05/11/2021 13:31 GMT+7

Đoàn viên sau đại dịch: Phía xa kia là khói quê nhà

TỊNH YÊN (Phú Yên)
TỊNH YÊN (Phú Yên)

TTO - Bước qua tháng 10 âm lịch, trời bắt đầu mưa như trút. Mỗi bận gọi về, ba chỉ quẩn quanh "Nước ngập đến đồng Găng chưa con? Ruộng Sũng mùa này chắc lở hết rồi. Năm nay hạn nhiều nên mưa cũng dữ...".

Đoàn viên sau đại dịch: Phía xa kia là khói quê nhà - Ảnh 1.

Sớm mai yên bình, ba nhen bếp lửa quê và vót nan tre cắm luống hàng vạn thọ cho vừa kịp tết - Ảnh: tác giả bài viết cung cấp

Ba như một cái cây dẫu đã cỗi già, vẫn bám rễ êm trong khu vườn quê đêm đêm gió ẩm. Vậy nên ba ngày càng héo hon trong nỗi nhớ đau đáu khi phải rời mảnh đất quê nhà xa lắc...

Ngày ba nhập viện, tôi tự trấn an mình rằng đó là lẽ thường tình của tuổi già.

Thế nhưng ba phải đi tuyến trên điều trị, để rồi sau đó dịch COVID-19 lan rộng, sau thời gian dài điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ chỉ định cho những bệnh nhân có chuyển biến tốt được ra viện để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, ba ở lại nhà anh Hai để tiện việc tái khám sau này.

Gần 80 năm qua, ba hầu như chưa đi xa khỏi lũy tre làng. Mái nhà này, mảnh đất quê này cùng những người xóm giềng gần gũi đã như một phần máu thịt của ba.

Nếu bây giờ ba ở nhà, thể nào cũng đã tính toán chu toàn cho mùa đông đã chực chờ trước cửa. Ba sẽ miệt mài đánh những dây chão từ sợi giang rừng để cột lại mấy tấm phên, cố định những thanh ngang nơi mái hiên chuẩn bị đón lụt chồng với bão.

Ba sẽ cầm chiếc cuốc đi khắp vườn khơi thông dòng chảy để đám bông giờ, nghệ đen, nghệ vàng không bị ngập úng. Ba sẽ vẩy một lớp tro cũ lên những củ khoai mài treo từng chùm trên gác bếp và chặt sẵn những cây tấm nhơn già để dành làm chái khoai cho vụ tiếp theo.

Ba vót nan tre thẳng đều, phần cật để đan những chiếc đục đựng cua mùa nước lên, phần ruột bên trong để cắm luống cho hàng bông vạn thọ đã ươm từ rằm tháng 8. Có như thế, lũ gà mẹ không thể bới lên và chúng sẽ kịp đơm hoa đúng tiết xuân vừa chớm giao mùa.

Ba đi dọc những bãi soi ngô, thay lại áo mới cho những con bù nhìn canh ruộng và chắc chắn rằng ba cũng sẽ chuẩn bị chu tất cho việc chạp mộ, một công việc mà ba làm bằng cả sự tận tâm và thành kính vô cùng!

Rồi dịch bệnh được kiểm soát, những khu cách ly, phong tỏa cũng được gỡ bỏ. Thành phố nơi ba đang sống với nỗi đau đáu khói quê đã bình thường trở lại, cũng là lúc sắp cạn năm cũ rồi.

Năm nay, trong niềm vui đoàn viên ngày tết, chúng tôi ngập tràn nhớ mong đón ba trở về nhà như ngày xưa cũ. Để mỗi sớm mai còn kịp thấy vệt khói tan trên chái bếp, bên mái đầu đã bạc những gió sương và dáng ngồi quá đỗi thân thuộc của ba.

Tôi sẽ lại cùng ba dậy sớm từ khi trời mờ hơi đất, nhen lên bếp lửa rực hồng để những vết than đen bám dày trên chiếc ấm mẻ vòi cũ kỹ cũng sáng lên li ti tàn đỏ, tiếng nước râu ngô sôi tràn miệng bốc khói những thảo thơm quê nhà.

Sau chén nước ngọt đằm trong sương sớm, tôi sẽ chở ba đi khắp nẻo đường làng, qua những cánh đồng mà ba luôn lo nắng hạn mưa dồn tàn phá, đi qua những bãi soi dài để ba nghe tiếng gió núi lùa phất phơ cánh áo con bù nhìn giữ ruộng...

Thể nào trong hơi sương lạnh của ngày mới chớm, chỉ cần nhìn ra bóng khói phía chân trời hay bất chợt thấy một bông hoa rù rì bên hàng dậu thưa, ba sẽ bảo "ráng vàng thì gió/ráng đỏ thì mưa!".

Đoàn viên sau đại dịch: Phía xa kia là khói quê nhà - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đoàn viên sau đại dịch: Ước mong sum họp ấy phải thành Đoàn viên sau đại dịch: Ước mong sum họp ấy phải thành

TTO - Như thường niên, báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi viết dành cho bạn đọc tải tâm tư, trăn trở, niềm hạnh phúc, nỗi âu lo khi năm cũ sắp qua năm mới sắp đến. Năm nay, cùng đơn vị đồng hành Piaggio Việt Nam, cuộc thi có tên: Đoàn viên sau đại dịch.

TỊNH YÊN (Phú Yên)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên