26/05/2023 09:25 GMT+7

Mua điện Lào, Trung Quốc: Vì sao lãng phí năng lượng tái tạo?

Trong khi nguồn điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đang lãng phí, không được huy động nhưng lại đi nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, nhiều đại biểu đã chất vấn về việc liệu có hay không vướng mắc thủ tục, quy trình và bất cập của ngành điện?

Trong khi nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không được phát điện lên lưới, ngành điện lại tăng đàm phán với Lào, Trung Quốc để nhập điện! - Ảnh: T.T.D.

Trong khi nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không được phát điện lên lưới, ngành điện lại tăng đàm phán với Lào, Trung Quốc để nhập điện! - Ảnh: T.T.D.

Các ý kiến được nêu ra trong phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 25-5, khi nhiều đại biểu dẫn ra tình trạng điển hình của lãng phí đó là việc để tới 4.600MW điện gió, điện mặt trời lãng phí trong thời gian qua.

Làm rõ lãng phí nguồn điện do đâu?

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau), ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu ra vấn đề xã hội, người dân rất bức xúc và đặt câu hỏi: Tại sao phải đi nhập khẩu điện, trong khi nguồn điện mặt trời, điện gió lên tới 4.600MW đến nay vẫn chưa được hòa lưới?

"Vì sao thế, cũng là tài sản quốc gia chứ, sao lại lãng phí như thế?", đại biểu Minh nêu vấn đề liệu có phải nguồn điện trên không được huy động là do những vướng mắc, bất cập sai về thủ tục, quy chế, hay là do thủ tục đặt ra để cản trở sự phát triển.

"Thủ tục là do ta đặt ra, tại sao không cải tiến thủ tục này để hòa lưới 4.600MW, mà lại phải đi mua điện Trung Quốc, Lào. Trách nhiệm ở đây là cơ quan nào? Ngành điện phải đổi mới nhiều. Trong báo cáo của Chính phủ lựa chọn giải pháp nào để cải tiến cái này", đại biểu Minh nói.

Từng trực tiếp tham dự nhiều cuộc họp, ông Minh cho hay trong tổng 100% sản lượng phát lên lưới, nguồn điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ chiếm tỉ lệ nhất định, còn lại là nguồn điện phát từ các công ty, doanh nghiệp khác ngoài EVN. 

Vấn đề đặt ra là tại sao những doanh nghiệp này kinh doanh lãi, mà EVN lại kinh doanh lỗ?

"Tại sao trong Luật Điện lực quy định Nhà nước chỉ độc quyền truyền tải thôi, nhưng giờ còn ôm tất cả phân phối. Chúng ta cần cải cách, làm đúng Luật Điện lực, phần truyền tải Nhà nước độc quyền, còn phân phối thì không cần", ông Minh nói.

Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) chỉ ra tình trạng thiếu điện mà nguồn năng lượng tái tạo không được đấu nối, khai thác, khiến nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo bên bờ vực phá sản. 

"Thủ tục ngày càng nhiêu khê, cứ giải thích là chặt chẽ, nhưng thực ra là gây khó dễ, làm cản trở sự phát triển. Theo tôi biết thì đến giờ vẫn chưa đàm phán được về giá. Điện vẫn chưa lên lưới", ông Công nêu.

Trong khi đó, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đề cập đến việc điều chỉnh tăng giá điện, khiến nhiều cử tri băn khoăn. Từ 2010 đến nay EVN đã tám lần điều chỉnh tăng giá điện, giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh (vào năm 2019) và vẫn tiếp tục báo lỗ, xin điều chỉnh tăng giá điện.

Băn khoăn hiệu quả hoạt động ngành điện

Theo đại biểu, nhiều cử tri thắc mắc về việc thời gian qua, EVN trong các báo cáo đều khẳng định về tình hình sản xuất, kinh doanh điện liên tục thua lỗ. Tuy nhiên, khoản lỗ hơn 26.000 tỉ đồng chưa thấy làm rõ nguyên nhân, giải pháp cụ thể. Đặc biệt, cử tri nêu vấn đề là cùng một công ty mẹ báo lỗ, nhưng công ty con vẫn công bố lợi nhuận.

"Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỉ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?", bà Yên nêu.

Cũng nhắc lại câu chuyện việc huy động nguồn điện gió, điện mặt trời đến nay vẫn chưa có sự ngã ngũ, vô hình trung gây ra sự lãng phí vô cùng lớn, đại biểu Yên đề nghị cần giải pháp lâu dài cho ngành điện. 

Đó là cần có phương án tối ưu để đảm bảo an ninh năng lượng, huy động nguồn nguyên liệu rẻ, giảm giá thành sản xuất.

Có cơ chế giá hợp lý để các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện năng lượng tái tạo tham gia vào kinh doanh điện. 

"Tôi cho là rất lãng phí khi hàng trăm dự án năng lượng tái tạo đã được Nhà nước thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng, thế nhưng khi xây dựng xong lại không thể đấu nối, phát điện. Trong khi nền kinh tế thiếu điện, phải tăng cường mua điện của Lào, Trung Quốc?", đại biểu Tạ Thị Yên nói.

Cũng tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã trao đổi với bộ trưởng Bộ Công Thương về vướng mắc trong huy động nguồn điện này. Theo đó, ông Phớc đề nghị nếu vướng về vấn đề giá điện thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để cùng xây dựng giá.

"Mục tiêu là đảm bảo giải tỏa vốn ứ đọng mà các doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng, vốn bỏ ra đầu tư. Đặc biệt đặt trong bối cảnh nguồn điện đang thiếu và phải đi mua điện của nước ngoài thì cần sửa đổi những ách tắc trong luật quy hoạch và đầu tư công", ông Phớc nói.

Thống nhất giá tạm, vẫn chưa huy động nguồn năng lượng tái tạo

Theo thông tin cập nhật đến ngày 24-5, đã có 37/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC) để phục vụ quá trình đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện.

Trong đó có 19 dự án hoặc một phần dự án với công suất tổng cộng 1.347MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt, thông qua giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá phát điện. Giá mua điện chính thức và việc quyết toán tiền điện sẽ thực hiện theo hướng dẫn/quyết định của cấp có thẩm quyền.

Tuy nhiên, việc huy động nguồn điện này vẫn phải chờ thủ tục, trong khi việc thiếu điện đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân.

Tại sao điện tái tạo thừa không xài lại đi mua điện Trung Quốc, Lào?Tại sao điện tái tạo thừa không xài lại đi mua điện Trung Quốc, Lào?

Sáng 25-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vấn đề lãng phí điện tái tạo, mua điện lại được đặt ra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên