Lý do đơn giản xuất phát từ bức thư của GS - Viện trưởng Viện ĐH Cần Thơ Nguyễn Duy Xuân với những dòng nhắn nhủ: "Chiến tranh rồi cũng đến lúc hòa bình, cái ăn thì lúc nào cũng cần" nên miền Tây rất cần những người như ông.
Khi ông quyết định dọn về, người vợ lo lắng, mình về họ bắt đi quân dịch thì sao, ông gạt đi: Phải về mới biết, đừng lo... Và ông đã về.
Ông về tận Viện ĐH Cần Thơ với mức lương không đủ ăn... phở, hằng ngày hằng tuần làm xong ngay giữa chiều tối hoặc sáng sớm phải chạy lên xuống Sài Gòn - Cần Thơ. Tiền làm cho một công ty nông nghiệp đủ cho cả nhà ông sinh sống, thuê được một ngôi nhà ở Sài Gòn, ba ông mới thiệt sự có một chỗ ở đàng hoàng.
Rồi đến tháng 4 năm 1975, đang làm nghiên cứu sinh ở Nhật, ông lên máy bay trở về Sài Gòn với một tâm trạng lạ: chuyến bay đến Sài Gòn chỉ lác đác vài người, đa số người ta tìm đường ra đi.
Năm 1977, rầy nâu đốt cháy lúa trên ruộng đồng miền Tây. Một công đất ngàn mét vuông chỉ thu được một hai giạ lúa, cái đói có thể lan tới Sài Gòn và nhiều nơi khác. Ông lập tức viết thư cầu cứu Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI).
Nơi ấy người ta gửi về cho ông những chiếc phong bì chứa 5g mỗi chiếc cho 4 giống lúa. Sau khi bắt rầy phân tích, ông và đồng nghiệp chọn giống IR36. Từ vài chục hạt lúa ban đầu, nhân giống 7 tháng, ông được 2.000kg lúa.
Ông đề xuất với ban giám hiệu Trường đại học Cần Thơ một việc chưa có tiền lệ trong lịch sử đại học: cho sinh viên nghỉ hai tháng để cứu vãn nền nông nghiệp.
Lấy khoa nông nghiệp làm chuẩn, ông đào tạo sinh viên biết làm ba việc: gieo mạ, xử lý đất ruộng, tách từng tép mạ cấy 1 tép để cho ra 1 bụi lúa. Cách cấy 1 tép này chưa hề là tập quán cấy lúa miền Tây, nhiều ý kiến xì xào.
Ai đâu biết rằng ông chỉ tập trung duy nhất vào việc nhân giống càng nhanh càng nhiều càng tốt. 2.000kg lúa, ông chia cho mỗi nhóm sinh viên 1kg tủa về khắp đồng bằng làm mạ, xử lý đất và cấy từng tép lúa. Hai năm sau, ĐBSCL phủ hết giống kháng rầy IR36. Cả nước thoát đói!
Những sự kiện ly kỳ như thế luôn luôn gắn với tên tuổi "tiến sĩ Hai lúa", "ông thần nông Võ Tòng Xuân", một "anh hai Nam Bộ" cao bự lội ruộng với nông dân, dứt dạt, ăn nói rổn rảng, cười ha hả trước mọi chuyện đời để tập trung vô lúa, nghề nông, nông nghiệp, miếng ăn của đồng bào.
GS.TS Võ Tòng Xuân, anh Hai Lúa Võ Tòng Xuân, trong tâm tưởng người nông dân ông thuộc về họ, của họ, của ruộng đồng thăng trầm hột gạo, giạ lúa, chén cơm.
Ngày trở về cho tới mãi sau này, tư thế Võ Tòng Xuân là tư thế xử lý vấn đề, không than vãn: Thời ấy thiếu người, ngó qua lại không có ai, ông tự nhủ: phải tự nhân mình lên cho đất nước. Rồi ông tìm kiếm giới trẻ ươm mầm ước mơ, đưa đi du học.
Nhiều trường hợp hồ sơ không được địa phương duyệt, ông cầm hồ sơ lên trường khẳng định: "Xã huyện chỉ biết ba má nó tham gia chế độ cũ, nhưng tôi biết chính bản thân nó, làm ơn cho nó đi học đi, rồi nó sẽ trở về!". Sinh viên ông ở Cần Thơ đi rồi về là vậy.
Thời điểm nhận được tin ông đã rời đi, tôi nhắm mắt lại, hình dung một bóng cao to sừng sững như bức tượng giữa chốn đồng bằng, đầy khát khao và rạng ngời lý tưởng.
Lý tưởng của một lớp người từ giữa chiến tranh đau thương đã dám bắt tay vô chuẩn bị cho một bữa cơm hòa bình, bất chấp những gian khổ có thể giáng xuống số phận mình.
Ấy là thứ lý tưởng nhắc nhở trách nhiệm của chính chúng ta, trong phận sự của mỗi con người trước thành bại, văn minh và phát triển của quốc gia, dân tộc!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận