06/04/2021 12:13 GMT+7

Liệu có ‘chân trong, chân ngoài’ trong việc lấn rừng phòng hộ xây công trình, biệt thự?

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Liên quan những vụ phá rừng phòng hộ làm đường, xây khu nghỉ dưỡng… gần đây tại Đắk Nông, dư luận đặt câu hỏi liệu có ‘chân trong, chân ngoài’ chỉ đường vạch lối cho vi phạm hay không?

Liệu có ‘chân trong, chân ngoài’ trong việc lấn rừng phòng hộ xây công trình, biệt thự? - Ảnh 1.

Không hiểu nổi, một tuyến đường bọc hồ rộng thênh thang, dài 2km làm trong nhiều ngày mà không bị xử lý cho đến khi báo chí thông tin - Ảnh: TRUNG TÂN

Liên quan đến vụ tự ý mở đường, huỷ hoại 5.600m2 rừng phòng hộ, sáng 6-4, lãnh đạo UBND TP Gia Nghĩa cho biết vẫn đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý hai người dân tự ý mở đường, hủy hoại đất.

Trước đó, Hạt kiểm lâm TP Gia Nghĩa đã xử phạt ông Nguyễn Thế Hưng, trú tại thôn 3, Nhân Cơ (Đắk R’Lấp, Đắk Nông) và ông Phạm Văn Thắng, trú tại phường Nghĩa Phú (TP Gia Nghĩa) với tổng số tiền 22 triệu đồng về hành vi hủy hoại rừng.

"Phòng chuyên môn đang tham mưu quyết định xử phạt, buộc khôi phục hiện trạng về hành vi hủy hoại đất của hai ông này", lãnh đạo này nói.

Liệu có ‘chân trong, chân ngoài’ trong việc lấn rừng phòng hộ xây công trình, biệt thự? - Ảnh 2.

Tuyến đường này uốn quanh khu đất doanh nghiệp mua gom, tính lập dự án - Ảnh: TRUNG TÂN

Liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ thủy điện Đắk R’Tih xây khu nghỉ dưỡng trên địa bàn thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’Lấp, Đắk Nông), sáng cùng ngày, ông Phan Nhật Thanh - chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp - khẳng định địa phương đã có kết luận và hướng xử lý.

Theo đó, UBND huyện phê bình các phòng chuyên môn, xã Nhân Cơ đã thiếu trách nhiệm, để xảy ra vụ lấn chiếm, xây biệt thự trái phép. Huyện yêu cầu ngành chức năng lập hồ sơ để xử lý theo quy định.

Liệu có ‘chân trong, chân ngoài’ trong việc lấn rừng phòng hộ xây công trình, biệt thự? - Ảnh 3.

Phá rừng phòng hộ, xây biệt thự kiên cố như chốn không ai quản lý - Ảnh: TRUNG TÂN

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu các vụ lấn chiếm, hủy hoại đất, rừng xảy ra tại Đắk Nông bị phát hiện chậm, hậu quả đã nặng nề.

Trước đó, trong năm 2020, tại huyện Đắk G’Long (Đắk Nông) có nhiều vụ doanh nghiệp ủi đất, phá rừng xây dựng công trình, dự án trong thời gian dài mới bị lập hồ sơ, xử phạt.

Hay như tại Đắk Song, Doanh nghiệp tư nhân Bắc Sang tự ý ủi cả quả đồi dọc quốc lộ 14 để ‘quy hoạch khu dân cư’ rồi mới bị phát hiện. Và do ‘việc khôi phục hiện trạng là không thể’, tỉnh Đắk Nông cho Bắc Sang lập hồ sơ để thực hiện dự án khu dân cư.

Tại sao hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm như vậy mà chậm bị phát hiện, xử lý. Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý của ngành chức năng và chính quyền địa phương, dẫn đến chuyện ‘con voi chui lọt lỗ kim’. Tuy nhiên, dư luận cũng nghi ngờ có ‘chân trong chân ngoài’ mách nước để các cá nhân vi phạm, bị xử phạt rồi hợp thức hóa…

Ví như vụ phá 5.600m2 rừng phòng hộ, trả lời phóng viên Tuổi Trẻ Online, Chủ tịch UBND TP Gia Nghĩa Đỗ Tấn Sương xác định hai người dân ‘tự ý mở đường là để chở nông sản cho tiện’, cam kết sẽ bồi thường thiệt hại.

Thế nhưng, thật vô tình, con đường này lại bọc quanh ‘dự án khu nghỉ dưỡng ven hồ’ do Công ty cổ phần DOSA GROUP đề xuất và được UBND TP Gia Nghĩa nhiệt tình ủng hộ. UBND TP Gia Nghĩa đã làm tờ trình, tổ chức họp và thống nhất đưa dự án này vào kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của địa phương này.

Liệu có ‘chân trong, chân ngoài’ trong việc lấn rừng phòng hộ xây công trình, biệt thự? - Ảnh 4.

Khu nghỉ dưỡng không phép trên đất rừng phòng hộ không xử lý được do người vi phạm không hợp tác - Ảnh: TRUNG TÂN

Trả lời câu hỏi về việc có hay không việc mua gom đất của DOSA GROUP, ông Sương nói ‘chưa nghe’.

Hay như vụ ông Ngô Trần Hoàng Long (ngụ phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) lên thôn 8 (xã Nhân Cơ, Đắk R’Lấp) mua gom đất rồi tự ý lấn chiếm, hủy hoại khoảng 800m2 đất rừng phòng hộ chỉ bắt đầu bị xử lý mạnh khi báo chí ‘xướng tên’.

Lãnh đạo UBND xã Nhân Cơ cho biết đã làm hết trách nhiệm nhưng mấy tháng trôi qua huyện vẫn chưa xử lý. Trả lời về việc này, ông Phan Nhật Thanh - chủ tịch UBND huyện Đắk R’Lấp - khẳng định không phải huyện thiếu trách nhiệm mà… người vi phạm không hợp tác. Việc xử lý vi phạm cần thực hiện đúng các quy định, quy trình và huyện đã cho mời người vi phạm làm việc, sẽ kiên quyết xử lý.

Vậy, nếu các vụ nêu trên không bị người dân phát hiện, báo chí đưa thông tin khiến dư luận quan tâm thì các vi phạm có bị xử lý?

Một câu hỏi khác: Việc xử lý vi phạm sẽ như thế nào, có kiên quyết hay lại cho hợp thức hóa như nhiều trường hợp hủy hoại đất đã từng xảy ra ở Đắk Nông? Phần trả lời xin gửi đến những lãnh đạo cao nhất của tỉnh Đắk Nông, nhằm ngăn chặn tình trạng ‘chân trong, chân ngoài’ trong các vụ vi phạm về quản lý đất đai.

Doanh nghiệp mua gom đất, rồi được chính quyền xin Doanh nghiệp mua gom đất, rồi được chính quyền xin 'hợp thức hóa' thành dự án?

TTO - Doanh nghiệp âm thầm mua gom đất và "quy hoạch" khu đô thị ven hồ rồi được UBND TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) chấp nhận, làm tờ trình theo đề nghị này.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên