Nhiều nơi ở Quảng Nam bị ngập cục bộ - Video: LÊ TRUNG - ĐỨC TÀI
Theo ghi nhận sáng 12-9, tại khối phố Mỹ Thạch Trung, TP Tam Kỳ, Quảng Nam nhiều nhà dân ngập sâu trong nước, đồ đạc hư hỏng do không kịp đưa lên cao.
Bà Trần Thị Hoa (70 tuổi, ngụ khối phố Mỹ Thạch) cho biết từ 19h ngày 10-9 do mưa lớn, nước sông dâng tràn vào nhà. Đến 18h ngày 11-9, nước bắt đầu dâng nhanh không dọn đồ kịp.
"Mưa lớn, nước rút chậm nên ở đây thường xuyên ngập, nước dâng nhanh vào ban đêm nên chúng tôi chưa kịp dọn đồ đạc lên cao", bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, khu vực này trũng thấp, nước mưa rút không kịp. Hiện tại nhiều nhà có trẻ con, người già đã chuyển đi nơi khác tránh trú.
Khu vực khối phố Mỹ Thạch Trung, phường Hòa Thuận nước dâng nhanh khiến nhiều tuyến đường bị ngập nặng, người dân phải dùng ghe di chuyển - Ảnh: LÊ TRUNG
Ngoài ra con đường dẫn vào khối phố nước dâng cao gần 1m, nhiều gia đình phải lấy ghe đi mua lương thực đề phòng bị cô lập.
Ông Dương Văn Tuấn - chủ tịch UBND phường Hòa Thuận, Tam Kỳ, cho biết địa phương đã lên phương án di dời 15 hộ dân từ khu vực ngập đến Trung tâm giáo dục thường xuyên.
"Chúng tôi đã cử lực lượng địa phương đang theo dõi diễn biến của bão và hỗ trợ người dân nếu xảy ra tình huống xấu nhất", ông Tuấn nói.
Mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường ở Tam Kỳ ngập úng. Tại các đường Trần Quý Cáp, Trương Nữ Vương, Nguyễn Chí Thanh, nước dâng cao gần nửa bánh xe máy khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, cho biết từ ngày 10-9 đến tối 13-9, TP Tam Kỳ có mưa vừa, mưa to khiến nhiều khu dân cư vùng trũng ngập nặng, nhiều tuyến đường nước không rút kịp cũng ngập.
"Với các hộ dân bị ảnh hưởng, các địa phương tổ chức di dời đến nơi an toàn", ông Ảnh nói.
Tại huyện Thăng Bình, nhiều cánh đồng ngập nước, các khu dân cư vùng thấp trũng cũng bị ngập.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết tổng lượng mưa ở các địa phương trong tỉnh phổ biến trên 40 mm, có nơi cao hơn như: Trà Giáp: 122,8 mm, Tam Trà: 147,6 mm, Phước Thành: 76,4 mm, Hồ Nước Rôn: 57,8 mm, Hồ Phú Ninh: 53,6 mm, Tam Lãnh: 69,4 mm.
Trước dự báo khả năng sẽ xảy ra tình trạng lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi, tỉnh này đã tiến hành di dời hàng ngàn người dân.
Hai người dân ở huyện miền núi Phước Sơn, Quảng Nam đi làm rẫy gần một tuần, đến nay mưa lớn thì mất liên lạc, lực lượng chức năng đang tổ chức tìm kiếm.
Theo thông tin ban đầu, 6 người dân ở thôn 4, xã Phước Chánh đi làm rẫy từ ngày 4-9 đến nay, trong đó có 4 người đã liên lạc về với gia đình.
Còn hai người là Hồ Văn Hồng và Hồ Văn Thành (cùng 22 tuổi, trú thôn 4, xã Phước Chánh) đã mất liên lạc 8 ngày qua. Hiện nay trên địa bàn có mưa lớn kèm lũ quét, lũ ống, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tổ chức tìm kiếm..
Đối với 4 trường hợp liên lạc được, tạm thời họ đã có lương thực, thực phẩm trong thời gian 5 ngày, chờ nước lũ rút mới vượt suối Nước Xe ở địa phương để trở về gia đình.
Clip nhóm người ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn vượt lũ quét chảy siết về nhà - Clip facebook Chip So
Cũng tại huyện Phước Sơn, chiều 11-9 trên mạng xã hội cũng đăng tải một đoạn clip tại xã Phước Lộc ghi lại cảnh một nhóm người đi bằng xe máy vượt cung đường sạt lở, dưới dòng nước lũ quét chảy siết để về nhà. Nước chảy cuồn cuộn dường như suýt cuốn trôi người và xe máy.
Theo thông tin từ chính quyền địa phương nhóm người làm nghề trồng rừng ở xã Phước Lộc. Do mưa lớn mấy ngày qua, nhóm người này nỗ lực đi ra khỏi vùng sạt lở thì gặp phải dòng nước lũ quét từ thượng nguồn đổ về. May mắn, cả nhóm vượt lũ thành công.
Tính đến 9h sáng 12-9, Quảng Ngãi không có sự cố đáng tiếc nào do bão số 5 gây ra nhưng lượng mưa rất lớn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phát công văn đề nghị các địa phương khẩn trương ứng phó.
Dù bão số 5 suy yếu thành áp thấp khi vào bờ nhưng lại khiến mưa rất to trải đều khắp tỉnh Quảng Ngãi. Lượng mưa dao động từ 350mm-650mm. Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Vệ và sông Trà Câu ở mức báo động 3; sông Trà Khúc và sông Vệ ở mức báo động 2.
Các địa phương chủ động di dời dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở. Đồng thời tổ chức lực lượng thu hoạt nông sản, lúa cho người dân bởi tình hình ngập úng sẽ xảy ra trên hầu hết các cánh đồng toàn tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Nhâm Xuân Sỹ - giám đốc đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi - cho biết đây là đợt mưa khủng khiếp nhất từ đầu năm. Tuy nhiên với dự báo mùa mưa bão năm nay khắc nghiệt, tình hình mưa như thế này sẽ còn tái diễn, sạt lở, ngập úng sẽ xảy ra.
Huyện đảo Lý Sơn là nơi bão quét qua, may mắn thiệt hại không lớn.
Ông Đặng Tấn Thành - phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - cho biết, đêm qua bão đổ bộ lên đảo Lý Sơn, tuy nhiên sức gió chỉ đạt cấp 9-10. Huyện cũng chủ động ứng phó trước đó nên không có thiệt hại lớn, chỉ vài căn nhà tốc mái. Tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân an toàn.
"Đây là cơn bão có sức gió nhẹ không ảnh hưởng nhiều. Nhưng mưa lớn khiến diện tích hành trên đảo bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khoảng 1/3 diện tích bị hư hại", ông Thành nói.
Từ đêm qua tới sáng nay 12-9, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5 gây mưa lớn ở Đà Nẵng, lượng mưa phổ biến 100-120mm.
Dù vậy, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, đợt áp thấp này chủ yếu gây mưa, không có ảnh hưởng gió giật như các trận bão lớn nên hầu như không có thiệt hại đáng kể.
Hệ thống thoát nước của TP vẫn hoạt động tốt khi các điểm nóng ngập lụt những năm trước như đường Hàm Nghi, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hải Phòng, Nguyễn Văn Linh, hầm chui Nguyễn Tri Phương, hầm chui cầu sông Hàn… chưa ghi nhận ngập.
Tuy nhiên ở một số khu dân cư cũ thấp trũng, ven ngoại ô với hệ thống thoát nước kém, có tình trạng ngập cục bộ gây bất tiện cho người dân.
Người dân Đà Nẵng chạy xe qua một đoạn đường ngập nước do mưa lớn tại quận Liên Chiểu - Ảnh: TẤN LỰC
Theo nhận định từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng, dù bão suy yếu thành áp thấp nhưng vẫn mang nguy cơ mưa, lũ lớn gây ngập lụt vùng trũng thấp và các khu dân cư, nguy cơ sạt lở đất đá khu vực đồi núi.
Tại vựa rau chính của Đà Nẵng ở La Hường, sáng 12-9, tranh thủ trời mưa nhỏ, nhiều nông dân ra cắt rau trước khi nước từ thượng nguồn về nhiều trong những ngày tới.
"Chợ truyền thống chưa mở cửa vì dịch, cắt về cũng chia cho hàng xóm thôi nhưng không thể bỏ vì công cả tháng qua. Được bao nhiêu hay bấy nhiêu vì mưa lớn thượng nguồn về thì khu này kiểu gì cũng ngập 2-3 ngày", bà Trương Thị Ba chia sẻ.
Trong khi đó tại quận Cẩm Lệ, lực lượng công an đã phối hợp với chính quyền địa phương thu dọn cây cối ngã đổ do mưa lớn gây ra. So với ngày 11-9, lượng mưa tại khu vực trung tâm thành phố đã giảm đi khá nhiều.
Các con đường thường xuyên ngập lụt tại Đà Nẵng đã không lặp lại tình trạng này trong đợt mưa bão số 5 - Ảnh: TẤN LỰC
Tàu cảnh sát biển cứu nạn 2 tàu cá ngoài biển
Khoảng 13h ngày 11-9, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 nhận thông tin tàu cá QNg-95058 TS của ngư dân Dương Văn Thạch (trú huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đánh bắt hải sản trên biển đang trên đường về tránh bão số 5 thì tàu bị hỏng máy. Vị trí tàu gặp nạn cách đông nam đảo Lý Sơn 28 hải lý, trên tàu có 5 lao động.
5 ngư dân trên tàu cá của Quảng Ngãi gặp nạn được tàu cảnh sát biển tiếp cận, cứu vớt - Ảnh: NAM TRUNG
Đơn vị đã điều tàu Cảnh sát biển 8002 nhanh chóng tiếp cận vị trí cứu hộ, cứu nạn. Đến 18h15 cùng ngày, tàu đã tiếp cận tàu được tàu cá bị nạn trong lúc tàu này đã bị chìm một phần, đã cứu vớt thành công cả 5 thuyền viên đưa lên tàu.
Ngay sau khi cứu nạn thành công tàu cá QNg-95058 TS, tàu 800S tiếp tục nhận lệnh tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tàu kéo số hiệu ĐNa-0494 gồm 13 thuyền viên do ông Nguyễn Dũng (trú TP.Đà Nẵng) làm thuyền trưởng đang neo tránh trú bão ở vùng biển thôn Đông An Hải (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) bị lưới quấn chân vịt không hoạt động được.
Sau gần 6 giờ liên tục tìm kiếm và liên lạc với tàu bị nạn, trong điều kiện đêm tối và biển động dữ dội, đến rạng sáng ngày 12-9, tàu Cảnh sát biển 8002 đã tiếp cận cứu vớt 13 thuyền viên.
Bão số 5 làm 1.500ha hoa màu ở Quảng Ngãi hư hỏng
Thông kê ban đầu, bão số 5 làm 1.500ha hoa màu của dân hư hỏng, một tàu cá bị chìm, 25 nhà tốc mái.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 25 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó, huyện Lý Sơn có 15 nhà, huyện Trà Bồng 9 nhà và huyện Sơn Tịnh 1 nhà; 73 ngôi nhà ở huyện Bình Sơn bị ngập.
Về nông nghiệp, diện tích bị ngập úng, hư hỏng gần 1.500ha, trong đó có 897ha lúa; hơn 435ha bắp, mì; hơn 150ha rau màu; 12ha cây ăn quả và hơn 100ha hành ở huyện Lý Sơn.
Về thủy sản, có 7 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại và 1 chiếc tàu bị chìm, đó là tàu QNg 95058 TS của ông Dương Văn Thạch, ở xã Bình Châu (Bình Sơn).
Các tuyến giao thông bị sạt lở, hư hỏng gồm: Quốc lộ 24 đi xã Ba Giang và tuyến thôn Làng Mạ, xã Ba Tô (huyện Ba Tơ); tuyến đường Đồng Lớn, xã Bình Chương (huyện Bình Sơn); đường cơ động phía Đông Nam đảo Lý Sơn; một số tuyến giao thông tại xã Trà Thanh, Sơn Trà và Trà Thủy (huyện Trà Bồng). Chiếc cầu tạm tại xã Bình Dương (huyện Bình Sơn) cũng bị lũ cuốn trôi.
Để ứng phó với bão số 5, các địa phương đã tổ chức di dời 224 hộ với 798 nhân khẩu đến nơi an toàn, trong đó huyện Trà Bồng di dời, sơ tán 63 hộ; Ba Tơ 88 hộ và huyện Bình Sơn 73 hộ. Dự kiến tiếp tục di dời, sơ tán 123 hộ ở huyện Sơn Hà và Bình Sơn.
Trong khi đó, bão số 5 cũng khiến 170.000 hộ dân mất điện. Ngành điện lực đang khẩn trương khắc phục sự cố, cấp điện trở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận