06/02/2015 21:14 GMT+7

Một ngày trên chiến trường miền đông Ukraine

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Phóng viên báo New York Times mô tả lại cuộc sống đằng sau chiến hào của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.

Binh sĩ từ cả hai phe chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai đang xung đột với nhau dữ đội. Ảnh: Reuters

“Đấy, anh thấy chưa, mấy người Ukraine ở trong đó (ý là quân chính phủ)” - viên chỉ huy tên Pavel chỉ cho phóng viên mấy tòa nhà văn phòng nằm rải rác cách trạm quan sát họ đang đứng chỉ vài trăm mét. Pavel được các đồng đội gọi thân mật là Batya, ông là một trong những chỉ huy quân ly khai ở miền đông Ukraine.

Một vòng chiến tuyến

Bên dưới thung lũng là một ngôi làng mới được phe Batya kiểm soát cách đây vài ngày, một đám cháy do pháo kích vẫn còn âm ỉ. “Thỉnh thoảng họ tấn công chúng tôi vào ban đêm bằng xe tăng, nhưng chúng tôi ngăn họ tiến tới” – Batya cho hay.

Tâm trạng của quân ly khai Ukraine đang phấn khởi những ngày gần đây. Cách đây hai tuần họ chiếm được sân bay Donetsk sau các trận giao tranh dữ dội nhất kể từ mùa thu năm ngoái. Phương Tây nói Nga mới có đợt viện trợ cho phe ly khai hồi tháng trước, và bây giờ họ cảm thấy đang ở thế thượng phong.

Donetsk đổ nát - Ảnh: Reuters
Donetsk - tâm điểm cuộc chiến - đang ngày một đổ nát tan hoang - Ảnh: Reuters

Mới hôm 2-2, ông Aleksandr Zakharchenko Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng tuyên bố họ sẽ đáp trả việc Kiev tuyển thêm quân bằng cách tổ chức tổng động viên quân tình nguyện. Ông thề sẽ tăng quân số lên 100.000. Cùng thời điểm này, quân ly khai đang trên đà bao vây thị trấn Debaltseve với vài trăm quân chính phủ đang cố thủ.

“Bọn họ coi như đã bị cô lập”, Batya nói. Lực lượng của ông đang triển khai bên rìa thị trấn chiến lược Horlivka, cách không xa con đường độc đạo nối Debatlseve với phần phía bắc Ukraine đang do chính phủ kiểm soát. Đây là con đường thường xuyên có giao tranh giữa hai bên gần đây và đôi khi không thể di chuyển được.

Ngôi nhà nơi Batya đang dùng làm trụ sở trước đó thuộc về một công tố viên, nhưng ông ta đã bỏ chạy sau khi phe li khai tiến gần. “Đây là người lính nổi tiếng của chúng tôi” - Batya tươi cười chỉ cho phóng viên một phụ nữ nhỏ ngồi cạnh cửa sổ. Cô tên là Ira, trước chiến tranh Ira làm công việc thư ký ở một nhà trẻ tại Shakhtarsk, thị trấn cách đó vài dặm về phía nam.

“Cô ấy làm công việc băng bó cho các thương binh trên mặt trận. Cô ấy có thể nấu ăn, lái xe tăng và ngoài ra còn là một tay bắn tỉa thiện xạ” - Batya giới thiệu. Ira ngồi trên ghế sô pha, tỏ ra hơi mắc cỡ. “Tôi không được ai dạy bắn súng hết, tôi quyết định thử thôi”, cô nói.

Batya nói lực lượng của ông đã giữ vị trí này trong bốn tháng, họ đang chờ con đường đến Debaltseve bị cắt đứt để tiếp tục di chuyển.

Xe tăng chạy trên đường cùng xe hơi - cảnh thường thấy kể từ cuộc xung đột nổ ra ở miền đông Ukraine. Ảnh: Telegraph.

 

Tương lai nào sau chiến tranh

Hồi tháng 8-2014, quân li khai có một đợt bủa vây quân chính phủ xung quanh thị trấn Ilovaisk. Chiến dịch này phá vỡ toàn bộ các đơn vị quân chính phủ, bỏ lại đằng sau cả trăm xe cơ giới bốc cháy và cũng chính thức đảo chiều cuộc chiến. Bây giờ người ta đang râm ran câu chuyện “một Ilovaisk khác” sắp diễn ra ở Debaltseve.

“Chúng tôi sẽ thắng, tôi biết điều đó”, Batya nói. “Chúng tôi không chấp nhận sống chung với mấy tên Ukraine đó nữa. Nhưng đất nước sẽ ra sao sau cuộc chiến, thành thật tôi không tưởng tượng ra”.

Thị trấn Horlivka là một vị trí quan trọng đối với phe ly khai vì nó có các cơ sở công nghiệp và năm đường ống dẫn nước lớn chạy qua. Batya nói nếu chính phủ chiếm được thị trấn, họ có thể cắt nguồn cung cấp nước cho cả khu vực. “Mất Horlivka là thua cuộc chiến. Nhưng chúng tôi sẽ không mất Horlivka”.

Các con đường ở trung tâm thị trấn chen chúc người đi mua hàng hóa vào cuối tuần, đa phần họ là phụ nữ lớn tuổi. Người chờ đèn tín hiệu giao thông, người chạy cho kịp các chuyến xe buýt… cuộc sống vẫn chuyển động.

Về phía bắc một chút thì mọi thứ khá hỗn độn: một trạm chờ xe bị pháo giã nát, một cây cầu đi bộ đổ sụp lên một đường ống nước, một căn hộ chung cư bị trúng pháo vẫn còn bốc cháy - gia đình ba người đó đã không gặp may cách đây hai đêm…

Tâm trạng Batya bỗng tỏ ra chán chường, ông hỏi phóng viên tại sao người Mỹ lại giúp lực lượng Ukraine gây ra những điều này cho người dân của ông.

“Chúng tôi nhìn có giống khủng bố không? Có giống lính Nga không?”. Ông mò trong túi áo ngực ra một quyển hộ chiếu Ukraine và một đống thẻ căn cước. “Thấy chưa! Cứ đến thị trấn nào mới, lại phải điền giấy tờ mới” – ông giải thích.

Sau một hồi đi vòng quanh chiến tuyến, Batya dừng lại một chút để kiểm tra mấy người lính. Một phụ nữ lớn tuổi đang cãi nhau với hai binh sĩ, họ từ chối cho bà đi qua để mua bánh mì vì nghi ngờ là gián điệp của chính phủ.

Cách đó không xa, Ira đứng mỉm cười bẽn lẽn, ôm chặt khẩu súng trường tự động trên ngực. Khẩu súng có gắn một bộ phận phóng lựu, đầu đạn dùng cho súng được gọi là “con ếch” do khi nó chạm mặt đất sẽ tự động nẩy lên và phát nổ ở tầm thắt lưng.

“Tôi chứng kiến những gì xảy ra ở Maidan” – Ira nhắc đến phong trào nổi dậy hồi năm ngoái - “Tôi biết tôi đang chiến đấu chống lại những người mới lên nắm quyền ở Kiev”. Đối với cô, không có lựa chọn nào khác ngoài con đường này. “Tôi chỉ có cảm giác cần phải làm gì đó. Và tôi nghĩ, tại sao không phải là tôi?” - Ira nói.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên