02/08/2024 10:49 GMT+7

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 6: Thương gia đình chồng là để phúc cho con

'Mình thương chồng, chọn ông làm bạn đời, thì cũng phải thương lấy cuộc sống nhọc nhằn của gia đình chồng...'.

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 6: Thương gia đình chồng là để phúc cho con- Ảnh 1.

Bà Quy bật khóc khi nhớ lại lời cha chồng trước khi mất trên tay mình - Ảnh B.D.

Người phụ nữ bận bộ đồ nhàu cũ, tóc dính bết vào khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, vừa bế bà cụ từ giường ra ngoài phòng khách, vừa dỗ: "Ngoan nào, mẹ ra đây ngồi cho có gió một tí đợi con vào nấu bát cơm, cái ù xí là mẹ con mình ăn".

Người mẹ chồng già lẫn, ánh mắt ngây ngô, cứ nhìn lên trần nhà. Bà gật gật dù chẳng hiểu con dâu mình đang nói gì.

Thân cò gánh cả gia đình chồng

Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Kim Quy, 48 tuổi, người phụ nữ có chồng và hai con ở đường Cách Mạng Tháng 8, TP Đà Nẵng. Bà Quy từ lâu đã gây cảm phục cho những người thân lẫn bè bạn khi tảo tần chạy ngược xuôi vừa giúp việc nhà, vừa lo cho cha mẹ chồng nằm liệt giường lẫn một cô con gái ruột bị động kinh từ nhỏ cùng hai mẹ con chị bên chồng.

Câu chuyện nghĩa tình, chịu đựng cơ cực của bà cũng lay động các tổ chức, được Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng xét tặng danh hiệu Tấm gương hiếu thảo năm 2022.

Căn nhà bà Quy nằm trên mặt tiền con đường nhưng bề ngang chật hẹp, phần lớn mặt trước được kê đủ thứ đồ đạc để người chồng làm xưởng sơn cơ khí. Là một cô gái thành phố chọn yêu và thủy chung cùng người đang là chồng hiện nay, bà tâm sự tới giờ nửa đời theo nhau, sướng khổ vợ chồng đã thấm thía. Mỗi lúc mệt mỏi như muốn buông bỏ, bà lại nghĩ tới chồng con để gượng dậy.

"Ổng hiền lắm. Ai nói gì cũng im lặng. Lắm lúc tui đi làm về mệt nhưng thấy nhà cửa bừa bộn, cha mẹ già nằm đó chưa có ai tắm giặt, thay tã, nấu cơm, tui nản quá. Ổng đi từ ngoài cửa vào nhìn tôi đầy thương cảm rồi bảo "thôi, anh biết rồi". 

Thế là tui lại hạ hỏa, lủi thủi vào dọn dẹp, nấu cơm cho cả nhà", bà Quy nghẹn giọng trải lòng.

Bà tâm sự từ ngày làm dâu, vợ chồng sống chắt chiu với khoản tiền làm thợ sơn của chồng. Công việc bà không ổn định, phải đi dọn dẹp vệ sinh nhà cửa theo giờ cho các hộ gia đình gần đó. Cả gia đình sống trong ngôi nhà chật hẹp của cha mẹ chồng.

Người phụ nữ này mang một nỗi buồn trĩu nặng khi cô con gái đầu lòng sinh ra lành lặn, nhưng 9 tháng tuổi đã hóa ngây ngô và tới nay dù qua 22 tuổi nhưng không thể tự làm gì. Cha mẹ phải chăm bẵm, dò theo cô từng bước không khác một đứa trẻ. Cậu con trai thứ hai hiện đang đi nghĩa vụ quân sự.

Bà Quy ít khi được có thời gian thảnh thơi để đi ra ngoài với bạn bè. Những chuyến du lịch cùng con, những tấm ảnh bạn bè đăng trong những khoảnh khắc thảnh thơi là điều làm bà mủi lòng nhưng tất cả đều phải nén lại để lo cho gia đình chồng.

Khoảng thời gian cơ cực nhất với người phụ nữ này đến từ năm 2009. Người chị chồng là Nguyễn Thị Kim Mãn lâu nay sống ngay trong nhà cha mẹ đẻ cùng vợ chồng bà Quy đi viện và phát hiện ung thư máu. Những ngày ngược xuôi đi bệnh viện, một tay bà Quy tất bật lo liệu. Chín tháng từ lúc phát bệnh, bà Mãn qua đời, để lại một cô con gái vừa lên lớp 2.

Từ ngày chị chồng qua đời, gánh nặng lại thêm đè nặng vợ chồng bà Quy. Khoản thu nhập bấp bênh của vợ chồng thiếu trước hụt sau. Bà phải chạy đi dọn nhà nhiều hơn để vừa lo cho hai con ruột cùng con gái chị chồng.

Đến năm 2017, cụ Lê Thị Nga (82 tuổi), mẹ chồng của bà, lại lên cơn tai biến. Gia đình trong ngôi nhà chật hẹp, ngột ngạt, vốn đã chật vật với các khoản chi tiêu lại thêm kham khổ hơn. Cụ Nga yếu hẳn, nằm liệt giường nên từ cơm nước, công việc nhà, nuôi cháu chồng đều một tay bà Quy là con dâu lo liệu. 

Người chồng dù cố gắng tìm mọi cách để san sẻ, nhưng có những cơ cực riêng thuộc về người phụ nữ mà ông không thể cùng gánh vác hết. Công việc của người chồng cũng đã quá tất bật với xưởng sơn để kiếm tiền trang trải cho cả nhà.

Nhưng khó khăn cũng chưa dừng lại. Năm 2020, cụ Nguyễn Lộ, cha chồng bà Quy, trở đau và nằm viện liên miên vì mắc bệnh u não.

Nhà neo người, bà gần như không có thời gian để nghỉ ngơi khi phải một mình cáng đáng hết việc nhà, rồi lại tất tả chạy xe đi dọn dẹp vệ sinh để kiếm thêm chi phí lo cho gia đình. Hết giờ làm, bà lại nấu cơm, ngược xuôi đưa lên viện chăm cha chồng.

Y bác sĩ, người nằm cùng khoa với ông Lộ đều không khỏi xúc động khi thấy một cô con dâu quá cơ cực mà vẫn yêu thương, lo cho cha chồng không khác gì cha ruột của mình.

Từ ngày mẹ chồng bệnh nằm liệt giường, người con dâu đã chăm mẹ chồng như chăm con mọn - Ảnh B.D.

Từ ngày mẹ chồng bệnh nằm liệt giường, người con dâu đã chăm mẹ chồng như chăm con mọn - Ảnh B.D.

Sống tử tế để con mình lại được tử tế

Câu chuyện hiếu thảo của bà Quy gây xúc động cho chòm xóm lẫn chính quyền địa phương. Ngôi nhà của bà được nhiều đoàn thể, hội phụ nữ, bà con xóm làng qua thăm hỏi. Gần như không còn khoảng trống trong nhà vì phải kê chỗ nằm cho người bệnh. Cha chồng bà sau khi bệnh viện trả về thì được đặt nằm ở phòng khách, đi mấy bước chân vào trong là người vợ ông cũng nhiều năm liệt giường.

"Hồi đó ai vô nhà cũng ái ngại. Chỗ sạch sẽ nhường cho cháu và hai đứa con, tui với chồng xách ghế xếp ra nằm sát chỗ cha chồng để đêm lỡ có việc gì còn kịp lo cho ông. Tới cuối năm thì ổng mất", bà Quy rưng rưng nhớ lại.

"Cha chồng tôi ít khi bộc lộ ra bên ngoài. Nhưng ngày ông mất, tôi bế ông trên tay nằm giữa gian nhà, ông rướn cổ, ngước mắt nhìn tôi rồi quơ tay nói một câu là tui khóc òa. Ông bảo là ba biết con cực, con khổ cả đời. Thôi coi như kiếp này ba mẹ nợ con, chết đi rồi ba sẽ phù hộ cho con", bà Quy kể mà nước mắt chảy tràn.

Mấy chục năm dành gần như hết sức lực, thời gian của mình để lo cho chị chồng, cháu chồng rồi tới cha mẹ chồng cùng đứa con gái ngây ngô vì chứng bệnh động kinh, bà Quy tâm sự bà luôn được chồng và anh em hai gia đình động viên, nhưng chủ yếu chỉ là tinh thần bởi ai cũng không khá giả.

Bà Quy nét mặt đầy sự lam lũ và cơ cực. Ngồi tâm sự với khách, thỉnh thoảng cô con gái 22 tuổi của bà là cô Nguyễn Thị Yến Nhi lại nhảy tót lên bàn, ngồi chồm hổm trước mặt người lạ. Bà Quy lại phải bế con xuống như em bé, được vài phút lại phải bật dậy chạy vào căn phòng phía sau vì nghe tiếng ú ớ mệt mỏi của người mẹ chồng.

"Mẹ chồng tôi già yếu lắm rồi. Giờ cả ngày lẫn đêm vợ chồng đều phải thay nhau chăm sóc, đút cho ăn, rồi tắm rửa cho cả con gái lẫn mẹ. Mình sống riết vậy quen rồi, cũng cực lắm nhưng nếu không ai hỏi thì tôi cũng thấy bình thường. Đôi khi nghĩ số phận mình lựa chọn, mỗi người có cuộc sống riêng nên tui chấp nhận và vui vẻ. Chỉ mong mẹ chồng được ở với mình lâu hơn trên cõi đời này", bà Quy trải lòng.

Điều khiến người phụ nữ này chấp nhận cuộc sống vất vả, theo bà, là bởi duy nhất một chữ "duyên", bà sống làm gương cho con mình.

"Mỗi lần mệt mỏi, tui lại thấy hình ảnh ông chồng mình lầm lũi, vậy là không đành lòng mà nói câu nặng lời. Con người mà, ai cũng có lúc khó kiềm chế cảm xúc. Nhưng mình nói ra cũng chẳng giải quyết được chi.

Mình thương chồng, chọn ông làm bạn đời, thì cũng phải thương lấy cuộc sống nhọc nhằn của gia đình chồng. Nói ra trách móc nhau cũng chỉ khiến chồng mình đau khổ, dằn vặt, mình cũng đâu sung sướng", bà Quy tâm sự.

"Tôi gắng làm mọi việc, bởi cơ cực nào cũng qua đi. Hơn nữa, tôi có một con trai, rồi một con gái bị động kinh. Nếu mình cư xử tệ bạc thì sau này sợ sẽ tạo nghiệp, vợ con trai mình sẽ lại giày vò chồng, làm khổ đứa em gái bệnh tật. Cuộc đời mình cũng sẽ qua, mỗi lúc ăn cơm, chồng tui hay nói với con trai là cha không mong ước gì, chỉ mong con lấy được người vợ như mẹ. Vậy là quá đủ".

Bà NGUYỄN THỊ KIM QUY

-----------------------

"Không tự đẻ được hay sao mà phải đi bác sĩ?". Đó là câu mà chị Thu Cúc nhận được từ mẹ chồng khi vợ chồng chị quyết định thụ tinh nhân tạo sau nhiều năm chạy chữa từ đông sang tây y vẫn chưa thể có niềm hạnh phúc ầu ơ con cái.

Kỳ tới: "Không tự đẻ được hay sao mà phải đi bác sĩ?"

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 5: Dâu tốt, dâu xấu và nuối tiếc muộn màng của mẹ chồngMẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 5: Dâu tốt, dâu xấu và nuối tiếc muộn màng của mẹ chồng

Mẹ chồng rút hết gần 4 tỉ đồng và 20 lượng vàng mà bà làm ăn được để dành dụm phòng thân tuổi già đưa cho vợ chồng thằng út trả nợ...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên