15/08/2020 11:04 GMT+7

Món quà của sự tử tế

TS NGUYỄN THỊ HẬU
TS NGUYỄN THỊ HẬU

TTO - Món quà nhỏ - như một sự cảm thông và chia sẻ khó khăn - đã mang lại tình cảm ấm áp cho nhiều người vừa trải qua những ngày lo âu ở thành phố biển.

Hôm 12-8, tiễn đưa du khách mắc kẹt trong gần 3 tuần qua ở Đà Nẵng trở về Hà Nội và TP.HCM, chính quyền Đà Nẵng đã tặng mỗi du khách một phần quà là đặc sản Đà Nẵng như bánh khô mè, bánh đậu xanh và cả thư cảm ơn của lãnh đạo Đà Nẵng.

Món quà nhỏ - như một sự cảm thông và chia sẻ khó khăn - đã mang lại tình cảm ấm áp cho nhiều người vừa trải qua những ngày lo âu ở thành phố biển.

Đà Nẵng vừa mới đón du khách trở lại sau hơn sáu tháng đình trệ vì COVID-19 đã phải đối mặt với khó khăn mới khi trở thành tâm dịch. Ngay những ngày đầu dịch tái phát, Chính phủ và chính quyền thành phố đã có phản ứng nhanh chóng. 

Phòng và chống cho người dân ở đây và cả lo lắng cho hàng ngàn người đang bị kẹt lại nơi đây mà chưa biết có thể được về nhà lúc nào và bằng cách nào.

Với một thành phố du lịch, dòng khách luân chuyển qua lại sẽ góp phần tạo ra sức sống từ thu nhập kinh tế và các sinh hoạt xã hội khác. 

Nhưng khi luồng khách bị "ứ đọng" sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phải giải quyết: nơi ăn ở, những nhu cầu khác của du khách, sự đình trệ những hoạt động của dân cư địa phương, nguy cơ dịch bùng phát cao hơn... 

Đó là bài toán cực kỳ khó đối với bất kỳ thành phố nào nếu lâm vào tình trạng như Đà Nẵng những ngày vừa qua, chưa kể thành phố bên sông Hàn còn đang ở vị trí tuyến đầu chống dịch.

Thông lệ của nhiều công ty du lịch là khi đăng ký tour, khách hàng thường nhận được một món quà nhỏ, có thể là việc giảm giá chút đỉnh, có thể là một đồ dùng hữu ích cho chuyến du lịch như túi xách, balô... 

Món quà được trao trước khi khởi hành để mang lại niềm hứng khởi nho nhỏ và không khí vui vẻ cho đoàn khách. Hầu như hiếm có việc tặng quà cho du khách sau chuyến đi, chỉ thi thoảng có tour tặng mỗi người một tấm hình chung của cả đoàn. 

Thế nên việc Đà Nẵng tặng quà và gửi thư cảm ơn đến cả trăm du khách, khi mà nhiều người rời đi nhưng chưa hoàn thành chuyến du lịch, thậm chí mới đến thành phố đã phải ngừng mọi kế hoạch..., đã gây được cảm tình. 

Cảm tình đó có thể khi trở lại trạng thái "bình thường", nhiều du khách lại đến với thành phố này vì đã nhận được ở đây sự đồng cảm và giúp đỡ trong những ngày khó khăn.

Dịch bệnh gây ra sự ngừng trệ hoạt động kinh tế và sinh hoạt hằng ngày là điều khó lường trước. Nhưng giai đoạn tạm thời giãn cách mọi công việc, có thể chính là thời gian để nhìn lại và nhận ra những gì chưa làm và cần làm để ngành nghề của mình tốt hơn. 

Với du lịch, phát triển các cơ sở dịch vụ, nghỉ dưỡng hay khai thác di tích văn hóa, thắng cảnh thiên nhiên nhưng không thể bỏ quên sự chân thành và chu đáo của con người, từ dân cư địa phương đến chính quyền. 

Văn hóa du lịch không phải đo đếm bằng số lượng resort hay các ngôi sao xếp hạng khách sạn, mà nó được đo lường bằng sự tử tế, thân thiện của chủ nhân, đó còn là một khía cạnh của sự chuyên nghiệp.

Sau cơn đại dịch, trong ký ức nhìn lại thời điểm "nguy ngập" vừa qua trong những ngày kẹt lại ở Đà Nẵng, ắt hẳn các du khách đó có thêm một kỷ niệm nho nhỏ về sự mến khách cho dẫu chỉ là một món quà nhỏ. 

Ngành du lịch gặp khó trong đại dịch khi phục hồi cũng ắt hẳn có nhiều bài học kinh nghiệm để thay đổi, trong đó có câu chuyện món quà ý nghĩa từ Đà Nẵng.

300 hành khách mắc kẹt ở Đà Nẵng hạ cánh Tân Sơn Nhất 300 hành khách mắc kẹt ở Đà Nẵng hạ cánh Tân Sơn Nhất

TTO - 16h10 ngày 13-8, chuyến bay đặc biệt 'giải cứu' 300 hành khách mắc kẹt ở Đà Nẵng đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiều người không giấu được vui mừng khi được trở lại thành phố.

TS NGUYỄN THỊ HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên