Khu nghỉ dưỡng được xây dựng kiên cố ven hồ thủy điện Đắk R’Tih nhưng không bị ngăn chặn - Ảnh: TR.TÂN
Trong khi vụ tự ý ủi đường hủy hoại hơn 5.600m2 rừng phòng hộ tại TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) chưa tìm ra thủ phạm thì ngày 1-4, người dân tiếp tục phản ánh có vụ phá rừng phòng hộ xây khu nghỉ dưỡng còn "hoành tráng" hơn.
Phá rừng, xây biệt thự không phép
Tại khu vực bờ hồ thủy điện Đắk R’Tih (thôn 8, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp) hiện có nhiều công trình kiên cố như biệt thự, khu nghỉ dưỡng ven hồ đã và đang hình thành.
Người dân cho biết cách đây gần 1 năm, một người từ TP.HCM lên mua đất rẫy gần khu vực này để canh tác cà phê. Tuy nhiên, sau đó ông này mở đường, san lấp và xây dựng hàng loạt nhà ở kiên cố ngay trên rừng phòng hộ thuộc lòng hồ thủy điện Đắk R’Tih.
Theo Công ty thủy điện Đắk R'Tih, tất cả hạng mục vi phạm đều nằm trên đất rừng phòng hộ, lòng hồ thủy điện do đơn vị này quản lý - Ảnh: TR.TÂN
Theo quan sát, có hai biệt thự hướng ra hồ thủy điện đã hoàn thiện, một nhà gỗ (dạng nhà hàng nổi) đang xây dựng sát mép nước. Ngoài ra, nhiều vật liệu xây dựng đã được tập kết để chuẩn bị xây dựng các hạng mục khác…
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, người tự ý mở đường, xây dựng biệt thự trên đất rừng phòng hộ là ông Ngô Trần Hoàng Long (ngụ phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM).
Bà Phạm Thị Ánh - trưởng phòng tổ chức hành chính Công ty thủy điện Đắk R’Tih - cũng khẳng định khu vực đất mà ông Long tự ý xây dựng nhà biệt thự và nhà nổi đều nằm trong phần đất của công ty thủy điện.
"Khi phát hiện ông Long lấn chiếm đất rừng, lòng hồ xây công trình kiên cố, công ty đã trình báo nhưng chính quyền địa phương thiếu quyết liệt nên việc vi phạm càng nghiêm trọng. Chúng tôi đề nghị ngành chức năng buộc ông Long phải tháo dỡ công trình vi phạm, tránh việc hợp thức hóa, tạo tiền lệ xấu cho công tác vận hành lòng hồ", bà Ánh đề nghị.
Đường bêtông, công trình kiên cố đâm xuyên qua rừng phòng hộ - Ảnh: TR.TÂN
Xã báo đã 3 tháng nhưng huyện chưa xử lý
Trả lời vấn đề này, ông Phạm Văn Quân - phó chủ tịch UBND xã Nhân Cơ - cho biết nhận phản ánh của công ty, ngày 24-12-2020, địa phương đã đến kiểm tra, thực địa và lập biên bản hiện trường. Ngày 28-12-2020, xã đã có báo cáo gửi UBND huyện Đắk R’Lấp xin ý kiến chỉ đạo việc xử lý vi phạm.
Đến ngày 21-1-2021, UBND xã Nhân Cơ tiếp tục cùng ngành chức năng họp, xin giải pháp nhưng đến nay các đơn vị cấp huyện và UBND huyện chưa có bất cứ văn bản trả lời, hướng dẫn xử lý nào.
Trả lời việc này, lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Đắk R'Lấp cho biết đến nay (ngày 31-3) vẫn chưa nhận được chỉ đạo từ huyện và báo cáo của UBND xã Nhân Cơ, nên "sẽ cho anh em kiểm tra ngay".
Trong khi đó, ngày 2-4, ông Phan Nhật Thanh - chủ tịch UBND huyện Đắk R'Lấp - cho biết không phải huyện không chỉ đạo, mà do chủ hộ vi phạm "không hợp tác" nên... chưa có hướng giải quyết.
Những công trình kiên cố xây dựng không phép trên đất rừng phòng hộ - Ảnh: TR.TÂN
Theo ông Thanh, từ tháng 12-2020, nhận được thông tin từ UBND xã Nhân Cơ, các ngành chức năng huyện đã xuống hiện trường, hướng dẫn địa phương thực hiện các bước theo quy định để xác định hành vi của chủ hộ (ông Long - PV). Tuy nhiên, dù nhiều lần liên lạc nhưng ông Long né tránh, không tới làm việc nên chưa thể xử lý.
"Vừa qua, khi cơ quan báo chí nhắc lại vấn đề này, tôi đã chỉ đạo các phòng chức năng làm quyết liệt. Huyện sẽ ra văn bản mời ông Long và UBND xã Nhân Cơ, Công ty thủy điện Đắk R'Tih đến làm việc, xác định ranh giới để có hướng xử lý triệt để.
Công ty thủy điện, xã Nhân Cơ nói ông Long lấn chiếm lòng hồ, phá rừng nhưng huyện cũng để ông này đưa giấy tờ, được trình bày lại việc xây dựng nhà, sai đến đâu mới xử đến đó", ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, quan điểm của huyện là làm rành mạch, dứt điểm, xử lý triệt để nhằm thông tin sớm đến dư luận.
"Trong trường hợp vi phạm, huyện sẽ yêu cầu ông Long tự giác trả lại mặt bằng. Trường hợp không hợp tác sẽ tiến hành các bước tuyên truyền, vận động hoặc các biện pháp cứng rắn hơn", ông Thanh cho biết.
Rừng phòng hộ ven hồ thủy điện Đắk R’Tih liên tục bị hủy hoại
Vụ hủy hoại rừng tại xã Đắk R'Moan (TP Gia Nghĩa) chưa tìm ra thủ phạm - Ảnh: TR.TÂN
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đắk Nông (đơn vị chủ đầu tư trồng rừng bán ngập dọc lòng hồ thủy điện Đắk R’Tih) - cho biết khi thủy điện Đắk R’Tih hoàn thành, đơn vị đã trồng hơn 160ha rừng phòng hộ bán ngập (1.100 cây/ha, chi phí 80 triệu đồng/ha).
Tuy nhiên, gần đây liên tục xảy ra các vụ xâm hại đất, rừng phòng hộ và lòng hồ thủy điện Đắk R’Tih.
Trước đó, ngày 4-3, Công ty thủy điện Đắk R’Tih cũng phát hiện một cá nhân tự ý mở đường san lấp đất đá tại xóm 6, thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’Moan, TP Gia Nghĩa và hủy hoại hơn 5.600m2 rừng phòng hộ ven hồ Đắk R’Tih.
Tại khu vực này, một doanh nghiệp cũng đang gom đất với ý định mở khu nghỉ dưỡng ven hồ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận