26/05/2023 18:35 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Mua điện từ Trung Quốc đã 18 năm qua

Bộ Công Thương khẳng định huy động tối đa các nguồn điện để cung ứng, gồm việc mua điện từ Trung Quốc và Lào và chưa tính đến cắt điện, tập trung tháo gỡ vướng mắc dự án điện tái tạo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Mua điện từ Trung Quốc đã 18 năm qua - Ảnh 1.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An thông tin về tình hình cung ứng điện và việc huy động nguồn năng lượng tái tạo - Ảnh: N.AN

Chiều 26-5, Bộ Công Thương tổ chức họp trao đổi thông tin về tình hình cung ứng điện, việc đàm phán giá điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và huy động nguồn điện, trong đó có mua điện từ nước ngoài, với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An.

Mua điện Trung Quốc từ năm 2005

Thông tin về tình hình cung ứng điện, ông An cho biết nguồn điện huy động thực tế tăng tới 818 triệu kWh/ngày (tương đương 8%). Thậm chí, có thời điểm huy động điện ghi nhận mức kỷ lục trên 920 triệu kWh, công suất lớn nhất hệ thống điện trên 44.000 MW, tăng 9%.

Với chỉ đạo của Thủ tướng, ông An cho hay đã có nhiều giải pháp được đưa ra như việc đảm bảo độ tin cậy cung ứng điện, sớm khắc phục sự cố các nhà máy như Nghi Sơn, Vũng Áng, Phả Lại... Đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu như than, dầu, khí.

Dự báo sắp tới, nhu cầu phụ tải miền Bắc vẫn tăng cao trong khi miền Trung và miền Nam đã bình ổn, nên Bộ Công Thương sẽ tiếp tục các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện. 

Tinh thần là bằng bất cứ giải pháp nào cũng không để thiếu điện, "không hy sinh kinh tế mà để xảy ra tình trạng thiếu điện", nếu khó khăn thì sẽ huy động các nguồn giá cao.

"Chúng tôi chưa tính đến việc cắt điện, công suất tiêu thụ lớn nhất khả năng đã qua rồi. Hệ thống điện là 80.000 MW, phụ tải cao nhất là hơn 44.000 MW.

Nếu các tổ máy không có sự cố, vận hành tin cậy, nhiên liệu đủ và điều tiết các hồ, tiết kiệm điện ở mức tốt, thì sẽ vượt qua những ngày khó khăn trong cung ứng điện sắp tới” - ông An giải thích.

Về nhập khẩu điện, ông An cho hay "không phải thiếu mới nhập khẩu điện".

Cụ thể, việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc thực hiện từ năm 2005. Công suất mua từ Quảng Tây là 70 MW, vừa thúc đẩy hợp tác quốc tế, vừa góp phần cung ứng điện cho miền Bắc.

Việc nhập khẩu điện từ Lào thực hiện theo Hiệp định Liên Chính phủ, với giai đoạn 2020 - 2025 tối thiểu là 3.000 MW và giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 5.000 MW.

Hoạt động nhập khẩu điện từ các nước này, theo ông An, là trên cơ sở hệ thống lưới điện liên kết với một số nước trong khu vực. 

So với tổng nguồn cung toàn hệ thống, lượng nhập khẩu này là tương đối nhỏ, chỉ hơn 10 triệu kWh/ngày, trong khi sản lượng tiêu thụ điện của miền Bắc 450 triệu kWh/ngày, là mức tương đối thấp.

Khẩn trương hoàn thiện mức giá với điện tái tạo

Đới với các nhà máy năng lượng tái tạo, ông An cho biết Thủ tướng cũng đã chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện mức giá, huy động nguồn điện trên cơ sở giá tạm. Đã có 52/85 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 3.155MW (chiếm tỉ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đến EVN.

“Đã có 16 dự án hòa lưới để thí nghiệm, 5 dự án đã đủ hồ sơ (391 MW) và đủ điều kiện phát điện thương mại nên tôi tin trong vài ngày tới hoàn tất thủ tục thì sẽ đưa vào vận hành chính thức được” - ông An nói và cho biết các dự án còn lại đang tiến hành các thủ tục, kiểm tra nghiệm thu, đảm bảo yêu cầu pháp lý để cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc Bộ Công Thương rà soát, đánh giá hiện trạng hồ sơ pháp lý của các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt với dự án có vi phạm thế nào, nhất là khi vướng mắc liên quan đến các địa phương, ông An cho biết bộ đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ.

Ông An nói đã quán triệt tới EVN phải tập trung tháo gỡ những vấn đề liên quan tới thẩm quyền của tập đoàn, gồm thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu. Những thủ tục nào rườm rà, không cần thiết phải đơn giản tối đa. Trong trường hợp có cán bộ nhũng nhiễu thì sẽ xử lý, đảm bảo tinh thần làm công minh, không gây khó dễ.

Tuy vậy, với các vấn đề hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan tới chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, ông An cho rằng thực tế dự án là "muôn hình vạn trạng", nên bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương tháo gỡ.

Bộ Công Thương: Chưa huy động điện gió, mặt trời vì có chủ đầu tư vi phạm, chưa đủ hồ sơBộ Công Thương: Chưa huy động điện gió, mặt trời vì có chủ đầu tư vi phạm, chưa đủ hồ sơ

Thông tin được Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) vừa phát đi, nguồn điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp chưa thể huy động là do có doanh nghiệp vi phạm chưa đáp ứng thủ tục pháp lý, hồ sơ.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên