi. Ông Thống gật đầu và cho triển khai ngay dù biết rằng các loại thùng, xô có thể múc nước đã hư hỏng gần hết sau mấy tháng thi công, dây thả xuống, nước múc lên cũng sẽ bị gió tạt hết sang hướng khác. “Tôi nói với anh em: Dù mỗi xô nước kéo lên chỉ đổ được một giọt vào khoang pôngtông thì một ngày chúng ta cũng đổ thêm được một tấn nước để tự cứu mình...”.

Tấm ảnh Bác Hồ

Trong lúc ấy thì ông đã tính đến một phương án khác.

Chia người ra làm hai nhóm. Một: 50-60 người, đợi lúc pôngtông trôi gần nhà cấp 1 thì nhảy xuống biển bơi sang giữ nhà, giữ đảo, chờ tàu. Nhóm này xác định sẽ không mang theo thứ gì trên người để đảm bảo có thể sang được đến nơi, dù nhà cấp 1 khi ấy chỉ là nhà trống, không lương thực, không nước uống. Hai: những người còn lại ở lại với hi vọng cứu pôngtông và giữ không cho nó đâm vào nhà cấp 1. Trường hợp pôngtông bị cuốn ra biển thì khi trôi đến bờ bên kia của vành đai san hô phải cố bò lên các mô đá chờ tàu cứu.

“Phương án đứt ruột, nặng lòng chỉ huy nhưng không thể không tính. Thật may, anh em bằng lòng ngay và cậu Thuật, sĩ quan phụ trách hậu cần, đã xung phong chỉ huy nhóm ở lại pôngtông, đồng nghĩa với chấp nhận hi sinh. Anh em nhìn nhau không dám rơi nước mắt. Tôi lại phải nghĩ ra một cách nữa để động viên tinh thần chiến sĩ...”.

Ông Thống lấy tấm ảnh Bác Hồ ở bìa cuốn sổ công tác, bọc nilông, trao cho một chiến sĩ bơi giỏi nhất lao xuống biển bơi sang nhà cấp 1. Tấm ảnh được đặt lên ô cửa sổ của nhà, hướng ra phía pôngtông. “Bác đang nhìn chúng ta, sẽ phù hộ cho chúng ta” - ông nói với anh em như thế.

Khi trôi về phía nhà cấp 1, chính căn nhà cao sừng sững lại thành một tấm khiên chắn bớt gió, bớt sóng cho pôngtông. Thấy thời tiết bắt đầu dịu bớt, những người đã được chọn vào nhóm 1 lại nắm níu không muốn bơi vào nhà, kể cả ông Thống cũng ngần ngừ “đợi thêm lúc nữa xem sao”. Lúc nữa, lúc nữa, lại thêm mấy cái lúc nữa... Cuối cùng, phía chân trời hiện ra bóng tàu Hạ Long 01, cuộc chia tay sinh tử không phải xảy ra. Vậy là họ đã hai ngày đêm chiến đấu...

________________________

Kế tục cha ông, những người lính xây dựng đảo ngày ấy đã đổ máu xương ghi tiếp niềm tự hào lên cột mốc chủ quyền đã có trên từng hòn đảo...

Kỳ tới: Niềm tự hào Tốc Tan

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên