12/09/2021 08:20 GMT+7

Miền Trung vất vả chạy bão trong giãn cách

TR.TRUNG - Đ.CƯỜNG - T.LỰC - L.TRUNG - P.TUẦN - N.LINH
TR.TRUNG - Đ.CƯỜNG - T.LỰC - L.TRUNG - P.TUẦN - N.LINH

TTO - Giữa lúc các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, bão số 5 (hiện đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới) khiến đời sống của người dân miền Trung càng thêm khốn khó.

Miền Trung vất vả chạy bão trong giãn cách - Ảnh 1.

Nông dân TP Tam Kỳ, Quảng Nam dầm mưa thu hoạch sắn chạy bão - Ảnh: LÊ TRUNG

Suốt ngày 11-9, người dân các tỉnh thành tất tả thu hoạch nông sản, vội vã chằng chống nhà cửa "chạy bão", còn chính quyền ra sức sắp xếp chỗ trú bão an toàn, không để dịch bệnh bùng phát.

Chống bão vẫn phải test nhanh

Đà Nẵng quan tâm nhất khi ứng phó với bão Conson (bão số 5) là đảm bảo an toàn cho cả tài sản và phòng dịch cho ngư dân. Hôm qua, lượng mưa đo được tại một số trạm quan trắc ở TP Đà Nẵng phổ biến trên 200mm đến 300mm. Trong đó mưa lớn tập trung trong khu vực nội thành Đà Nẵng.

Theo thống kê của Ban quản lý âu thuyền cảng cá Thọ Quang đến trưa cùng ngày, trong khu vực âu thuyền có trên 700 tàu tránh bão. Trong phương án chống bão, nếu trường hợp bão lớn và buộc phải di chuyển thuyền viên, có khoảng 1.000 ngư dân lên bờ.

Kiểm tra tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Quảng, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, yêu cầu lực lượng chức năng phải kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào âu thuyền cũng như trước khi có phương án đưa ngư dân lên bờ. Trước khi di chuyển phải bảo đảm tất cả ngư dân được test nhanh COVID-19 để đảm bảo phòng chống dịch.

Thu hoạch nông sản "chạy bão"

Chiều qua, tại nhiều cánh đồng trồng sắn (khoai mì) ở xã Tam Thăng, phường An Phú (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), người dân tất bật thu hoạch. Bà Võ Thị Tiến (57 tuổi, thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng) cho biết hơn 2 sào sắn của mình gần đến kỳ thu hoạch đang bị ngập. Vì vậy gia đình phải nhổ gấp tránh sắn bị úng, thối.

Tỉnh này cũng chỉ đạo các địa phương khẩn trương hỗ trợ nông dân thu hoạch nhanh diện tích lúa vụ hè thu 2021. Cùng ngày tỉnh này có công điện yêu cầu các ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Tỉnh này cũng cho học sinh nghỉ học từ chiều để phòng tránh bão.

Ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết các địa phương đã lên phương án và chủ động triển khai sơ tán dân đến nơi an toàn. Dự kiến khoảng 95.000 dân được sơ tán trước khi bão đổ bộ, trong đó có 85.000 dân ở vùng ven biển, số còn lại thuộc vùng có nguy cơ sạt lở ở miền núi.

Theo huyện Phước Sơn, địa phương này đã di dời 278 hộ với 1.116 người tại các xã vùng cao và 21 công nhân đang thi công thủy điện ĐăkMi 2 đến nơi an toàn.

Nhiều tuyến đường sạt lở ở Huế

Trong ngày 11-9, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa rất to kèm gió giật mạnh. Hơn 20 căn nhà của người dân ở huyện Phong Điền bị tốc mái. Tại các xã Lộc Vĩnh, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) ghi nhận lượng mưa rất lớn suốt ngày 11-9. 

Mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến đường trong tỉnh bị sạt lở, ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông. Đặc biệt trưa 11-9, tuyến đường liên huyện nối quốc lộ 1 ra cầu Tư Hiền qua địa phận xã Lộc Bình bị sạt lở nặng. Cơ quan chức năng huyện Phú Lộc nhanh chóng điều xe cẩu đến giải phóng hiện trường.

Ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết tỉnh đã có thông báo yêu cầu người dân toàn tỉnh hạn chế ra đường từ 14h chiều 11-9. 

Đến tối cùng ngày, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã sơ tán được 17.000 dân đến nơi trú bão an toàn. Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết đã dự trữ 100 tấn mì ăn liền và 100 tấn gạo, đảm bảo cung ứng đủ trong mùa mưa bão.

Bão số 5 gây mưa lớn, 40 huyện có nguy cơ ngập lụt

da nang

Mưa lớn gây ngập cục bộ một số tuyến đường tại TP Đà Nẵng ngày 11-9 - Ảnh: TẤN LỰC

Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ ngày 12 đến 14-9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250mm/đợt. Từ nay đến 12-9, các tỉnh Bình Định, Kon Tum và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80mm/đợt, có nơi trên 100mm/đợt.

Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum ở mức báo động 1, trên báo động 1, các sông từ Thừa Thiên Huế đến Hà Tĩnh lên mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2.

"Nguy cơ ngập lụt tại 40 huyện của các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Một số khu vực ở thành phố Huế (Thừa Thiên Huế), Tam Kỳ, Hội An (Quảng Nam) có nguy cơ bị ngập cục bộ. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum" - ông Khiêm lưu ý.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - phó trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh cơn bão số 5 đổ bộ trong điều kiện COVID-19, chỉ tính riêng 3 tỉnh thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã có 2.031 F0, hàng nghìn F1, đây là thách thức rất lớn, do đó đề nghị các địa phương chỉ đạo cách làm, có kịch bản quyết liệt.

"Hạn chế tối đa di dân khi cần thiết, do đó cần bám sát các kịch bản. Nếu bắt buộc di dân thì di dân tại chỗ theo hướng xã nào ở xã đó. Vấn đề thuyền viên và người lao động trên thuyền, khi bão đổ bộ dứt khoát phải đưa lên bờ.

Có một số địa phương test nhanh còn chậm, do đó vẫn còn ngư dân ở trên tàu. Các địa phương cũng lo cho thuyền viên các địa phương khác đảm bảo chỗ ăn nghỉ. Tuyệt đối không để người dân trên lồng bè, chòi canh. Tránh trường hợp như bão đổ bộ vào Khánh Hòa năm 2017" - ông Hiệp nói.

CHÍ TUỆ

Nông dân Quảng Nam dầm mưa nhổ sắn ‘chạy bão’ Nông dân Quảng Nam dầm mưa nhổ sắn ‘chạy bão’

TTO - Mưa đầm đìa suốt ngày đêm gây ngập những cánh đồng sắn (khoai mì) ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Sắn bị ngập nước sẽ bị úng, thối nên nông dân phải dầm mưa nhổ sắn chạy bão.

TR.TRUNG - Đ.CƯỜNG - T.LỰC - L.TRUNG - P.TUẦN - N.LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên