09/08/2013 10:11 GMT+7

Lọt sàn, xuống... nghề - Kỳ 1: Rộng cửa trường nghề

QUANG PHƯƠNG
QUANG PHƯƠNG

TT - Không trúng tuyển ĐH, CĐ chính quy thì không phải là con đường tương lai của các bạn trẻ bị đặt dấu chấm hết. Các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp... rộng cửa thênh thang đón lứa bạn trẻ này.

Ngày 8-8, Bộ GD-ĐT đã công bố điểm sàn kỳ thi ĐH, CĐ. Như mọi năm, sau kỳ thi tuyển sinh sẽ có khoảng 1/2 trong số trên dưới 1 triệu thí sinh thi rớt, dừng cuộc đua vào ĐH, CĐ chính quy. Nhưng đó không phải là “cuối đường hầm”: vẫn còn những ngã rẽ khác trong đời mà các bạn trẻ có thể chọn, đó là trường nghề. Trường nghề là một đại lộ thênh thang mà xưa nay nhiều bạn trẻ ít để mắt tới.

n4WLOTk8.jpgPhóng to
Học sinh Trường trung cấp nghề Việt Giao trong giờ thực hành bếp - Ảnh: Trần Phương

Chỉ tiêu trường nghề rất lớn với nhiều ưu đãi và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp khá cao. Mặt khác, sau tốt nghiệp, đi làm rồi vẫn có thể học liên thông lên cao để lấy bằng cấp và nâng cao tay nghề, vị trí nghề nghiệp.

Hàng trăm ngàn chỉ tiêu

Đào tạo nghề có ba cấp trình độ: cao đẳng nghề (CĐN), trung cấp nghề (TCN) và sơ cấp nghề (SCN). Trình độ CĐN được thực hiện 2-3 năm học, TCN 1-2 năm và sơ cấp nghề từ ba tháng đến một năm tùy theo nghề đào tạo. Theo thống kê, cả nước có khoảng 140 trường CĐN, hơn 300 trường TCN tuyển sinh và đào tạo nghề chính quy trình độ trung cấp và cao đẳng với tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hằng năm của các trường nghề hơn 100.000. Đó là chưa kể cơ hội học nghề ngắn hạn ở hàng nghìn cơ sở dạy nghề trên cả nước. Hệ nghề, số lượng ngành nghề cũng khá phong phú và đa dạng với khoảng 400 nghề. Đến tháng 5-2012 đã có danh mục của 386 nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng, 462 nghề đào tạo ở trình độ trung cấp.

Tại TP.HCM, theo thống kê của phòng dạy nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trong năm 2013 toàn thành phố tuyển 33.800 chỉ tiêu đào tạo trình độ CĐN, TCN. Toàn thành phố cũng tuyển gần 300.000 người học SCN. Trong đó, khối các trường CĐN thuộc thành phố sẽ tuyển 13.475 chỉ tiêu CĐN và TCN, khối các trường TCN thuộc thành phố tuyển: 7.330 chỉ tiêu. Nhiều trường nghề tại TP.HCM cần tuyển nhiều chỉ tiêu năm nay là: CĐN TP.HCM: 2.475, CĐN Kinh tế - công nghệ TP.HCM: 1.220, CĐN Công nghệ thông tin iSPACE: 1.000, CĐN Du lịch Sài Gòn:1.210...

Ông Nguyễn Thành Hiệp, trưởng phòng dạy nghề Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết đường vào các trường nghề luôn rộng cửa với các thí sinh bởi phần lớn trường đều xét tuyển, không thi. Ngành nghề đào tạo cũng khá đa dạng: công nghiệp, kinh tế dịch vụ, giao thông vận tải, xây dựng, nông lâm ngư, bưu điện, viễn thông... tạo điều kiện thuận lợi cho người học lựa chọn. Theo ông Hiệp, chọn học nghề ở các bậc sơ cấp, trung cấp hay cao đẳng là chọn một con đường ngắn hơn để vào đời. Nhiều người hiện nay chỉ sau hơn ba tháng học nghề đã có thể đi làm và có thu nhập ổn định.

Thế nhưng, điều “ngang trái” là đại lộ thênh thang nhưng ít người bước lên đi.

Bỏ qua cơ hội học nghề

Mặc dù trường nghề luôn rộng cửa đón người học nhưng nhiều trường vẫn tuyển không ra học viên. Các trường đã tung đủ chiêu thức: đẩy mạnh quảng cáo, đưa ra nhiều học bổng, ưu đãi học phí... nhưng vẫn ế so với chỉ tiêu, so với cơ sở vật chất hiện có.

Không chỉ thế, một số chương trình đào tạo nghề tiên tiến tại các trường cũng chật vật tuyển sinh. ThS Nguyễn Hoàng Anh, hiệu trưởng Trường CĐN CNTT iSPACE, cho biết năm 2012 với chỉ tiêu của trường là 1.000 nhưng trường chỉ tuyển được khoảng 70%. Năm 2013, từ đầu năm tới giờ chỉ có khoảng 150 hồ sơ xét tuyển.

ThS Trần Phương, hiệu trưởng Trường TCN Việt Giao, cho biết từ nhiều năm nay, hầu hết trường nghề đều tuyển không đủ chỉ tiêu. Năm nay chỉ tiêu của trường là 600 nhưng từ đầu năm tới giờ mới tuyển được 90 học sinh. “Các trường nghề chủ yếu tuyển sinh các khóa ngắn hạn để “lấy ngắn nuôi dài”, duy trì hoạt động. Hiện nay người học muốn mặc “chiếc áo nghề” của trường ĐH chứ không muốn mặc “chiếc áo nghề” của chính trường nghề. Đó là một trong số các lý do vì sao trường nghề khó tuyển”, ông Phương nói.

Nói về tình trạng ít người quan tâm học nghề, ông Nguyễn Thành Hiệp cho rằng: “Cần phải có những chương trình tiếp sức học sinh trường nghề, tôn vinh học sinh giỏi nghề, thợ giỏi nghề... mạnh hơn nữa mới mong thay đổi được tâm lý xã hội”.

Nhiều nghề hay, có đẳng cấp

Thầy Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế - công nghệ TP.HCM, nêu trong số 1.220 chỉ tiêu cụ thể được tuyển trong năm 2013, gồm: kỹ thuật dược: 280 chỉ tiêu bậc CĐN, 50 chỉ tiêu bậc TCN; các ngành nghề khác lần lượt là: quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ: 140-50, quản trị mạng 50-80, kế toán doanh nghiệp: 140-100, lập trình máy tính: 30-30, thiết kế đồ họa: 50-30... “Rất khó tuyển đủ chỉ tiêu vì tâm lý xã hội ít muốn vào trường nghề dù học xong có nghề rất chắc, dễ có việc làm, cơ hội học lên không thiếu”, ông nói. Nhưng ông cũng lạc quan: hi vọng năm nay tuyển đủ!

Các trường nghề khác cũng vậy, như CĐN Kỹ thuật công nghệ Ladec, CĐN Kinh tế công nghệ TP.HCM, CĐN TP.HCM... hằng năm đều tuyển không đủ chỉ tiêu.

Đ.Đ.

____________

Kỳ sau: Nghề nào dễ có việc làm?

QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên