11/11/2021 12:05 GMT+7

Mỗi người một chuyện đoàn viên

TRẦN NHÃ THỤY
TRẦN NHÃ THỤY

TTO - "Em về rồi mà chưa về nhà". "Gì kỳ cục vậy?". "Dạ, là vừa về tới quê thì người ta đưa đi cách ly tập trung luôn, giờ hai vợ chồng em phải ở đây 21 ngày, mỗi ngày tốn 80.000 đồng anh à".

Mỗi người một chuyện đoàn viên - Ảnh 1.

1. Khi tôi gọi cho H. thì hai vợ chồng em còn phờ phạc sau một quãng đường dài chạy xe gắn máy từ Sài Gòn về Bạc Liêu. Chiều hôm đó trời mưa, chiếc xe máy cà tàng lại bị hư dọc đường, dắt bộ cả mấy cây số mới có chỗ sửa, chạy tới quê thì đã nửa đêm. Vừa vô tới địa phận giáp ranh huyện là cảnh sát giao thông dẫn đường kè đi cách ly luôn.

Khu cách ly cách nhà 10 cây số. Cảm giác như nhà ở kế bên mà không thể về. Mái nhà đó có đứa con trai nhỏ đang ở với ông bà ngoại, nghe ba má về cứ ngóng từng ngày. Đó là tôi hình dung vậy. Cũng như tôi ngày bé ở quê, mỗi khi nghe tin ba má đi làm ăn xa chuẩn bị về nhà là thắc thỏm ngóng từng ngày từng giờ.

Ở quê, chục cây số gần xịt, chạy xe máy vèo cái tới. Nhưng giờ phải bó giò trong khu cách ly, ngồi đếm 21 ngày, tức ba tuần.

Trường hợp của H là điển hình cho những cặp vợ chồng đèo nhau bằng xe gắn máy về quê trong đợt dịch vừa rồi. H đỡ hơn mấy người khác là con gửi cho ông bà ngoại nuôi, không phải ràng rịt bồng tống khổ sở dọc đường. Nhưng về gần con mà chưa được gặp con thì thắt ruột. Ông bà ngoại tuổi già đau bịnh rề rề, nghe con về mà chưa gặp bụng dạ cũng không yên.

Không biết ở trong khu cách ly thì có bị làm sao? Ngày nào cũng điện hỏi tin tức, rồi hỏi trỏng ăn uống sao con, thôi ráng vài bữa về tao nấu cho ăn, chắc thèm món cá lóc kho tộ lắm hả con? Thôi ráng đi nhen. Dịch giã vầy, về tới quê là mừng rồi. Ba má không sao đâu, con đừng có lo, ở nhà có gì ăn nấy, già rồi ăn uống bao nhiêu, bây ráng giữ sức khỏe rồi về để sắp nhỏ nó trông.

Sau 21 ngày cách ly tập trung, về nhà lại cách ly tiếp 7 ngày. Nhưng được về nhà là mừng lắm rồi. Bà con chòm xóm hỏi thăm nhau qua cái bờ rào trước ngõ, qua cái rạch sau nhà. Ở quê mà giờ ai ra đường cũng đeo khẩu trang, dòm ngộ quá. Nhưng đứng cách xa, khi nói chuyện kéo cái khẩu trang xuống để nhìn mặt nhau.

"Dạo này trông bây ốm quá, Sài Gòn dịch giã ghê quá hả con?"; "Dạ, tụi con thất nghiệp mấy tháng trời mà, may được về tới nhà bình an là mừng rồi".

Nhưng con vừa về ít bữa, vừa mới kịp ăn được một bữa cơm có món cá lóc kho tộ mẹ nấu thì cha già đổ bịnh phải nhập viện trên tỉnh. Mẹ khăn gói theo nuôi cha. Nhà lại vắng hoe vắng ngắt. Buổi chiều, sau một ngày làm lụng vất vả, khi ngồi bên bếp nấu cơm, H lại ngóng ra phía con rạch sau nhà như chờ nghe một tiếng người, thậm chí là tiếng ho khan của cha già.

Mỗi người một chuyện đoàn viên - Ảnh 2.

Hai vợ chồng H. đi xe gắn máy từ Sài Gòn về Bạc Liêu ngày 1-10 - Ảnh: T.N.T.

2. Những cảnh đoàn viên sau đại dịch Covid-19 mang nhiều sắc thái.

Cách đây chừng 5 tháng, cậu mợ tôi từ quê nhà Quảng Ngãi vô Sài Gòn khám chữa bệnh, rồi mắc kẹt lại không thể về khi dịch Covid-19 bùng lên. Suốt mấy tháng trời sống trong căn nhà nhỏ hẻm nhỏ Sài Gòn, cậu mợ tôi đâm trầm cảm.

Khi Sài Gòn vừa hết lệnh phong tỏa, chị tôi lập tức tìm cách đưa cậu mợ về quê. Lúc này, cậu mợ tôi đã yếu, chưn cẳng đi lại khó khăn không thể tự về.

Thế là sau bao nhiêu năm không về quê, lần này chị tôi về. Nhưng về tới nhà thì cũng chịu cảnh cách ly. May mà không bị tập trung, chỉ cách ly tại nhà. Hết một tuần rồi vội vã quay lại Sài Gòn, vì ở quê cũng không để làm gì, không dám đi đâu, đận này người quê "kỳ thị" người Sài Gòn dữ quá.

Nhưng được về nhà dù sao cũng là niềm hạnh phúc. Về nhà là về gặp lại những kỉ niệm cũ càng, trong đó có hình bóng tuổi thơ.

Về nhà lúc cha yếu mẹ già, là dịp để cảm nhận rõ nhất cái gọi là cố hương. Ai sống ở quê thì cũng muốn được chết ở quê. Không đi đâu khỏi nhà nhưng vẫn có thể nghe mùi rơm rạ, vẫn thấy hình bóng ngọn núi xanh phía mờ xa.

Rồi chị rời quê nhà vào một ngày mưa gió, tự nhen chút lửa trong lòng mình.

Mỗi người một chuyện đoàn viên - Ảnh 3.

Tác giả đi trao quà cho bà con nghèo ở Củ Chi vào tháng 10 - Ảnh: NGUYỄN TRẦN TÂM

3. Chúng tôi ngồi ở tiệm cà phê vỉa hè nơi góc ngã ba. Thành phố sau những ngày phong tỏa bỗng chậm lại một nhịp dù đã là "bình thường mới".

Chỗ ngã ba này, trong suốt mấy tháng qua bị bịt cứng bởi một cái hàng rào. Những ngày đó, tôi không đi qua đây, nhưng hình dung được, bởi đã tận mắt chứng kiến rất nhiều con đường như thế.

Nhưng tôi không biết là nhà ông bạn cách nhà cha mẹ chỉ có mấy trăm thước. Cha ông bạn mất cách đây hai năm rồi, chỉ còn mẹ già đang sống với đứa em gái út. Nhà em gái út ở chung cư, đợt dịch này căng quá nên dọn luôn về nhà ông bà già ở cho rộng rãi. Chứ bình thường nhà ông bà già cho thuê tầng trệt, còn trên thì khóa cửa. Tầng trệt người ta thuê bán quần áo, đồ chơi con nít, nhưng mùa dịch ế ẩm đã trả mặt bằng dọn đi.

"Chỉ cách nhau có mấy trăm thước thôi mà suốt mấy tháng qua tui không thể qua đó thăm mẹ, thắp hương cho ông già", ông bạn nói.

Việc đầu tiên sau khi cái hàng rào kia được tháo đi là ông bạn lật đật về ôm chầm lấy mẹ, rồi lên gian thờ lầu ba thắp nhang lạy cha.

Trong khi ông bạn kể, tôi hình dung những bước chân trên vỉa hè sau ngày thành phố tháo chốt. Bước chân của người đàn ông trung niên nhưng cũng đã già đi nhiều, tóc bạc trắng và rụng thê thảm sau những ngày "nằm nhà chống dịch". Bước chân run lên, lật đật, chênh vênh. Chỉ là mấy trăm thước mà như vạn dặm.

"Thắp hương cho ông già xong, tui mở cánh cửa bước ra ngoài ban công thì thấy lá khô từ cây xà cừ ngoài phố rụng bay đầy. Mới mấy tháng mà cảm giác như trăm năm. Tui như chôn chân dưới đám lá khô. Rồi tui chợt nghe tiếng cu gù trên tàn cây xà cừ cổ thụ.

Lúc đó, tui chợt nghĩ có thể cha tui cũng đang nằm nghe tiếng chim gù bình yên thế này", ông bạn nói, mắt đỏ hoe. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy ông bạn vốn là dân kỹ thuật lại xúc cảm ngôn từ như thế.

*

Cứ như thế, những ngày cuối năm cứ trôi dần đi cùng những vui buồn bao phận người trong đại dịch.

Nhưng "dù mùa đông có kéo dài bao lâu thì mùa xuân vẫn tiếp nối". Một cái Tết lại tiếp tục gần kề. Tết lại về. Và, mỗi chúng ta lại cùng nhau thủ thỉ chuyện đoàn viên. Mỗi người một chuyện đoàn viên.

Mỗi người một chuyện đoàn viên - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đoàn viên sau đại dịch: Tết sum vầy đầu tiên của hòa bình Đoàn viên sau đại dịch: Tết sum vầy đầu tiên của hòa bình

TTO - Dù đã trải qua 60 - 70 cái tết đủ cảm xúc đời người, họa sĩ Lê Thiết Cương hay nhạc sĩ Thụy Kha vẫn cứ da diết nhớ và tha thiết thương những cái tết gia đình đoàn viên đầu tiên của hòa bình.

TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên