"Từ tô phở thơm nồng mang hương vị đậm đà đến ổ bánh mì giòn rụm ngập nhân, kho tàng ẩm thực của Việt Nam đã nổi tiếng khắp thế giới", tác giả Lana Tran viết trong một bài đăng trên tạp chí online của cẩm nang Michelin hồi cuối tháng 5.
Trong bài viết bằng tiếng Anh có tựa đề “Vietnam 101: How To Eat Vietnamese Food Like A Local”, nữ tác giả sinh ra ở TP.HCM và sống ở Hà Nội giới thiệu các món Việt nổi tiếng như phở, bánh cuốn, bún chả, bánh mì, bánh xèo, bánh canh cua, ốc, cách làm ra những món ăn này, cũng như làm sao để thưởng thức chúng đúng điệu.
“Hãy cùng chúng tôi vén màn bí mật để cảm thụ được tinh túy thật sự của một số món ngon Việt Nam", Lana Tran viết.
Phở
Theo tác giả bài viết, để thực sự thưởng thức được hương vị của món ăn nổi tiếng này, thực khách nên nếm thử nước dùng phở trước khi thêm bất kỳ loại rau hoặc gia vị gì.
Cô cũng chỉ ra cách ăn phở khác nhau giữa hai miền Nam - Bắc. Ở các vùng phía Bắc, người ta có thói quen cho chút giấm vào phở bò, và chanh vào phở gà, để tăng hương vị món ăn.
Trong khi đó ở miền Nam, nước dùng phở thường có vị ngọt do người ta nấu với đường. Ngoài ra, phở miền Nam còn có nhiều loại thịt ăn kèm như bò viên, lá sách bò, gân và thậm chí cả đuôi bò. Người miền Nam cũng làm phong phú thêm tô phở của họ bằng cách thêm các loại rau tươi và rau thơm như húng quế và ngò rí.
Bánh cuốn
“Bánh cuốn là món ăn được làm từ bột gạo, tráng mỏng trên một tấm vải đặt trên một nồi nước lớn để hấp trong vài phút. Khi bánh chín sẽ được cuốn với các loại nhân như thịt lợn, tôm, mộc nhĩ, nấm hương, hành lá thái nhỏ”, bài viết giải thích.
Theo đó, bánh cuốn được ăn kèm với chả lụa, chả quế, dưa chuột ngâm chua, giá và không thể thiếu một chén nước mắm.
Bún chả Hà Nội
Món ăn có nguồn gốc từ Hà Nội, gồm 3 thành phần chính: một bát nước chấm có đồ chua, thịt ba chỉ nướng và/hoặc những miếng chả mọng nước làm từ thịt bằm; một đĩa bún; và cuối cùng là rổ rau thơm gồm tía tô, rau mùi, xà lách.
“Để thưởng thức trọn vẹn kiệt tác ẩm thực này, hãy bắt đầu bằng cách nhẹ nhàng gắp một ít bún và nhúng vào bát thịt lợn hấp dẫn. Thêm một ít rau và thưởng thức sự hòa quyện tuyệt vời của vị mặn, chua, cay và ngọt,” Lana Tran viết.
Bánh mì
Ở Việt Nam, bánh mì là món ăn đường phố có mặt khắp nơi, ở mọi thành phố, mọi con đường.
Món ăn này có nhiều biến thể theo vùng, thể hiện những đặc điểm ẩm thực độc đáo.
Mấu chốt để tạo ra một ổ bánh mì hoàn hảo nằm ở khâu chuẩn bị tỉ mỉ: bánh mì phải được nướng chín vàng giòn, được rạch một cách tinh tế, phết patê, rồi được lấp đầy bằng nhân thịt khi rưới nước xốt hấp dẫn lên trên.
Bánh xèo
Bánh xèo, một loại bánh được làm từ hỗn hợp bột gạo, nước và bột nghệ. Tên gọi của món ăn này bắt nguồn từ âm thanh xèo xèo phát ra khi lớp bột gạo mỏng được đổ lên chảo nóng.
Nhân bánh truyền thống thường là thịt heo hoặc tôm, ngày nay biến tấu phong phú hơn với nấm, vịt, gà và hải sản.
Tác giả Lana Tran cũng giới thiệu có hai loại bánh xèo khác nhau ở hai vùng miền khác nhau của Việt Nam.
Theo đó, bánh xèo ở miền Trung có kích thước nhỏ, vỏ bánh có độ cân bằng tinh tế, không quá dày cũng không quá mỏng, có độ mềm và hơi dẻo.
Bánh xèo miền Trung thường được phục vụ trong tô hoặc đĩa nhỏ cùng với rau tươi và nước chấm.
Trong khi đó, ở miền Nam, bánh xèo có kích thước to hơn, vỏ bánh có độ giòn, với kết cấu hơi dai ở giữa, có vị nước cốt dừa nhẹ nhàng.
Nhân bánh xèo miền Nam thường có sự kết hợp của thịt ba chỉ, tôm và đậu xanh.
Khi ăn, bánh xèo được xé thành từng miếng nhỏ, cuộn trong rau diếp cùng với các loại rau thơm khác nhau, đôi khi thực khách cũng cuốn với bánh tráng.
Bước cuối cùng là chấm cuốn bánh xèo vào nước mắm chua ngọt rồi thưởng thức.
Bánh canh cua
Đối với người dân Nam Bộ, bánh canh cua là món ăn được yêu thích, nhất là vào những ngày mưa hay se lạnh.
Sợi bánh dai dai, nước dùng ngọt ngào, mùi thơm quyến rũ của thịt cua, tất cả hòa quyện vào nhau một cách hài hòa, tạo nên một trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn khó cưỡng.
Ốc
“Tại một quán ốc điển hình của Việt Nam, bạn sẽ không chỉ tìm thấy ốc mà còn có ngao, sò điệp, vẹm, tôm và nhiều loài động vật có vỏ ít được biết đến, mang đến sự ngạc nhiên thú vị cho vị giác của bạn”, Lana Tran viết.
Theo nữ tác giả, luộc ốc với sả là cách chế biến đơn giản nhất. Người ta dùng tăm để lể những con ốc ra và chấm vào nước chấm cay.
Nước chấm chính là chìa khóa tạo nên hương vị mê hoặc của món ăn, là hỗn hợp nước mắm kết hợp với gừng, sả, tỏi, ớt băm nhỏ tạo nên sự hòa quyện hương vị tuyệt vời giúp nâng tầm trải nghiệm ăn ốc.
Ngày nay, các món ốc có thể được chế biến cầu kỳ và công phu hơn, như ốc xốt trứng muối, rang muối, nướng mỡ hành, xào sả ớt, nướng tiêu xanh hay xào dừa. Những biến thể sáng tạo này mang đến một sự thay đổi độc đáo cho món ốc.
Bài viết của Lana Tran được đăng gần một tuần trên website của Michelin Guide, trước khi cẩm nang Michelin chính thức có mặt tại Việt Nam vào tối 6-6.
Cẩm nang ẩm thực nổi tiếng này đã trao 1 sao Michelin cho 4 nhà hàng ở Hà Nội và TP.HCM, chọn 29 nhà hàng và quán ăn vào danh sách “đáng tiền" Bib Gourmand, và 70 cơ sở ăn uống được vào Michelin Selected (Michelin đề xuất).
Bên cạnh những ý kiến phấn khởi cho rằng sự có mặt của cẩm nang Michelin sẽ giúp ẩm thực Việt được bạn bè quốc tế nhận diện tốt hơn, nhiều người cũng cho rằng danh sách các hàng quán mà Michelin đề cử chưa thật sự "sát sườn" và thấu hiểu văn hóa ẩm thực Việt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận