26/10/2018 15:26 GMT+7

'Một bộ phận dường như dị ứng với đổi mới sáng tạo'

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - "Tâm thế và nội lực của chúng ta đã sẵn sàng đến mức nào cho cuộc cách mạng 4.0? Khi mà một bộ phận dường như còn dị ứng với đổi mới sáng tạo", đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đặt câu hỏi.

Một bộ phận dường như dị ứng với đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) - Ảnh: Quochoi.vn

Tâm thế chưa sẵn sàng

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng nay (26-10), ông Phạm Trọng Nhân dẫn ra một loạt ví dụ để dẫn chứng cho sự "dị ứng" với đổi mới sáng tạo: "Khi cuộc chiến giữa Vinasun và Grab chưa đi đến hồi kết thì mới đây Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam có văn bản đề nghị Bộ Thông tin truyền thông không cấp phép cho Facebook phát sóng Giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam".

Hay khoản đầu tư 500 tỉ đồng để phát triển khoa học, công nghệ của gốm sứ Minh Long không được hỗ trợ, dù rất nhiều cơ quan chức năng vào cuộc vẫn không tháo gỡ được, đã cho thấy tâm thế đó vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc dấn thân lần này.

"Mức độ xã hội đón nhận sáng tạo công nghệ - nhân tố quyết định tiến bộ là một trong những bài học mà cách mạng công nghiệp lần thứ nhất để lại vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, bài học đó không phải ai cũng có thể thẩm thấu", ông Nhân phân tích.

Về nội lực, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, trái với lạc quan ban đầu về khả năng và vị trí của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần này, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia yếu kém dựa trên các tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất mới trong tương lai.

Cụ thể, về các yếu tố phát triển nhân lực, đổi mới sáng tạo tính trong 100 quốc gia, Việt Nam đứng thứ 70 về nguồn nhân lực, thứ 81 về chỉ số lao động chuyên môn cao, thứ 75 về chất lượng đào tạo đại học, thứ 90 về đổi mới công nghệ và sáng tạo, 92 về công nghệ nền, 77 về năng lực sáng tạo, trong khi các chỉ số này chính là hợp phần không thể thay thế cho phản ứng 4.0.

Ví dụ gần gũi hơn, Tổng cục Thống kê cho biết năm 2017 chỉ có 36% các đơn vị kinh tế hành chính sự nghiệp sử dụng máy tính và Internet để điều hành các tác nghiệp, 1,2% tổng số cơ sở cung cấp hoàn chỉnh dịch vụ công trực tiếp mức độ 4.

Mặc dù người đứng đầu Chính phủ nóng lòng hối thúc tốc độ thực hiện Chính phủ điện tử nhưng một trong những nền tảng cho cách mạng lần này vẫn còn rất chậm thì làm thế nào để vượt lên chính mình và không bị bỏ lại phía sau.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân

Tụt lại phía sau

Đưa ra bối cảnh thế giới để so sánh, đại biểu Phạm Trọng Nhân dẫn chứng với những dự báo diễn ra trước năm 2025 như chiếc ôtô đầu tiên được sản xuất bằng công nghệ in 3D, điện thoại di động được cấy ghép trên cơ thể người, 30% kiểm toán doanh nghiệp do trí tuệ nhân tạo thực hiện…

"Vậy thì những thành tựu nào hay ít nhất một phần của những thành tựu trong số đó sẽ đóng mác sản xuất tại Việt Nam. Chúng ta không nên bi quan nhưng cũng thật khó để có thể lạc quan tích cực", đại biểu Nhân nói.

Ông cho rằng thế giới không đứng yên để chúng ta vận động tiến lên cho bằng vai, phải lứa mà tất cả đều đang chuyển động với một gia tốc chưa từng có trong lịch sử, thời cơ thuận lợi trong kỷ nguyên số chia đều cho hầu hết tất cả các quốc gia. 

Ông đánh giá Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng. Trong khi tác động tiêu cực của già hóa dân số lên tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ nhiều hơn so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Những chính sách thu hút đầu tư dù hấp dẫn thế nào cũng không phát huy nhiều tác dụng. 

"Để đi tắt, đón đầu và vượt lên, tất nhiên phải hiểu rõ địa hình, địa thế… Dù thừa quyết tâm nhưng phải tỉnh táo, biết mình, biết ta để không chỉ bước đi vững chắc cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ này mà trên hết phải xây dựng môi trường thể chế để khoa học công nghệ trở thành người dẫn đường mở lối đi đến thịnh vượng", đại biểu Bình Dương nói.

Doanh nghiệp cách mạng 4.0, công nghệ thôi chưa đủ Doanh nghiệp cách mạng 4.0, công nghệ thôi chưa đủ

TTO - Mua một công nghệ mới về chưa thể gọi là doanh nghiệp của 4.0, chính phương thức giải quyết những bài toán của thị trường mới quyết định sự đổi mới của các doanh nghiệp.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên