19/11/2024 20:52 GMT+7

Lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường

Kênh thương mại điện tử bị lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.

Lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng của TikToker Mailystyle.com - Ảnh: Cục QLTT TP Hà Nội

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia vừa có báo cáo Kiểm soát chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử: Thực trạng và một số khuyến nghị. 

Theo cơ quan này, với cách thức mua hàng trên thương mại điện tử, đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng. Cùng đó, kênh thương mại điện tử bị lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.

Vi phạm trong thương mại điện tử ngày càng tăng

Tổng kết kết quả hoạt động tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết yêu cầu kiến nghị, khiếu nại của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho hay 9 tháng đầu năm 2024, cơ quan này đã tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại liên quan tới thương mại điện tử với 64 vụ, chiếm 9,4% tổng số vụ - là mức tăng cao hơn so với năm 2023 là 5,5%.

Đáng chú ý, thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cho hay 9 tháng đầu năm đã xử lý 2.014 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính lên tới 35,4 tỉ đồng và số tiền trị giá hàng hóa vi phạm là 29,4 tỉ đồng liên quan tới thương mại điện tử.

Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, khung pháp lý hiện nay đã có đầy đủ quy định để quản lý, kiểm soát việc đảm bảo nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên các sàn thương mại điện tử. Tuy vậy, do nguồn lực của cơ quan chức năng có hạn nên nhiều trường hợp sai phạm vẫn lách luật.

Cùng đó, có tình trạng rất nhiều trường hợp người tiêu dùng bị lộ đơn hàng và số điện thoại, dẫn đến những cuộc gọi nhận hàng. Những cuộc gọi này nhằm đánh vào việc một số người mua hàng quen thuộc thường tin tưởng và chuyển khoản tiền vận chuyển hoặc tiền hàng cho người vận chuyển hàng khi không có mặt người nhận. Cuối cùng khách hàng vừa mất tiền mà không được nhận đúng sản phẩm mà mình mong muốn.

Vì vậy, cơ quan cạnh tranh quốc gia cho rằng để tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên sàn, cần có những giải pháp đồng bộ, hợp tác giữa các bên người bán hàng, người mua hàng và cơ quản quản lý nhà nước. 

Tăng trách nhiệm các sàn thương mại điện tử

Trước hết, cần tăng cường trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc cấp phép đăng bán sản phẩm hàng hóa đã cung cấp đủ giấy tờ chứng minh về sản phẩm. 

Kiểm tra những người bán hàng không thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng và các quy định trong quá trình kinh doanh, kiểm tra thực tế hàng hóa, đảm bảo kinh doanh hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ

Các sàn phải đảm bảo các nhà bán hàng công khai thông tin của người bán và thông tin sản phẩm trên kênh bán hàng đầy đủ, chính xác về các mặt hàng. Có những xử phạt nghiêm khắc khi người bán hàng không thực hiện đủ việc cung cấp thông tin, đảm bảo việc bán những mặt hàng không trái với quy định.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng không chia sẻ và tiết lộ những thông tin cá nhân, đặc biệt là các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin cá nhân để lừa đảo, xâm hại đến lợi ích của người tiêu dùng.

Trước khi thực hiện giao dịch, người tiêu dùng cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các giới thiệu, đánh giá về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ quyết định đặt hàng của mình. 

Lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động.

Ủy ban Cạnh tranh: Lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường - Ảnh 3.Thu giữ hàng trăm đồng hồ, túi xách, mắt kính có dấu hiệu giả nhãn hiệu ở chợ Bến Thành

Kiểm tra đột xuất nhiều quầy sạp kinh doanh túi xách, quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ... tại chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) vào lúc chiều tối, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện nhiều điểm bán vi phạm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên