Cờ ốc có quy định "3 mạng"
Về lý thuyết, nhiệm vụ cầm hòa đối thủ Frayna người Philippines với Hồng Ân không quá khó khăn, bởi ngay trong ván lượt đi trước đó Hồng Ân đã giành chiến thắng thuyết phục. Nhưng đó là lý thuyết với người ngoài cuộc.
Còn với người trong cuộc, Hồng Ân cho biết cô cũng hơi run khi nghĩ đến vinh quang của tấm huy chương vàng. Cần biết, cả Hồng Ân, Phương Thảo hay nhiều kỳ thủ khác ở đội tuyển cờ ốc (cờ ouk chaktrang) đều không có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế.
Trước khi chuyển sang chơi cờ ốc, phần đông họ chỉ là những kỳ thủ đội tuyển cấp tỉnh, thành. Đứng trước cơ hội giành huy chương vàng đầu tiên, Hồng Ân thừa nhận mình có hơi run.
Thời điểm Phương Thảo kết thúc ván lượt về là 17h, và tỉ số là 2-1 nghiêng về Việt Nam. Nếu Hồng Ân thua, tỉ số sẽ là 2-2 và cả hai phải đợi thêm 4 ngày nữa mới có thể phân định màu sắc tấm huy chương ở lượt trận cuối.
Chỉ cần hòa nên Hồng Ân không cần phải vội vàng, cô duy trì thế cờ chặt chẽ trước sự nôn nóng của đối thủ Philippines. Và diễn biến đúng như Hồng Ân cũng như mọi người hâm mộ Việt Nam trông đợi, thế cờ dần trôi về kết cục hòa.
Khi bàn cờ chỉ còn vỏn vẹn vài quân và thời gian chỉ còn chừng 10 phút cho cả hai, mọi người nói vui rằng: thời điểm này chỉ còn một khả năng để Hồng Ân thua trận là… cô làm đổ bàn cờ.
Hồng Ân bật cười khi nói về chuyện này: "Khả năng này đúng là có tồn tại. Đặc biệt trong đội cũng có một đôi từng làm đổ cờ. Nhưng theo luật môn cờ ốc, mỗi kỳ thủ được phép làm đổ cờ đến 3 lần. Trọng tài bên cạnh luôn ghi chép lại thế cờ nên ván cờ sẽ được tái lập nếu có sự cố gì đó. Biết vậy nên tôi tuy có hơi run một chút nhưng cũng không quá sợ hãi".
Mặt khác, Hồng Ân phải đối mặt một nỗi lo khác. Đó là những chiếc kim bấm dưới lớp vải trải bàn. "Một số kỳ thủ vô tình bị kim chích nên hoảng hốt làm đổ cả bàn cờ. Tôi cũng có lúc quên để ý bị kim chích vào bụng, may mà không làm đổ cờ, không lại vô tình làm mất tấm huy chương vàng (cười)", Hồng Ân kể vui.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận