Cách đây hơn 30 năm, khi thấy những người dân còn nghèo khó, không đủ điều kiện cho con cái học hành, sư bà Thích Nữ Diệu Ý (trụ trì chùa thời đó) đã đến nhà từng người dân xin dạy chữ cho các em.
Lớp học tình thương được hình thành từ đó và duy trì nhiều năm liền, là nơi để những trẻ lang thang, cơ nhỡ, nghèo khó được học tập.
Lớp học yêu thương trẻ em nghèo
Theo sư cô Chơn Phú, người quản lý và trông coi các lớp học, trước đây lớp chỉ có vài chục học sinh theo học. Các em học hai môn chính là toán và tiếng Việt, chỉ được học trong phòng học nhỏ đơn sơ.
"Sau hàng chục năm duy trì, nhờ sự hỗ trợ và quan tâm của các nhà hảo tâm, đến nay lớp học đã được xây dựng khang trang hơn. Hiện tại đã có 5 phòng học rộng hơn 30m2, cho độ tuổi theo học từ mẫu giáo đến lớp 5 với số lượng khoảng 170 học sinh", sư cô Chơn Phú nói.
Ngoài ra, hiện nay các em còn được học thêm kỹ năng sống và tiếng Anh vào thứ ba và thứ bảy hằng tuần. Những môn học này do các tình nguyện viên thực hiện. Học sinh học ở đây còn được ăn uống, nghỉ trưa tại chùa hoàn toàn miễn phí.
Em Bùi Diệu An (học sinh lớp 5) bày tỏ: "Mỗi ngày đến học tại đây với em là một niềm vui, các cô ở đây dạy hay lắm, em đã học được nhiều bài học trong suốt gần 5 năm học tại chùa, cảm thấy rất biết ơn các cô đã tận tụy dạy bảo chúng em".
Bạn Phạm Kim Linh, sinh viên năm nhất ngành quản trị khách sạn của Trường đại học Nha Trang, kể trước đây vì gia đình khó khăn, không có điều kiện đến trường nên đã xin đến học tại lớp học tình thương ở chùa Lộc Thọ.
Đến khi hoàn thành chương trình tiểu học tại đây và chuyển tiếp lên các cấp học cao hơn, Linh vẫn thường xuyên trở lại lớp học để phụ giúp các cô chỉ dạy các em nhỏ, phụ giúp các sư cô trong chùa những công việc thường ngày như nấu nướng, dọn dẹp.
"Lớp học tại chùa đã giúp tôi rất nhiều trong học tập. Các cô ở đây luôn tận tâm chỉ bảo cho tôi và các bạn từ những con chữ đầu tiên, để từ những bài học ấy giúp tôi thêm nhiều động lực theo đuổi đam mê của mình trong tương lai", Linh chia sẻ.
Những cô giáo như mẹ hiền
Gần 14 năm gắn bó với các em nhỏ tại đây, cô Bùi Thị Thảo (60 tuổi, giáo viên đã về hưu) cho biết cô vào dạy từ năm 2010. Lúc đó còn thiếu giáo viên nên cô phải một mình ngày đêm soạn bài, giáo án dạy tốt nhất cho các em.
"Học sinh tại đây vốn không được giáo dục đầy đủ từ nhỏ nên việc gắn bó tại đây của tôi là mong muốn cho các em có cơ hội được học con chữ, đầy đủ kiến thức để tiếp tục lên các cấp học cao hơn", cô Thảo nói.
Ngoài việc dạy học, các cô giáo tại đây đều đi vận động, là người kết nối với gia đình các em để các em có thể theo học chương trình chính quy mà không mất bất kỳ khoản chi phí nào.
Đang dạy cho các em mẫu giáo những bài học vỡ lòng, cô Đặng Thị Thu Hương cho hay việc dạy các em ở đây là một khó khăn, khi có nhiều em vì không được yêu thương từ nhỏ nên hay khó bảo và nghịch ngợm.
Là giáo viên từng dạy tiểu học tại TP Cam Ranh, sau khi nghỉ hưu, về sinh sống tại Nha Trang, cô Hương đã tìm đến lớp học để dạy miễn phí cho các em.
"Điều thôi thúc tôi đến với lớp học này là tình yêu thương với các em. Các em đã lớn lên trong sự thiếu thốn, khó khăn nên tôi mong những bài học của mình sẽ là những điều quý giá mà các em luôn ghi nhớ, để trên hành trình trưởng thành, các em sẽ là những người tử tế, xây dựng tương lai tươi đẹp, đóng góp cho xã hội", cô Hương bộc bạch.
Còn anh Lại Đăng Khoa, trưởng nhóm tình nguyện viên, cho biết nhóm tình nguyện ngoài dạy tiếng Anh còn dạy thêm ngoại khóa về kỹ năng sống, bên cạnh đó là các kỹ năng liên quan đến hội họa, âm nhạc, kỹ năng khi bị bắt nạt, xâm hại.
"Chúng tôi đến đây với mong muốn được gieo mầm yêu thương với các em, để các em ở đây có những động lực nhiều hơn với cuộc sống khó khăn hiện tại, từ đó vượt lên chính mình xây dựng tương lai sau này", anh Khoa chia sẻ.
Trường tiểu học Vĩnh Ngọc hỗ trợ về mặt chuyên môn
Các lớp học tại chùa Lộc Thọ được Trường tiểu học Vĩnh Ngọc (TP Nha Trang) hỗ trợ về mặt chuyên môn. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ngọc, cho hay nhà trường luôn hỗ trợ kịp thời công tác chuyên môn nhằm giúp thầy cô giáo lớp học tình thương trong chùa nắm rõ các quy định, thông tư để thực hiện chuyên môn chính xác, đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Sau khi các em được xét hoàn thành chương trình tiểu học, nhà trường phối hợp với thầy cô đang đứng lớp tại lớp học tình thương rà soát hồ sơ và các giấy tờ theo quy định, chuyển hồ sơ lên các trường THCS tại nơi các em đang cư trú để học sinh có thể tiếp tục học lên cấp II", bà Hằng chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Trường Thọ, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, cho biết lớp học tình thương ở chùa Lộc Thọ rất có ý nghĩa với những học sinh nghèo, cơ nhỡ, không đủ điều kiện đến trường học chính quy. "Điều may mắn cho các em là nơi đây luôn có những thầy cô giáo cần mẫn, luôn hết lòng yêu thương, chỉ dạy cho các em những bài học hay, giúp các em thêm vững tin trên bước đường tương lai", ông Thọ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận