Bạn đọc Trần Phi Hùng để lại lời chia sẻ liên quan đến tranh cãi lương 8 triệu sao không về quê mà vẫn cố bám trụ, ở lại thành phố lớn.
Ở lại thành phố vì sức hút từ giáo dục, chữa bệnh và việc làm
Nhiều độc giả của Tuổi Trẻ Online đều có chung quan điểm, rằng những ai chủ động bỏ quê lên phố sống thì rất khó quay trở lại.
Họ cùng quan điểm, không phủ nhận về chất lượng giáo dục ở quê, tuy nhiên nếu là TP, cơ hội để tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, chất lượng hơn vẫn rõ ràng. Cùng đó là các cơ hội về việc làm.
Ở TP, tìm công việc lương 8 triệu đồng/tháng vẫn dễ hơn. Đặc biệt, làm việc ở TP lớn thì cơ hội bứt phá cũng lớn, lộ trình thăng tiến cũng sẽ rõ ràng hơn.
Hơn nữa, việc các bệnh viện lớn luôn đặt ở các TP lớn, từ đó cơ hội được chăm sóc khỏe tốt hơn cũng là một phần lý do để người lao động muốn bám trụ.
Bạn đọc Ngọc Thương chia sẻ, lý do nữa đó là làm việc ở các TP có mật độ dân số cao có thể dễ dàng buôn bán, đầu công việc nhiều và đều đặn, cơ hội tiếp cận được công nghệ mới sẽ cao hơn. Trong khi đó, ở quê lại thiếu đất sản xuất, canh tác theo mùa vụ nên thu nhập bấp bênh.
"Tuổi trẻ còn nóng bỏng, nhiệt huyết, sáng tạo, nếu ở quê chỉ chăn nuôi, trồng rau, nhổ cỏ thuê thì cuộc đời thấy gì là mới, tầm hiểu biết chỉ giới hạn ở đó. Còn khỏe thì cứ bôn ba trải nghiệm, vừa kiếm sống vừa học hỏi, không cần phải ở thành phố để làm giàu gì cả", Ngọc Thương viết.
Tài khoản Thien cho rằng cần phải tăng ca, làm nhiều việc lên để kiếm thêm, sau đó dành dụm về quê.
Theo Nguyễn Hữu Minh, có nhiều lý do để nhiều người dù lương 8 triệu đồng/tháng nhưng vẫn cố bám trụ TP. Ở vùng quê, từ việc thiếu đất canh tác, cảnh làm thuê cũng chỉ đủ sống nhưng rất cơ cực. Việc đi làm thuê cũng chưa hẳn dễ, việc nặng nhưng không phải khi nào cũng có người thuê.
"Mục đích tôi bám trụ lại ở thành phố vì đây là nơi dễ kiếm tiền nhất, có thể lo cho con cái được đầy đủ nhất. Mọi hoạt động văn hóa giải trí lớn chủ yếu ở đây, chưa kể y tế, giáo dục cũng chỉ tập trung ở các thành phố lớn.
Ở quê dù giờ cũng phát triển nhưng chất lượng sống không thể bằng các thành phố lớn được. Dù bạn ở quê có tiền thì cũng vẫn phải ra thành phố để đi học, chữa bệnh, tham gia các hoạt động giải trí", một bạn đọc viết.
Đừng để về già vẫn tay trắng tay
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng nếu đã xác định bám trụ TP để mưu sinh thì cũng cần xác định rất nhiều. Đó là việc phải chấp nhận khó khăn, tằn tiện chi li, ăn uống kham khổ, sống cảnh chật hẹp…
Bạn đọc Lâm kể ở xóm có rất nhiều người đi làm ở TP.HM, có người đi đến 25-30 năm, nhưng khi con cái lớn hoặc học xong, có việc làm thì họ lập tức về quê. Trớ trêu là khi hồi hương gần như họ chẳng có một tài sản nào trong tay.
"Chính ba tôi, người sống ở quê cả đời vẫn hay nhắc người này người kia đi TP.HCM cả tuổi trẻ, trung niên về quê vẫn tay trắng. Đó là một áp lực vô hình, nặng nề không kém vì việc bươn chải nơi thành thị", Lâm nói.
Bạn đọc Đặng Hinh thể hiện rõ quan điểm, nếu đã ở TP lớn - nơi dễ kiếm tiền nhất mà còn không đủ sống thì coi như thất bại, nên xem lại mình.
Tài khoản than****@thanhphuoc.com kể từng chứng kiến đôi bạn làm công nhân ở quê, lương mỗi người hơn 9 triệu, nhà cửa có sẵn và đồ ăn rất rẻ nên cuộc sống thoải mái và có dư. Nhưng với cặp vợ chồng khác làm công nhân ở TP lớn, đến hơn 40 tuổi cũng phải về quê với bốn bàn tay trắng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận