18/06/2024 10:33 GMT+7

Lo phúc lợi giảm, đại biểu đồng tình giữ 2% kinh phí công đoàn

Nhiều đại biểu Quốc hội lo việc giảm kinh phí công đoàn dẫn đến các phúc lợi giảm, ảnh hưởng đến việc thu hút người lao động vào tổ chức công đoàn.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) - Ảnh: QUOCHOI.VN

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) - Ảnh: QUOCHOI.VN

Nhiều ý kiến đại biểu phát biểu thảo luận hội trường về dự Luật Công đoàn sửa đổi (sáng 18-6) đã nêu ý kiến về quy định mức kinh phí công đoàn đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đây cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Quy định không phát sinh nhiều vướng mắc

Điều 29 dự thảo luật quy định: "Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động".

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) bày tỏ đồng thuận cao việc giữ nguồn thu này. Bởi bà cho rằng nguồn kinh phí này chủ yếu trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Mặt khác kinh phí công đoàn được tính vào chi phí của doanh nghiệp, được hạch toán vào giá thành sản phẩm.

Theo một số kết quả nghiên cứu, kinh phí công đoàn chiếm tỉ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (trung bình khoảng 0,38%).

Rất ít doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị đến việc nộp 2% kinh phí công đoàn. Từ đó, bà Trân nhận định: "Kinh phí công đoàn 2% không phải gánh nặng cho doanh nghiệp".

Ngoài ra, nữ đại biểu cho rằng dự luật cũng đã có điều khoản tạm dừng, miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn đối với tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn. Khi đó công đoàn cấp trên vẫn hỗ trợ, bảo vệ, duy trì quyền lợi cho đoàn viên, người lao động.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) - Ảnh: QUOCHOI.VN

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) - Ảnh: QUOCHOI.VN

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho rằng nguồn kinh phí công đoàn được sử dụng mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Nguồn này thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

"Tài chính công đoàn độc lập, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước là một nội dung quan trọng của các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đã trở thành thông lệ. Nếu giảm kinh phí công đoàn sẽ dẫn đến các phúc lợi giảm, ảnh hưởng đến việc thu hút, tổng hợp người lao động vào tổ chức công đoàn", ông Minh nói thêm.

Không áp cứng tỉ lệ phân phối kinh phí công đoàn

Trong tờ trình về dự án Luật Công đoàn sửa đổi, cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án phân phối kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Phương án 1 giao Chính phủ quy định chi tiết. Phương án 2 quy định cụ thể tỉ lệ phân phối kinh phí công đoàn đối với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (là 25% - 75%).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) - Ảnh: QUOCHOI.VN

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) - Ảnh: QUOCHOI.VN

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng đây là nội dung quan trọng nên quy định ngay trong luật (phương án 2). Việc quy định cụ thể tỉ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn.

Dù vậy để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở (nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động), bà Nga đề nghị không quy định cứng tỉ lệ 25% và 75% như dự luật.

Thay vào đó có sự linh hoạt trong việc quy định tỉ lệ phân bổ kinh phí công đoàn theo tỉ lệ tối thiểu và tối đa. Cụ thể, đề nghị xem xét quy định kinh phí công đoàn do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Cùng ý kiến này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng tỉ lệ phân bổ cần bám sát tinh thần nghị quyết 18 của trung ương là rà soát, sửa đổi cơ chế quản lý tài chính, nguồn kinh phí công đoàn bảo đảm quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả.

Đồng thời bám sát thực tế hoạt động của công đoàn các cấp và dự liệu các vấn đề phát sinh trong thời gian tới.

Theo ông Thông, việc không quy định cứng tỉ lệ (mà quy định theo hướng tối thiểu 75% và tối đa 25%) sẽ bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.

Tổng liên đoàn giải trình băn khoăn của đại biểu về kinh phí công đoàn 2%Tổng liên đoàn giải trình băn khoăn của đại biểu về kinh phí công đoàn 2%

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hiện của người lao động khoảng 5,7 triệu đồng/tháng, trong 1 năm doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn khoảng 1,4 triệu đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên