19/03/2016 09:18 GMT+7

​Luật thì hay nhưng triển khai hời hợt

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nghĩ gì khi ngư dân đóng tàu lớn theo chủ trương được ban hành sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam phải thốt lên rằng “ra biển mà bụng không yên”?

Với những con tàu lớn, chuyến ra khơi của ngư dân thuận lợi hơn nhưng chuyện khởi nghiệp, khởi đóng những con tàu lớn lại không êm ả như trông đợi của người dân cả nước.

Một chủ trương đúng để biến chuyện phức tạp (phải nộp thuế giá trị gia tăng - GTGT - rồi hoàn lại số thuế đã nộp với thủ tục phức tạp) thành đơn giản (đóng tàu không thuộc diện chịu thuế nên không phải qua thủ tục hoàn thuế) nhưng khi triển khai lại có tác dụng ngược, biến chuyện vốn đã phức tạp thành cực kỳ phức tạp, nộp thuế rồi không biết đòi lại thế nào, cơ quan thuế không thể trả được vì... làm thế là sai luật.

Lẽ ra khi đưa đóng tàu vào diện không chịu thuế GTGT, cơ quan thuế phải tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tường tận là chính sách thuế về đóng tàu giờ đây khác trước, có ưu đãi, bà con mua hàng hóa - dịch vụ để đóng tàu nhớ đòi hóa đơn ghi rõ thuộc diện không chịu thuế GTGT, rồi khi trả tiền cho bên bán hàng cũng ít đi vì không có thuế, khi khai thuế cũng khác...

Điều này là cần thiết vì dù đã làm ăn quy mô lớn nhưng ngư dân ít quan tâm đến những quy định phức tạp về thuế.

Do không làm tốt tuyên truyền, hậu quả là sau hơn năm trời thuộc diện không phải chịu thuế - không hoàn thuế, ngư dân vẫn vô tư nộp thuế rồi từ ngỡ ngàng chuyển sang lo lắng, thậm chí bức xúc vì không được hoàn thuế. Rõ ràng luật thì hay nhưng triển khai hời hợt nên mới gây ra hậu quả.

Nộp thuế oan, không được hoàn thuế... nghe đơn giản nhưng chất chứa sau đó biết bao khó khăn phát sinh chất lên vai ngư dân.

Những người sống bằng nghề bám biển, dù là doanh nghiệp có đội tàu hay ngư dân với con tàu đơn chiếc, chẳng dư dả gì. Họ thiếu trước hụt sau, có khi phải vay nóng làm vốn tự có mới đủ điều kiện vay thêm ngân hàng để đóng tàu. Rồi khi ra khơi họ phải mua chịu thực phẩm, dầu, nước đá, ngư cụ...

Việc đưa tàu vào diện không chịu thuế GTGT giúp ngư dân giảm được vốn mua sắm tàu. Ấy vậy mà giờ đây tiền của họ chẳng biết đòi ở đâu!

Cần nhớ rằng khi ngư dân mua hàng hóa để đóng tàu, số thuế lỡ nộp ghi trên hóa đơn được nộp vào ngân sách nhà nước. Không thể nói như một cán bộ thuế nào đó là ngư dân trở lại nơi bán hàng đòi lại tiền thuế. Bộ Tài chính phải có trách nhiệm gỡ rối, cần thiết phải sửa hoặc bổ sung luật để có cơ sở trả lại tiền thuế cho ngư dân.

Câu chuyện ưu đãi theo kiểu tay trái nâng lên, tay phải kéo xuống như trường hợp ngư dân đóng tàu lớn không phải là cá biệt. Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi để doanh nhân khởi nghiệp, trong đó có ngư dân vươn lên.

Chủ trương rất hay, nhưng thực hiện thì như pháo xịt với bao nhiêu rối rắm, thậm chí là tai họa cho người được ưu đãi.

Đã đến lúc cần cách tiếp cận khác để đưa chính sách đến tay người cần hỗ trợ, chấm dứt kiểu hỗ trợ hời hợt. Nếu không, những người lao vào làm ăn theo lời kêu gọi sẽ đụng phải những bức tường quy định xa rời thực tế.

Họ khó khăn thì kinh tế khó khởi sắc, làm sao có được nhiều con tàu vươn tới những khơi xa...!?

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên