Nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về trên sông Nước Mét, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn - Video: VĂN CỚT
Tại TP Tam Kỳ và huyện Phú Ninh, Quảng Nam, từ sáng sớm 17-10 mưa rất to kèm gió lớn. Nhiều khu vực nước tràn ngập, chảy xiết. Đến 8h15, dù mưa đã ngớt nhưng gió vẫn còn rất mạnh.
Tại huyện Phước Sơn, ông Hồ Văn Cớt - chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Phước Thành - cho biết nước từ thượng nguồn đổ về khiến sông Nước Mét cuồn cuộn.
Chính quyền xã đã chỉ đạo lực lượng quân đội, công an đứng điểm các thôn sẵn sàng sơ tán, di dời dân ở những khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Nước cuồn cuộn đổ về ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn - Video: VĂN CỚT
Theo dự báo, từ sáng nay vùng áp thấp có tâm ở gần bờ khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng gây mưa rất to và gió giật cấp 6, có nơi giật cấp 8.
Do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường kết hợp dải hội tụ nhiệt đới khu vực phía nam Trung Trung Bộ nối vùng áp thấp trên khu vực Biển Đông nên có mưa to, mưa rất to phổ biến 100 - 250mm, có nơi trên 300mm.
Hiện mực nước trên sông Vu Gia lên rất nhanh. Lúc 5h sáng tại Hội Khách 13,52m, dưới báo động I 0,98m, tại Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) 6,75m, trên báo động I 0,25m. Dự báo trong 6 - 12 giờ tới lũ trên sông Thu Bồn có khả năng lên mức báo động I đến trên báo động I.
Nước cuồn cuộn đổ về đồng ruộng ở huyện Phú Ninh - Ảnh: LÊ TRUNG
Nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về trên sông Nước Mét, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn - Ảnh: VĂN CỚT
Nhiều khu vực nhà dân đã bị chia cắt do ngập nước - Ảnh: LÊ TRUNG
Nước lũ chia cắt đường Hồ Chí Minh
Nước lũ cuồn cuộn tràn sông A Vương chia cắt đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Giang - Video: HOÀNG LINH
Ông Lê Hoàng Linh - phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang - cho biết mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống huyện Tây Giang suốt hai ngày qua. Đây là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ cuối năm 2020, hệ thống đường sá, cầu cống vừa mới khắc phục tạm thời để người dân đi lại.
"Đêm qua tới nay, lực lượng của huyện túc trực suốt đêm để chỉ đạo chống lũ. Lo nhất là hệ thống hạ tầng như trường học, trạm y tế, đường sá, cầu cống" - ông Linh nói.
Thông tin từ chính quyền các xã giáp biên giới, mưa lũ đã làm sạt lở nhiều tuyến đường nối các xã, nhiều điểm xói lở khiến xe cộ không thể qua lại. Tại huyện Đông Giang và Nam Giang, mưa lũ cũng đang khiến nhiều đường vào xã bị tê liệt.
Các điểm sạt lở chia cắt đường nối các xã của huyện Tây Giang, Quảng Nam sáng 17-10 - Ảnh: HOÀNG LINH
Đường Hồ Chí Minh giáp Tây Giang và Nam Giang sáng 17-10 - Ảnh: HOÀNG LINH
Mưa lũ chia cắt đường lên các xã của Tây Giang - Ảnh: P.L.
Tại huyện Nam Trà My, đến thời điểm hiện tại mưa lớn vẫn đang diễn ra phức tạp, chưa có dấu hiệu suy giảm. Nước sông suối dâng cao, chảy mạnh. Hiện 147/605 khẩu hộ có nguy cơ sạt lở được sơ tán về vị trí an toàn.
Mưa lớn khiến quốc lộ 40B từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My đoạn ngầm Sông Trường và Nước Oa nước lớn ngập sâu, chia cắt giao thông. Tuyến ĐH 5 (đi về Trà Vân - Trà Vinh) bị sạt lở nặng tại điểm gần UBND xã Trà Vinh, chưa lưu thông được.
Tuyến đường Trà Dơn - Trà Leng khu vực suối Ông Đề không lưu thông được. Một số tuyến xã Trà Cang, Trà Linh, Trà Mai… bị sạt lở, đất tràn xuống đường.
Tại huyện Bắc Trà My, ngập lụt cũng chia cắt giao thông nhiều nơi. Tại ngã ba cầu Ông Tích (tổ Đồng Trường, thị trấn Trà My) gần khu giao thủy giữa suối chợ và sông Trường bị ngập sâu hơn nửa mét. Tất cả cầu ngầm các tuyến giao thông liên xã đều bị nước lũ tràn qua, lưu thông tê liệt hoàn toàn.
Tuyến quốc lộ 40B lên 6 xã vùng cao của huyện Bắc Trà My và Nam Trà My bị chia cắt bởi cầu ngầm sông Trường (qua địa phận xã Trà Sơn) ngập sâu hơn 1,3m, cầu ngầm sông Nước Oa (xã Trà Tân) cũng ngập sâu trên 1,2m.
Nhiều nhà dân nằm trong khu vực sạt lở đã được đưa đi sơ tán - Ảnh: HOÀNG THỌ
Quảng Trị: Một người bị nước cuốn mất tích khi qua ngầm
Mưa xối xả liên tục 2 ngày khiến nước các sông ở Quảng Trị lên rất nhanh, nhất là các huyện vùng núi Đakrông, Hướng Hóa.
Ông Thái Ngọc Châu - chủ tịch UBND huyện Đakrông - cho biết đến trưa cùng ngày, lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nam thanh niên bị nước cuốn trôi khi qua ngầm tràn. Hiện nước vẫn tiếp tục lên, việc tìm kiếm hết sức khó khăn.
Trước đó, lúc 18h30 ngày 16-10, anh H.V.D. (20 tuổi, trú khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) tìm cách vượt qua ngầm tràn ngập sâu ở thôn Ly Tôn (xã Tà Long, huyện Đakrông) và bị nước cuốn trôi mất tích.
Theo Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị, hiện mực nước các sông Thạch Hãn, sông Hiếu đều vượt báo động 1. Nếu mưa tiếp tục như tối qua, đến tối nay nhiều khả năng nước lũ sẽ tràn vào các khu dân cư ven sông.
Mưa liên tục từ chiều 16-10 đến sáng 17-10 nên nước sông Hiếu, tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vượt báo động 1 - Ảnh: QUỐC NAM
Quảng Bình di dời khẩn cấp 57 hộ dân
Tại Quảng Bình, mưa to cũng bắt đầu từ chiều tối 16-10. Hiện các sông ở vùng nam Quảng Bình cũng vượt báo động 1. Hiện mưa lớn đã làm ngập lụt nhiều đoạn đường, cô lập một số địa phương… Chính quyền đã phát thông báo khẩn để người dân ứng phó nước lũ dâng.
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình và UBND huyện Bố Trạch, 57 hộ dân sống tại khu vực đồi Hạ Vàng, dọc đường đi xã Liên Trạch và quanh kè Vực Sanh đã được di dời khẩn cấp khỏi nơi có nguy cơ sạt lở cao.
22 người dân đã vào rừng Hưng Trạch từ trước khi mưa lớn đến trưa chưa về nhà, hiện đang được các cơ quan chức năng ráo riết liên lạc. 11 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng ở 4 trạm gác thuộc Hạt kiểm lâm Bố Trạch cũng được yêu cầu tìm nơi an toàn tránh trú, không trở về cơ quan.
Hiện trên địa bàn huyện Bố Trạch có 10 điểm ngầm, tràn bị ngập nặng. Đoạn đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông) ở vùng Tróoc (xã Phúc Trạch) đang ngập 0,4m, xe cộ không đi lại được. Các xã Liên Trạch, Hưng Trạch, Bắc Trạch bị ngập và chia cắt với trung tâm huyện lỵ Bố Trạch.
Ngầm Bùng trên quốc lộ 15 nước ngập 1,2-1,6m. Quốc lộ 9B ách tắc tại vùng ngầm tràn km 41+900 và km 43+700. Tại huyện Minh Hóa, nước đang dâng cao ở các ngầm Ka Ai, Tân Lý, Hà Nông, Cu Pi, Tô Cô (xã Trọng Hóa) khiến 7 thôn bản bị cô lập…
Toàn tỉnh có 39 điểm đang trong nguy cơ sạt lở cao, sẵn sàng di dời 501 hộ với hơn 1.900 người. Trong đó đã sạt lở một đoạn dài 20m trên đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) tại km 90, Đồn biên phòng Làng Mô.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị đủ lương thực, nước uống đề phòng mưa lớn tiếp tục chia cắt các thôn bản.
Bộ đội biên phòng Quảng Bình xem xét các điểm có nguy cơ sạt lở ở huyện Minh Hóa - Ảnh: H.NAM
Thừa Thiên Huế: 2 người mất tích, cây đổ đè trúng người đi đường
Sáng cùng ngày, đại diện Trung tâm công viên cây xanh Thừa Thiên Huế cho biết đã đưa nam thanh niên không may bị cây đổ đè trúng người nhập viện cấp cứu.
Vụ việc xảy ra sáng cùng ngày, khi đang đi xe máy trên đường Lê Duẩn, TP Huế, nam thanh niên bất ngờ bị cây xanh trên vỉa hè đổ xuống đè trúng người bị thương nặng.
Trước đó, người dân ở xã Hương Vân (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) báo chính quyền địa phương vợ chồng ông Trần Minh Điện và bà Võ Thị Thảo (trú tổ dân phố Lại Bằng 2, phường Hương Vân) bị nước cuốn mất tích khi đánh cá trên sông Bồ.
Chiều 16-10, vợ chồng ông Điện và bà Thảo ra sông Bồ bủa lưới đánh cá, đến tận tối vẫn chưa thấy về. Lực lượng chức năng đã tìm kiếm và phát hiện chiếc ghe, hiện việc tìm kiếm vẫn đang được tiếp tục.
Cây đổ đè trúng một nam thanh niên ở TP Huế sáng 17-10 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế, dự báo từ nay đến ngày 19-10 trên địa bàn có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 300-500mm, có nơi trên 700mm.
Do mưa lớn khiến một số nơi ở TP Huế, huyện Phú Lộc, huyện Phú Vang... xuất hiện ngập lụt cục bộ.
Cũng trong sáng 17-10, thủy điện Hương Điền đã được lệnh xả nước điều tiết với lưu lượng từ 800-1.000m3/s để đón lũ.
Một tuyến đường tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh bị ngập do mưa lớn kéo dài - Ảnh: ANH THƯ
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, lượng mưa các khu vực đến ngày 18-10 dự báo phổ biến 150 - 250mm, riêng khu vực đồng bằng ven biển phía Nam khả năng có nơi trên 300mm, như thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 17-10, ông Nguyễn Văn Ninh - chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà - cho hay mưa lớn kéo dài suốt 2 ngày qua nên nhiều tuyến đường tại địa phương bị ngập cục bộ, chỉ có ôtô mới vào được.
Nước lên nhanh, hồ Kẻ Gỗ xả nước sớm hơn dự kiến 4 giờ
Hồ Kẻ Gỗ xả tràn - Ảnh: LÊ MINH
Theo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, lúc 17h ngày 16-10, mực nước hồ Kẻ Gỗ ở cao trình 26,99/32,5m, tương đương 200/345 triệu m3, lưu lượng nước đổ về hồ 150m3/s. Để đảm bảo phương án dự phòng trường hợp tiếp tục mưa lớn, đơn vị đã quyết định vận hành điều tiết hồ Kẻ Gỗ.
Theo đó, thời gian vận hành điều tiết xả qua cống, tràn bắt đầu từ lúc 9h ngày 17-10 với lưu lượng xả 10 - 80m3/s. Việc điều tiết nước sẽ được tiến hành qua cống lấy nước của 2 cửa xả thủy điện và 2 cửa tràn Dốc Miếu với độ mở 30 - 150cm.
Tuy nhiên, 5h sáng nay, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quyết định xả nước hồ Kẻ Gỗ thay vì từ 9h như kế hoạch trước đó.
Giải thích về việc này, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết do mưa lớn kéo dài, 21h tối qua mực nước hồ Kẻ Gỗ đã đạt 27,33m/32,5m và tiếp tục lên. Vì vậy công ty này đã điều chỉnh vận hành, điều tiết hồ chứa nước Kẻ Gỗ qua cống, tràn bắt đầu từ 5h với lưu lượng xả từ 10m3/s cho đến 100m3/s.
Hiện đang xả với lưu lượng 50m3/s.
Công ty khuyến cáo các xã chịu ảnh hưởng trong hệ thống thông báo và hướng dẫn đến tận người dân biết, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, tránh trường hợp bất cẩn, mất an toàn trong quá trình vận hành, điều tiết hồ Kẻ Gỗ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận