18/03/2016 08:35 GMT+7

Ngư dân mất oan tiền thuế

TRẦN MAI - BẢO TRUNG
TRẦN MAI - BẢO TRUNG

TT - Nhiều ngư dân đóng tàu cá công suất lớn theo chính sách ưu đãi của nghị định 67 đứng ngồi không yên do cơ quan thuế từ chối hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) với lý do tàu cá thuộc diện không chịu thuế GTGT nên không thể hoàn thuế.

Ngư dân Võ Văn Hân (thứ ba từ phải sang) cho rằng máy móc, trang thiết bị ngư cụ đi biển tốn chi phí rất lớn, tuy nhiên đến giờ phần chi phí này vẫn chưa được hoàn thuế - Ảnh: Trần Mai
Ngư dân Võ Văn Hân (thứ ba từ phải sang) cho rằng máy móc, trang thiết bị ngư cụ đi biển tốn chi phí rất lớn, tuy nhiên đến giờ phần chi phí này vẫn chưa được hoàn thuế - Ảnh: Trần Mai

Về chủ trương chung, cả quy định hoàn thuế (trước ngày 31-12-2014) cho ngư dân đóng tàu và quy định đóng tàu thuộc diện không chịu thuế GTGT (từ 1-1-2015) đều nhằm mục tiêu là người mua/đóng tàu không phải nộp khoản thuế này nhằm giảm chi phí sắm tàu.

Tuy nhiên, do thay đổi nhưng không hướng dẫn cụ thể nên trong mua bán, ngư dân vẫn sử dụng hóa đơn và nộp thuế, không yêu cầu lấy hóa đơn theo diện “không phải chịu thuế” cho nên hiện giờ phải đi đòi lại tiền thuế và không biết đòi ai!

Ra biển mà bụng không yên

Sau khi chiếc tàu vỏ thép (QNg 90999), đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi theo nghị định 67 với tổng mức đầu tư 14 tỉ đồng, vừa hoàn tất, ngư dân Võ Văn Hân (Bình Sơn, Quảng Ngãi) tìm đến cơ quan thuế địa phương để làm thủ tục hoàn thuế GTGT thì bất ngờ được thông báo... chờ hướng dẫn.

“Chưa nói tổng giá trị con tàu, chỉ riêng phần ngư cụ và máy móc mà tui mua lên tới 4 tỉ đồng, đều có hóa đơn thuế GTGT, tính ra đến 400 triệu đồng tiền thuế. Nếu được hoàn khoản tiền này, tui cũng trả được một ít nợ và mua các nhu yếu phẩm cho các bạn tàu, ai dè...” - ông Hân nói.

Theo ông Hân, để có tiền mua nhu yếu phẩm cho chuyến biển đầu tiên, gia đình ông phải vay mượn tiền ngoài với lãi suất cao, vì chẳng biết có nhận được tiền hoàn thuế hay không và nếu được hoàn cũng chưa biết đến bao giờ có.

Tương tự, ngư dân Đồng Hoàng Vũ (Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết chiếc tàu QNg 94999 trị giá hơn 10 tỉ đồng của gia đình ông cũng đã ra khơi từ đầu năm nhưng gia đình ông vẫn chưa nhận được tiền hoàn thuế GTGT, dù ông đã nhiều lần chạy lên chạy xuống cơ quan thuế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng tại Quảng Ngãi hiện nay có 14 tàu cá được đóng mới theo nghị định 67, đã đưa vào khai thác nhưng vẫn chưa tàu nào được hoàn thuế GTGT. Trong khi đó, tại Bình Định cũng có 5 tàu sắt công suất 880CV được đóng mới theo chương trình này, tàu đã được hạ thủy khai thác nhưng ngư dân vẫn mòn mỏi chờ được hoàn thuế GTGT.

“Hơn sáu tháng qua, chúng tôi vẫn chưa được hoàn thuế. Tôi đã làm đơn gửi lên các cơ quan chức năng thì được trả lời phải chờ vì còn vướng bởi các thông tư hướng dẫn này nọ. Mình ra biển mà tâm trạng lúc nào cũng nóng ruột, bức xúc” - ngư dân Nguyễn Việt Hằng (P.Hải Cảng, Quy Nhơn, Bình Định) bức xúc.

Theo ông Hằng, chi phí đóng tàu vỏ sắt của gia đình ông lên tới 17,1 tỉ đồng và với mức thuế GTGT 10%, số tiền thuế mà ông phải chịu lên tới hàng tỉ đồng chứ không phải số tiền nhỏ, nên việc chậm được hoàn thuế khiến gia đình ông rất lo lắng.

Ngư dân Võ Thành Duy (Hoài Nhơn, Bình Định) cũng cho biết do phải chịu thuế 10% nên giá trị con tàu bị đội lên, lãi suất mà ngư dân phải chịu cũng nhiều hơn trong khi hiệu quả đánh bắt chưa rõ ràng nên hầu hết ngư dân đều lo lắng.

“Được vay chương trình này với lãi suất thấp, nhưng việc bị chiếm dụng 10% thuế, chưa biết có được hoàn hay không khiến ngư dân chẳng vui” - ông Duy cho biết.

Ngư dân mất Thuế
Ngư dân mất Thuế - Đồ họa: TẤN ĐẠT

 

Rằng hay thì thật là hay...

Ông Phạm Văn Mịnh, phó giám đốc Công ty CP Thủy sản Lý Sơn (Quảng Ngãi), đơn vị vừa đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá (công suất 810CV) trị giá 33 tỉ đồng, bức xúc cho biết công ty có nguy cơ mất oan hơn 3 tỉ đồng tiền thuế GTGT.

Theo ông Mịnh, nghị định 67 quy định rõ: tàu cá đóng mới hoặc nâng cấp có công suất từ 400CV trở lên đều được hoàn thuế GTGT. Thế nhưng từ ngày 1-1-2015, theo thông tư sửa đổi bổ sung của Bộ Tài chính hướng dẫn về Luật thuế GTGT, việc đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ hoặc dịch vụ hậu cần nghề cá... cho tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên không được hoàn thuế.

Nhiều người nói rằng quy định đóng tàu thuộc diện không chịu thuế GTGT là quá đúng, quá hay, nhưng khi triển khai lại không rõ ràng, không sát thực tế thói quen mua bán trên thị trường nên ngư dân lãnh đủ.

“Nhà nước ban hành nghị định, thông tư như đánh đố ngư dân. Khi chúng tôi vay vốn, nghị định 67 quy định rõ tàu 400CV thuộc diện được hoàn thuế nhưng nay lại không nằm trong đối tượng chịu thuế, chi phí mua vật liệu đóng mới không được kê khai hoàn thuế. Vậy tiền thuế mà chúng tôi chi ra ai chịu?” - ông Mịnh bức xúc.

Ngư dân Đồng Hoàng Vũ cũng cho rằng việc Bộ Tài chính từ chối hoàn thuế GTGT với lý do các tàu cá này không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT là hoàn toàn vô lý, không dựa trên cơ sở thực tế. Bởi lẽ để được giải ngân vốn ưu đãi, ngư dân đều bị ngân hàng yêu cầu phải có hóa đơn GTGT.

“Nếu không có hóa đơn GTGT, ngân hàng sẽ từ chối giải ngân. Hơn nữa, chúng tôi có đầy đủ hóa đơn GTGT sao lại từ chối hoàn thuế cho chúng tôi?” - ông Vũ nói.

Một số ngư dân cho biết cũng có ngân hàng không đòi hóa đơn GTGT nhưng bản thân ngư dân khi mua hàng đều được các cơ sở xuất hóa đơn GTGT, tức là phải đóng thêm 10% giá trị món hàng.

Theo ngư dân Võ Thành Duy, quy định “tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT” là đẩy cái khó cho ngư dân và cũng không thể thực hiện trong thực tế. Bởi lẽ các cơ sở hay doanh nghiệp cung cấp ngư cụ làm sao xác định được ai mua hàng để đóng tàu trên 90CV để không xuất hóa đơn GTGT.

“Chúng tôi đi mua ngư cụ với giá trị lớn, các nhà cung cấp đều xuất hóa đơn GTGT bởi họ đâu biết chúng tôi có thuộc diện không chịu thuế GTGT. Lâu nay có nghe ai nói gì về chuyện không chịu thuế này đâu nên cứ làm đúng theo luật là mua hàng phải lấy hóa đơn GTGT, bây giờ lại ôm nợ” - ông Duy than.

Thay đổi chính sách, ngư dân ngỡ ngàng

Trong công văn hướng dẫn cục thuế các địa phương về hoàn thuế GTGT cho tàu khai thác hải sản và tàu đánh bắt xa bờ, Tổng cục Thuế dẫn thông tư 26 (ban hành ngày 27-2-2015) hướng dẫn về thuế GTGT cho biết tàu cá hoàn thành trước ngày 1-1-2015 mới được hoàn thuế, sau thời điểm này không thuộc đối tượng chịu thuế nên không được hoàn thuế GTGT.

Thông tư 26 cho biết theo quy định tại Luật thuế GTGT, tàu cá có công suất máy chính từ 90CV trở lên không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Do vậy thuế GTGT đầu vào của chi phí sản xuất tàu cá không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế.

Trước đó, theo nghị định 67 của Chính phủ và thông tư 117 của Bộ Tài chính, tàu cá đóng mới, nâng cấp có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên do khi đó chưa thuộc diện không phải chịu thuế GTGT nên khi mua hàng hóa - dịch vụ để đóng tàu vẫn phải nộp thuế sau đó được hoàn lại.

Như vậy, do chính sách thay đổi, ngư dân không được hướng dẫn nên rơi vào cảnh dở khóc dở mếu vì tiền thuế GTGT đã lỡ chi nhưng bị ngành thuế từ chối hoàn.

L.THANH

Đến chỗ bán hàng đòi lại... tiền thuế

Ông Lê Tuấn Hiệp (TP Nha Trang, Khánh Hòa) - chủ con tàu vỏ composite công suất 800CV được đóng mới theo nghị định 67 để đánh bắt cá ngừ đại dương - cho biết đang rất lo lắng sau khi nghe thông tin không được hoàn thuế GTGT.

“Chỉ riêng máy tàu và hai máy phát điện, tôi mua hết 4,1 tỉ đồng, đều được nơi bán xuất hóa đơn GTGT tổng cộng hơn 400 triệu đồng. Nhưng bây giờ Nhà nước nói rằng máy móc tàu cá đánh bắt xa bờ thuộc diện không chịu thuế GTGT nên tôi không biết phải làm thế nào và đến đâu để lấy lại số tiền thuế GTGT đã đóng” - ông Hiệp lo lắng.

Ngư dân Đỗ Văn Vẻ (TP Nha Trang) cho biết sau khi mang hóa đơn GTGT đến Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa để hỏi về hoàn thuế, ông được cán bộ thuế giải thích vì tàu đóng hoàn thành trong năm 2015 nên không có hoàn thuế.

“Tôi hỏi các hóa đơn thuế GTGT giải quyết thế nào, cán bộ thuế đề nghị tôi đến nơi đã mua hàng để đòi lại tiền. Tôi mua máy móc ở tận TP.HCM, giờ mà vô đó đòi biết có được hay không?” - ông Vẻ nói.

Ông Lê Quang Lâm - chủ tịch HĐQT Nhà máy đóng tàu Cam Ranh - cho biết nhà máy đóng tàu vỏ thép cho ba ngư dân tỉnh Bình Định, toàn bộ máy móc và nguyên vật liệu để đóng tàu đều được mua vào cuối năm 2014 và phải trả thuế GTGT, nhưng do chính sách thay đổi nên 3 tỉ đồng tiền thuế GTGT hiện chẳng biết giải quyết thế nào, nhà máy cũng chưa thể quyết toán hợp đồng với các chủ tàu.

DUY THANH

Không biết giải thích thế nào với ngư dân

Ông Phạm Trường Thọ (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) cho biết dù thủ tục vay vốn và giải ngân của các ngân hàng thương mại đã thông thoáng hơn nhưng các chính sách về hoàn thuế GTGT đang khiến địa phương rất lúng túng, không biết giải thích với ngư dân thế nào.

Việc chậm hoàn thuế GTGT cho các chủ tàu và không có hướng dẫn cụ thể đã làm nảy sinh thêm tranh chấp giữa chủ tàu và công ty đóng tàu về việc mua vật liệu, máy móc, thiết bị để hưởng chính sách.

Tinh thần của nghị định 67 là hoàn thuế GTGT ngư dân đứng ra vay vốn đóng tàu. Chính vì thế Bộ Tài chính nên có hướng dẫn cụ thể hơn để nhanh chóng giải quyết vấn đề bức xúc này cho dân.

TRẦN MAI - BẢO TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên