05/12/2017 12:08 GMT+7

Liên đoàn nhà báo và hồ sơ PARADISE - Kỳ 3: Đủ chiêu trò lách thuế

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Đảo Man là lãnh thổ tự trị thuộc hoàng gia Anh, rộng 570km2 (tức chỉ hơn 1/4 diện tích TP.HCM) với số dân ít ỏi 88.000 người, thế nhưng đảo Man có đến 1.000 máy bay tư nhân đăng ký.

Liên đoàn nhà báo và hồ sơ PARADISE - Kỳ 3: Đủ chiêu trò lách thuế - Ảnh 1.

Ảnh đăng trên báo Đức Süddeutsche Zeitung tiết lộ Hãng Nike lách thuế

Hà Lan hiện là “thiên đường thuế” số 1, tiếp nhận hàng trăm tỉ USD lợi nhuận từ các công ty đa quốc gia Mỹ thu được ngoài nước Mỹ

Nhà kinh tế học Pháp Gabriel Zucman

Ông Brian Johnson, người giữ sổ đăng ký, cho biết đảo Man được cấp phép đăng ký máy bay từ năm 2007. Năm đầu chỉ có 51 máy bay đăng ký, còn hiện nay số lượng đã chẵn 1.000 máy bay.

Ai muốn mua máy bay hãy đến đảo Man

Nguyên nhân máy bay tư nhân ồ ạt đến đảo Man đăng ký vì thủ tục đăng ký đơn giản và chủ máy bay được hoàn thuế VAT nếu chứng minh khai thác máy bay vì mục đích thương mại. Nếu chủ không cho thuê máy bay, Công ty luật Appleby sẽ giúp một tay. 

Cách làm như sau: thành lập công ty bình phong trên đảo Man, sau đó công ty này nhập khẩu máy bay và làm hợp đồng cho thuê. Công ty chỉ cần một người làm chủ (chủ máy bay) là đúng luật.

Các nhà báo của tờ The Guardian (Anh) và Đài phát thanh France Inter (Pháp) tham gia khai thác hồ sơ Paradise đã đối chiếu thông tin với hải quan đảo Man. Hải quan cho biết từ tháng 10-2011 đến tháng 3-2017, tổng số tiền hoàn thuế VAT cho các chủ máy bay lên đến 1 tỉ USD.

Ví dụ tiêu biểu là Tập đoàn hàng không - không gian Dassault Aviation của Pháp. Hồ sơ Paradise tiết lộ Dassault chắc chắn biết Công ty luật Appleby lách luật để giúp tỉ phú Nga Oleg Tinkov được hoàn thuế VAT sau khi mua máy bay của Dassault.

Oleg Tinkov, chủ đội đua xe đạp Tinkoff-Saxo của Nga, muốn mua máy bay riêng để phục vụ đội. Giữa năm 2013 đến 2016, ông mua lần lượt ba máy bay Falcon của Dassault trị giá 114 triệu USD và đã lập các công ty bình phong để được hoàn thuế VAT.

Lúc mua chiếc máy bay Falcon 2000 LX đầu tiên với giá 28 triệu USD, ông lập hai công ty Stark Limited đăng ký ở đảo Man (thuế doanh nghiệp 0%) và Moonfield Trading đăng ký ở quần đảo Virgin. 

Đến ngày 3-12-2013, các luật sư của Công ty luật Appleby đã giúp làm hợp đồng về việc Stark Limited vay 28 triệu USD của Moonfield Trading mua một máy bay Falcon 2000 LX và cho Moonfield Trading thuê máy bay.

Với kịch bản hợp pháp như thế, Tinkov làm chủ cả hai công ty, khỏi phải trả 20% thuế VAT tại Pháp hay bất kỳ nước nào thuộc Liên minh châu Âu. 

Trong hai lần mua sau với chiếc Falcon 900LX giá 38 triệu USD năm 2014 và chiếc Falcon 7X giá 48 triệu USD năm 2016, Tinkov cũng thực hiện kịch bản như thế.

Trong cả ba lần mua máy bay của Tinkov, Hãng Dassault đã dễ dãi ghi bên dưới hóa đơn: "Được miễn thuế VAT theo điều 262 khoản 1 theo bộ luật chung về thuế của Pháp". 

Giữa năm 2009-2012, Dassault cũng đã lập chi nhánh trên đảo Man để mua chính máy bay của Dassault bán lại khách hàng.

Liên đoàn nhà báo và hồ sơ PARADISE - Kỳ 3: Đủ chiêu trò lách thuế - Ảnh 3.

Tỉ phú Nga Oleg Tinkov (khoanh tay) cùng đội đua xe đạp Vòng quanh nước Pháp - Ảnh: francetvinfo.fr

Appleby - Estera là ai?

50% dữ liệu của hồ sơ Paradise (6,8 triệu tài liệu) là tài liệu nội bộ của Công ty luật Appleby. Trên trang web của công ty, Appleby hãnh diện tự giới thiệu là một trong các nhà cung cấp dịch vụ ngoài biên giới (offshore) hợp pháp lớn nhất thế giới.

Appleby được luật sư người Anh Reginald Woodfield Appleby thành lập ở quần đảo Bermuda (lãnh thổ hải ngoại của Anh) từ năm 1888. Đến năm 1979, công ty bắt đầu mở rộng ra quốc tế và đến nay đã mở văn phòng luật tại 10 nước, sử dụng hơn 700 nhân viên. 

Văn phòng được đặt tại các lãnh thổ có chính sách thuế ưu đãi như quần đảo Bermuda, đảo Man, đảo Jersey, đảo Mauritius, quần đảo Seychelles.

Appleby chú trọng tư vấn cho khách hàng cao cấp và nghiên cứu rất kỹ luật pháp của nơi đặt văn phòng để quảng bá dịch vụ phù hợp. Ví dụ văn phòng Appleby tại đảo Man sẽ khuyên những người có máy bay riêng nên chuyển đến đây đăng ký.

Appleby cung cấp nhiều dịch vụ như thành lập công ty cho khách hàng muốn hưởng chế độ ưu đãi thuế cho người hai quốc tịch, lập công ty bình phong để miễn thuế VAT, lập công ty ủy thác gia đình để quản lý tài sản, di sản, lập công ty về quyền tác giả được thừa kế.

Từ tháng 1-2016, Appleby tách ra thành lập Công ty ủy thác Estera. Khách hàng chủ yếu là các nhà chính trị, nhà ngoại giao, quan chức ngành tư pháp. Để bảo đảm nguồn gốc tài sản khách hàng là hợp pháp, Appleby - Estera xác minh hồ sơ rất tỉ mỉ mới ký hợp đồng. 

Hồ sơ Paradise cho thấy ngày 22-4-2014, các luật sư tại văn phòng Bermuda đã lập một danh sách các doanh nghiệp có vấn đề như không cung cấp hồ sơ chứng minh hay thiếu thông tin kéo dài 10 năm.

Tổng cộng có 150 nhà chính trị và chủ doanh nghiệp là khách hàng của Appleby có tên trong hồ sơ Paradise. Phần lớn địa chỉ khách hàng ở Mỹ, kế đến ở Anh và quần đảo Bermuda. Số lượng tập trung đông nhất ở quần đảo Cayman, kế đến tại Hong Kong, Trung Quốc, Canada, đảo Man, Thụy Sĩ và quần đảo Virgin.

Đây không phải lần đầu Appleby bị bêu tên. Năm 2010, Tổ chức Mạng công bằng thuế ở Anh đã từng công bố báo cáo chỉ trích Appleby ma mãnh vận dụng luật pháp tại các địa phương thiếu minh bạch về pháp lý. 

Hồ sơ Paradise tiết lộ một báo cáo kiểm toán của cơ quan tài chính Bermuda đã chỉ đích danh Appleby "không thực hiện các biện pháp kiểm soát cần thiết sau báo cáo năm 2013 của cơ quan đấu tranh chống rửa tiền và đầu tư cho khủng bố".

Vấn đề mà hồ sơ Paradise đặt ra là tính hợp pháp của các cách thức giúp những người có nhiều tài sản lách thuế của Appleby - Estera có giới hạn đến đâu và có thể chấp nhận được hay không?

Liên đoàn nhà báo và hồ sơ PARADISE - Kỳ 3: Đủ chiêu trò lách thuế - Ảnh 4.

Công ty luật Appleby-Estera tại Bermuda chiêu đãi khách hàng - Ảnh: Bernews

Cấu trúc hai đầu

Sau khi hồ sơ Paradise được công bố ngày 5-11-2017, Chính phủ Hà Lan thông báo sẽ xem xét lại 4.000 hợp đồng thuế đã ký với các tập đoàn đa quốc gia.

Hồ sơ Paradise tiết lộ Hãng Nike của Mỹ đã lập cấu trúc hai đầu để tối ưu hóa thuế. Với tiền bán hàng ở châu Âu, Nike đã chuyển tiền đến hai công ty trách nhiệm hữu hạn lập ở Hà Lan vì thuế ở đây cực kỳ thấp và Hà Lan sẵn sàng cho đăng ký lập các công ty bình phong.

Nike còn giảm lợi nhuận bằng cách chi tiền "nhượng quyền khai thác" cho các chi nhánh của Nike ở châu Âu và chuyển thu nhập đến "thiên đường thuế" ở Bermuda, nơi không đánh thuế thu nhập từ tiền nhượng quyền.

Phản ứng với hồ sơ Paradise, ban giám đốc Hãng Nike khẳng định: "Nike tôn trọng đầy đủ các quy định về thuế...".

*****************

Kỳ tới: Điều tra xuyên quốc gia

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên