Ông Đặng Hoàng An, thứ trưởng Bộ Công Thương, cho hay dự báo nhu cầu tiêu thụ điện sắp tới đỡ căng thẳng hơn và hàng loạt giải pháp được đưa ra để đảm bảo cung ứng điện theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Giá điện nhập khẩu thấp hơn sản xuất trong nước
Ông Đặng Hoàng An cho biết ngành điện sẽ đảm bảo cung ứng điện, huy động tối đa các nguồn khả dụng, đưa nguồn mới vào vận hành như Nhiệt điện Thái Bình 2, đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho phát điện như than, khí và dầu, trong trường hợp các nguồn điện khác có khó khăn. "Bằng mọi cách sẽ đảm bảo cung ứng điện, kể cả nguồn chạy dầu đắt đỏ nhưng khi cần thiết vẫn phải huy động", ông An khẳng định.
Theo Bộ Công Thương, công suất toàn hệ thống điện là gần 80.000MW, phụ tải cao nhất là 44.660MW, nên nếu đảm bảo vận hành các tổ máy, không để xảy ra sự cố, cung ứng đủ nhiên liệu, tiết kiệm điện lên mức tốt thì sẽ vượt qua những ngày khó khăn trong cung ứng điện và chưa tính đến cắt điện.
Liên quan đến việc nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, ông An cho biết "không phải thiếu điện mới nhập khẩu điện" mà là thực hiện theo chiến lược liên kết lưới điện với khu vực, các thỏa thuận, cam kết đã được ký trước đó với các nước nhằm đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn.
Lượng điện nhập khẩu chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong toàn hệ thống, khi mỗi ngày lượng điện nhập từ hai nước này là hơn 10 triệu kWh, trong khi sản lượng tiêu thụ điện của cả miền Bắc là 450 triệu kWh. Mức giá nhập khẩu cũng thấp hơn so với giá điện sản xuất trong nước, khoảng 6 cent/kWh và có hiệu quả về mặt kinh tế.
Gỡ khó nhưng không hỗ trợ dự án làm sai
Với các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ông An cho biết đến nay đã có 52/85 nhà máy với tổng công suất 3.155MW (chiếm tỉ lệ 67%) nộp hồ sơ đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trên cơ sở đó, đã có 16 dự án hòa lưới để thí nghiệm, 5 dự án đã hoàn thành mọi hồ sơ (301MW) và đủ điều kiện phát điện thương mại lên lưới.
Đối với EVN, ông An khẳng định đã quán triệt theo tinh thần tháo gỡ khó khăn triệt để, trường hợp cán bộ nào nhũng nhiễu, gây khó dễ sẽ xử lý. Với các thủ tục pháp lý liên quan đến thẩm quyền của EVN trong quá trình đàm phán, huy động các nguồn điện này, nếu cần thiết sẽ đơn giản tối đa.
Những phàn nàn về giá điện trong hợp đồng mua bán điện của nhà đầu tư cũng sẽ được giải quyết theo đúng tinh thần chỉ đạo của phó thủ tướng. Các đơn vị thuộc bộ cũng được yêu cầu phải tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục liên quan như nghiệm thu, cấp giấy phép hoạt động điện lực...
Tuy nhiên, với các dự án điện tái tạo còn lại phần lớn chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý theo quy định. Do đó, để tháo gỡ và xử lý, yêu cầu quan trọng là các dự án phải tuân thủ đúng quy định về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận kiểm tra nghiệm thu...
"Có những dự án làm điện trên đất trồng cây cao su thuộc an ninh quốc phòng thì không thể hợp thức hóa sai phạm, dự án tăng hay điều chỉnh tổng mức đầu tư... thì phải làm lại thủ tục. Trong quá trình xử lý đã phân rõ trách nhiệm, quan điểm là phải giải quyết theo đúng quy định, việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan pháp luật thì chủ đầu tư phải làm. Hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Cơ quan chức năng khi xử lý sẽ đảm bảo tính chặt chẽ, nhanh, đơn giản nhưng đúng luật", ông An nêu quan điểm.
Với những dự án vướng mắc pháp lý, chủ đầu tư cần chủ động làm việc với địa phương để đề nghị cấp phép theo đúng quy định. Đặc biệt là những dự án còn vướng mắc trong thủ tục, các vấn đề bất cập khi triển khai dự án, ông An cho rằng với chỉ đạo của phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháo gỡ, hy vọng các địa phương sẽ vào cuộc tháo gỡ.
Trong thông tin được phát đi chiều 26-5, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, trong số 52 nhà máy nộp hồ sơ, có 42 nhà máy với tổng công suất 2.258,9MW đã và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 36 nhà máy với tổng công suất 2.063,7MW đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá. Hiện vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỉ lệ khoảng 33%).
Đáng chú ý, có nhiều chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng... Vì vậy, các dự án này chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN. Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3-2023 nhưng sau hai tháng vẫn không bổ sung được.
Theo quy định tại Luật Điện lực, các dự án điện trước khi được đưa vào khai thác, huy động nguồn điện cần được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, theo thống kê, tính đến ngày 23-5 mới chỉ có 18/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp (chiếm khoảng 18,8%) đã được cấp giấy phép này.
Từ số liệu về giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp nêu trên, Bộ Công Thương cho rằng việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cấp giấy phép hoạt động điện lực còn chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức, dẫn tới việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.
"Đây là lúc các chủ đầu tư cần gấp rút hoàn chỉnh thủ tục và nộp hồ sơ để việc thỏa thuận giá điện không bị kéo dài, rút ngắn thời gian đưa các dự án này vào vận hành, từng bước giải quyết bài toán kinh doanh của doanh nghiệp", Cục Điều tiết điện lực nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận