
Cố Giáo hoàng Francis vui cười với trẻ khuyết tật trường Irmas Alma School ở Dili, Timor Leste cuối năm 2024 - Ảnh: AFP
"Đội hình" do cố giáo hoàng kiến tạo
Kỳ Mật nghị hồng y năm 2025 dự kiến tạo ra không ít điều đặc biệt khi gần 80% các hồng y cử tri do cố Giáo hoàng Francis tấn phong. Nhiều vị hồng y được bổ nhiệm dưới thời của Ngài từng được gọi là các "Francis nhỏ" bởi họ là những vị mục tử đi lên từ đời sống giáo dân, gắn bó với người nghèo, người bé mọn, yếu đuối, họ nói ít hơn nhưng làm nhiều hơn.
Theo thông tin từ Tòa thánh Vatican, trong số 133 vị hồng y dưới 80 tuổi đủ điều kiện tham gia bầu chọn tân giáo hoàng trong kỳ mật nghị lần này có đến 107 vị do cố Giáo hoàng Francis tấn phong, chiếm 80% trong tổng số các hồng y cử tri.
Đáng chú ý, hơn 160 vị hồng y do Giáo hoàng Francis quá cố bổ nhiệm trong 10 công nghị tấn phong hồng y trải dài 12 năm tại vị của Ngài liên tục xuất hiện những vị đến từ Lào, Brunei, Timor Leste, Mông Cổ, Cape Verde, Mali, El Salvador, Paraguay - những nơi mà trước kia hầu như không có đại diện trong các kỳ mật nghị.
Nhìn vào thành phần hồng y cử tri năm 2025 có thể thấy rõ nỗ lực bền bỉ của cố giáo hoàng trong việc "ngoại vi hóa" trung tâm quyền lực của Giáo hội Công giáo. Sự đa dạng về mặt địa lý này không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn phản ánh rõ tầm nhìn của cố Giáo hoàng Francis trong 12 năm tại vị là xây dựng một Giáo hội khiêm tốn, phục vụ, rộng khắp thế giới và gần gũi với người nghèo.
Trả lời báo Guardian, Hồng y người Thụy Điển Anders Arborelius từng cho rằng kỳ mật nghị này có thể kéo dài hơn so với hai kỳ mật nghị gần nhất vào năm 2005 và 2013 do có nhiều vị hồng y chưa từng gặp mặt nhau vì họ đến từ những vùng đất xa xôi trên khắp thế giới. "Chúng tôi không biết mặt nhau", Hồng y Arborelius nói.
Bên cạnh đó, theo các nhà quan sát, việc Giáo hoàng Francis qua đời trước khi kỳ mật nghị được triệu tập khiến tình thế trở nên đặc biệt. Bởi nếu Ngài chọn từ nhiệm như Giáo hoàng Benedict XVI trước đó thì sự hiện diện của một vị giáo hoàng "sống" sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và tình hình cuộc bầu chọn. Thế nhưng khi cố Giáo hoàng Francis qua đời, Ngài đã trở thành một "di sản sống động", để lại nhiều dấu ấn rõ nét hơn trong lòng Giáo hội.
Vì vậy, các nhà quan sát mô tả mật nghị năm nay như một "kỳ mật nghị của Giáo hoàng Francis mà không có Ngài". Nhiều vị trong số các hồng y do Ngài bổ nhiệm vốn có chung các giá trị và ưu tiên mục vụ với Ngài sẽ đứng trước câu hỏi liệu có nên tiếp tục đường hướng của Ngài hay không.
Tất nhiên không thể loại trừ khả năng một vị hồng y ít tiếng tăm hoặc có quan điểm khác với quan điểm của cố giáo hoàng được chọn. Các nhà phân tích ví việc này như một phản ứng cân bằng với các cải tổ thời cố Giáo hoàng Francis. Theo truyền thông, một vài hồng y từ Ba Lan, châu Phi hoặc các giáo phận ở châu Âu nghiêng về lập trường bảo vệ các truyền thống từ lâu đã âm thầm bày tỏ sự dè dặt trước các ưu tiên mục vụ quá rộng mở.
Tuy nhiên điều chắc chắn là đường hướng của Giáo hoàng Francis đã in dấu quá sâu đậm và bất cứ tân giáo hoàng nào cũng phải đối thoại với di sản ấy.

Đại đức Banagala Upatissa, Phật giáo Sri Lanka, trước di ảnh cố Giáo hoàng Francis - Ảnh: AFP
Lá phiếu tương lai giáo hội - Một "Tinh thần Francis"
Một điểm nổi bật khác là nhiều vị hồng y được nhắc đến như ứng viên tiềm năng kế vị, hay còn gọi là "Papabile", lại chính là những người chia sẻ rất nhiều điểm chung với cố Giáo hoàng Francis. Họ thường được mô tả là cởi mở với cải tổ, mang phong cách mục vụ gần gũi với người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội.
Có thể kể đến Hồng y người Philippines Luis Antonio Tagle, người được mệnh danh là "Francis của châu Á" bởi lối sống giản dị và sự nhạy cảm mục vụ với người nghèo. Hồng y người Congo Fridolin Ambongo hay Hồng y người Ghana Peter Turkson cũng được xem là những người kế nhiệm xứng đáng trong việc tiếp nối các ưu tiên của cố Giáo hoàng Francis gồm công bằng xã hội, đối thoại liên tôn và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, một số hồng y châu Âu như Matteo Zuppi (Ý) - người luôn đi đầu trong các hoạt động hòa giải và giúp người tị nạn hay Hồng y Jean-Marc Aveline (Pháp) - người có tư tưởng rất gần với tinh thần đối thoại mà cố Giáo hoàng Francis cổ vũ, cũng nổi lên như những gương mặt tiềm năng.
Trong khi đó, những hồng y có đường hướng tương đối khác biệt với Giáo hoàng Francis như Hồng y Gerhard Müller (Đức) hay Hồng y Robert Sarah (Guinea) cũng được truyền thông, điển hình là báo Independent của Anh và các giới quan sát nhắc đến trong danh sách các "Papabile".
Điều này cho thấy ảnh hưởng của cố giáo hoàng không chỉ thể hiện "trên giấy" mà thực sự đã ăn sâu, đã bén rễ trong lòng Giáo hội.
Theo Vatican News, cố Giáo hoàng Francis từng nói: "Giáo hội là một bệnh viện dã chiến". Lối tư duy ấy đã khiến Ngài hành động khác hẳn nhiều vị tiền nhiệm khi Ngài luôn đẩy mạnh tiếp cận mục vụ bằng lòng thương xót hơn là phán xét, cởi mở với các nhóm bị bên lề thay vì khép kín trong truyền thống.
Dù tân giáo hoàng sắp tới có quan điểm thế nào, giới phân tích đều cho rằng rất khó để "quay ngược đồng hồ" và loại bỏ những ưu tiên mà Giáo hoàng Francis đã đặt ra. Từ vai trò của nữ giới trong Giáo hội, các sáng kiến hòa giải với cộng đồng LGBTQ+ đến đối thoại liên tôn và bảo vệ môi trường, tất cả đều đã trở thành các "trục xoay mới" của đời sống Giáo hội Công giáo toàn cầu.
Bên cạnh đó, tân giáo hoàng sẽ đứng trước một sứ mạng đầy thách thức nhưng cũng vô cùng cấp thiết, đó là tiếp tục ngọn lửa đối thoại liên tôn và xây dựng hòa bình mà cố Giáo hoàng Francis đã nhen nhóm suốt hơn một thập niên qua.
Di sản mà vị giáo hoàng người Argentina để lại không chỉ là những cuộc gặp mang tính biểu tượng với lãnh đạo Hồi giáo, Do Thái giáo hay Phật giáo, mà còn là một phương cách mục vụ mới, là dấn thân, lắng nghe và đồng hành với tha nhân.
Hơn nữa, trước tình hình xung đột đang lan rộng từ Trung Đông đến châu Phi, châu Âu và cả châu Á, vai trò của giáo hoàng không chỉ còn là người đứng đầu một Giáo hội, mà còn là tiếng nói luân lý toàn cầu.
Và cho dù đến từ châu lục nào, tân giáo hoàng vẫn sẽ không thể quay lưng với những cuộc khủng hoảng nhân đạo và càng phải tiếp tục giữ vai trò "người kiến tạo hòa bình" trên bình diện quốc tế. Kế thừa tinh thần của cố Giáo hoàng Francis, người kế nhiệm Ngài được kỳ vọng sẽ không ngại lên tiếng trước bất công, khơi mở đối thoại với các bên đối lập và sử dụng ảnh hưởng đạo đức của Tòa thánh để kêu gọi ngừng bắn, hỗ trợ nhân đạo và đối thoại hòa bình.
Trong một thế giới đang chia rẽ, Giáo hội Công giáo "dưới di sản của Giáo hoàng Francis" lại càng được kêu gọi trở thành khí cụ của hòa bình, công lý và hiệp nhất mà Ngài đã gieo trồng trong lòng Giáo hội. Chính điều đó khiến Mật nghị hồng y 2025 trở thành sự kiện có ý nghĩa vượt ra khỏi khuôn khổ tôn giáo, trở thành một sự kiện với tiềm năng tạo ra ảnh hưởng sâu rộng tới văn hóa, chính trị và xã hội toàn cầu.
Mật nghị hồng y 2025 không thể tách khỏi bóng hình của vị giáo hoàng người Argentina - người đã dám phá vỡ những lề lối cũ để mở ra một cánh cửa mới cho Giáo hội trong thế kỷ 21.
Khi làn khói trắng bay lên từ ống khói nhà nguyện Sistine, thế giới không chỉ chờ đợi một vị tân giáo hoàng. Thế giới chờ xem liệu cuộc bỏ phiếu ấy sẽ là một sự tiếp nối đầy tin tưởng vào tầm nhìn của Giáo hoàng Francis hay một bước rẽ đầy bất ngờ trước thời đại mới.
************
Mặc dù Việt Nam đã có sáu vị hồng y, chỉ hai vị từng tham gia mật nghị bầu giáo hoàng do đáp ứng được điều kiện về độ tuổi và thời điểm diễn ra các mật nghị. Đó là Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê và Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn.
>> Kỳ tới: Các hồng y Việt Nam từng tham dự mật nghị bầu Giáo hoàng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận