25/07/2024 09:47 GMT+7

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ở nhiều quốc gia

DUY LINH
và 1 tác giả khác

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trang trọng tại các cơ quan đại diện Việt Nam trải dài trên khắp các múi giờ. Tất cả đều cùng bày tỏ niềm tiếc thương, dành sự tri ân với Tổng Bí thư trong sổ tang.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ở nhiều quốc gia- Ảnh 1.

Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel viết sổ tang - Ảnh: TTXVN

Theo TTXVN, sáng 24-7 (giờ địa phương), Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Cuba đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở La Habana.

Tháp tùng Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel còn có Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz, các ủy viên Bộ Chính trị cùng nhiều quan chức cấp cao khác.

Tại lễ viếng, ông Miguel Díaz-Canel khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là mất mát không gì bù đắp với nhân dân Cuba. Cá nhân ông và nhiều lãnh đạo cấp cao Cuba khác có mặt tại lễ viếng ở đại sứ quán đều đã có dịp gặp và làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đồng chí rất thân thiết, người anh em chí tình của nhân dân Cuba.

Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tài liệu tham khảo quý báu mà ông luôn trân trọng đặt trong phòng làm việc.

"Trong giờ phút đau thương này, chúng tôi hoàn toàn tin rằng những đóng góp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ còn mãi ghi dấu trong sự nghiệp của Đảng và nhân dân Việt Nam. Mãi mãi tưởng nhớ người bạn chân tình!", Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel bày tỏ trong sổ tang.

Cùng chung cảm nhận, Phó chủ tịch nước Cuba Salvador Valdés Mesa khẳng định: "Toàn Đảng, toàn dân Cuba đồng hành cùng Việt Nam trong thời khắc xúc động sâu sắc này. Cuba sẽ luôn sát cánh bên Việt Nam, như Tổng tư lệnh Fidel Castro từng nói: Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!".

Lào tổ chức Lễ Quốc tang tưởng niệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 25-7, Lễ Quốc tang tưởng niệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được tổ chức trang trọng tại trụ sở Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Lào, trụ sở Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ở nhiều quốc gia- Ảnh 2.

Cán bộ, nhân viên Văn phòng Thủ tướng Lào tưởng niệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ Quốc tang - Ảnh: TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sáng 25-7, bắt đầu bằng nghi thức kéo cờ rủ, các cán bộ, nhân viên của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Lào đã dành một phút mặc niệm bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đã có những đóng góp to lớn và quan trọng cho việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước không ngừng phát triển.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Lào Bouakhong Nammavong, Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào mất đi một người bạn gần gũi và thân thiết nhất. Vì vậy, Đảng và Chính phủ Lào nhất trí để tang cấp quốc gia ở Lào, bao gồm cả Đại sứ quán Lào và các cơ quan đại diện ngoại giao Lào ở nước ngoài.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ở nhiều quốc gia- Ảnh 3.

Các cán bộ, nhân viên Văn phòng Trung ương Đảng (Lào) dành một phút mặc niệm, bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: TTXVN

Bắt đầu từ ngày 25-7, các bộ, ngành, cơ quan từ Trung ương đến địa phương, Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam, gửi điện chia buồn và tổ chức đoàn tham gia lễ viếng, ghi sổ tang tại Đại sứ quán và Tổng lãnh sự Việt Nam ở các địa phương trên cả nước Lào. Các tỉnh kết nghĩa của Lào với Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh cũng gửi điện chia buồn đến Việt Nam.

Trong nhiều ngày gần đây, các cơ quan truyền thông, báo chí lớn của Lào đều đăng tải rất nhiều tin, bài viết, phỏng vấn, phim tài liệu với nội dung nói về những đóng góp to lớn, quan trọng của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ở nhiều quốc gia- Ảnh 4.

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nam Phi tại lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: TTXVN

Tại Nam Phi, chiều 24-7, ông Solly Mapaila, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nam Phi, đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Pretoria viếng và ghi sổ tang chia buồn.

Trong sổ tang, Tổng bí thư Solly Mapaila nhấn mạnh Đảng Cộng sản Nam Phi sẽ luôn ghi nhớ những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, kế thừa, nối tiếp truyền thống lịch sử đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đảng Cộng sản Nam Phi cũng tự hào ghi nhận những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho cuộc đấu tranh quốc tế của giai cấp công nhân vì chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo nhân dân Việt Nam anh hùng xây dựng chủ nghĩa xã hội tự cường và bền vững.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ở nhiều quốc gia- Ảnh 5.

Đoàn kiều bào Việt Nam ở Washington đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ - Ảnh: TTXVN

Tại Mỹ, đại diện các cơ quan chính quyền Mỹ, ngoại giao đoàn, các hiệp hội, công ty và tập đoàn lớn cùng đại diện bà con Việt kiều đã đến viếng và ghi sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Đại sứ quán Việt Nam tại Washington.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ở nhiều quốc gia- Ảnh 6.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink, người là đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2017 đến năm 2021, nghiêng mình trước di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ - Ảnh: TTXVN

Thay mặt Bộ Ngoại giao Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink bày tỏ sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc trước những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Ông Kritenbrink khẳng định tầm nhìn chiến lược, vai trò lãnh đạo cùng tình cảm chân thành của Tổng Bí thư là cơ sở quan trọng để Việt Nam và Mỹ làm sâu sắc thêm tin cậy chính trị và đạt nhiều thành tựu vượt bậc trong hơn một thập kỷ. Tiêu biểu là việc xác lập quan hệ Đối tác toàn diện và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Ông Kritenbrink khẳng định Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ cùng các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam tiếp nối, phát huy nỗ lực của Tổng Bí thư và các thế hệ lãnh đạo hai bên nhằm vun đắp cho quan hệ hai nước.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ở nhiều quốc gia- Ảnh 7.

Cựu bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: TTXVN

Ông Chuck Hagel, cựu bộ trưởng Bộ Quốc phòng (2013-2015) và ông Kelly McKeague, giám đốc Cơ quan tìm kiếm tù binh và quân nhân mất tích của Bộ Quốc phòng Mỹ, đánh giá cao đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với quá trình hàn gắn, xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.

Hai ông cũng đề cao chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ năm 2015, cũng như phương châm gác lại quá khứ, hướng tới tương lai mà Tổng Bí thư đã khẳng định nhân dịp này; nhấn mạnh đây là một trong những nguyên tắc căn bản của quan hệ hai nước.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ở nhiều quốc gia- Ảnh 8.

Toàn quyền Úc Sam Mostyn đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Sydney, Úc - Ảnh: VOV

Tại Úc, sáng 25-7 (giờ địa phương), Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Sydney đã tổ chức lễ viếng và mở sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Toàn thể cán bộ đang công tác tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở Sydney, đại diện kiều bào đã đến tham dự lễ viếng.

Toàn quyền Úc Sam Mostyn cũng đến tổng lãnh sự quán để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong sổ tang, bà Sam Mostyn khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp quan trọng để Úc và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

"Hôm nay tôi đến đây để thay mặt người dân Úc ký sổ tang, chia buồn về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Úc khi chúng ta là Đối tác chiến lược toàn diện của nhau. Tôi hy vọng trong nhiệm kỳ của mình có thể đến thăm Việt Nam, đất nước mà tôi đã từng có dịp đến thăm trước đây", bà Sam Mostyn nói với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ở nhiều quốc gia- Ảnh 9.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia ở Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tại Hàn Quốc, sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul tổ chức lễ viếng và mở sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại diện nhiều bộ, ngành, đại sứ quán đã đến viếng. Ngoài ra còn có lãnh đạo các hãng thông tấn, báo chí và các tổ chức chính trị xã hội của Hàn Quốc như Đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền (PPP), hãng thông tấn Yonhap, Hội nhà báo Hàn Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KCCI),… 

Đến viếng, đặt vòng hoa viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp của Hàn Quốc như tập đoàn Samsung, tập đoàn Lotte, tập đoàn Shinhan Financial Group, Công ty Daewoo E&C, Tập đoàn Huyndai Motor. Lãnh đạo KBD bank, Tập đoàn SK gửi vòng hoa viếng.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ở nhiều quốc gia- Ảnh 10.

Các tập đoàn, tổng công ty và công ty Hàn Quốc do ông Shin Dong Bin, chủ tịch tập đoàn Tập đoàn Lotte, làm trưởng đoàn đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc - Ảnh: TTXVN

Trong sổ tang, đại diện các nước, các tập đoàn, tổ chức tại Hàn Quốc đều bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến, cũng như Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. 

Đến viếng và ghi sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có đông đảo bà con kiều bào, các thế hệ người Việt Nam đang học tập và làm việc tại Hàn Quốc.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, Algeria cũng đã treo cờ rủ, thông báo mở sổ tang và tổ chức lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày 24-7 theo giờ địa phương.

Thủ tướng Thái Lan và Công chúa Brunei viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 25-7, trong ngày đầu tiên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức lễ viếng, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cùng đại diện nhiều bộ, ngành Thái Lan đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan dâng vòng hoa viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ở nhiều quốc gia- Ảnh 11.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin viết sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan - Ảnh: TTXVN

Trong sổ tang, Thủ tướng Srettha Thavisin viết: “Thay mặt Chính phủ và nhân dân Thái Lan, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mọi suy nghĩ và lời cầu nguyện của chúng tôi đều dành cho gia đình của Tổng Bí thư, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong khoảng thời gian đầy đau thương mất mát này”.

Đông đảo bà con kiều bào cùng đại sứ nhiều nước tại Thái Lan đã đến viếng và ghi vào sổ tang những dòng bày tỏ sự kính trọng, niềm tiếc thương với Tổng Bí thư.

Tại Brunei cũng trong ngày 25-7, Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức lễ viếng và mở sổ tang Tổng Bí thư. Công chúa Hajah Masna, em gái Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, thay mặt Hoàng gia và Chính phủ Brunei đến viếng, ghi sổ tang Tổng Bí thư.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ở nhiều quốc gia- Ảnh 12.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Algeria - Ảnh: TTXVN

Đại diện các cơ quan chính quyền Singapore, ngoại giao đoàn, các hiệp hội, công ty và đông đảo bà con người Việt tại Singapore đã đến viếng và ghi sổ tang tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore.

Là người đã nhiều lần gặp và trò chuyện với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lần gần đây nhất là tháng 8-2023, ông Lý Hiển Long - Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân (PAP), Bộ trưởng cao cấp, nguyên Thủ tướng Singapore đã đến viếng và ghi sổ tang. 

Tổng Thư ký đảng Nhân dân Hành động Singapore Lý Hiển Long viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn với nhân dân Việt Nam ngày 25-7 - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO

Tổng Thư ký đảng Nhân dân Hành động Singapore Lý Hiển Long viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn với nhân dân Việt Nam ngày 25-7 - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO

"Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất của tôi về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo tận tụy đã phụng sự Việt Nam một cách xuất sắc. Ông đã dẫn dắt Việt Nam đạt được những tiến bộ to lớn về đối nội và tăng cường vị thế trên trường quốc tế. Ông đã có những đóng góp to lớn cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới người dân Việt Nam trong thời khắc đau buồn này”, ông viết trong sổ tang.

Chia sẻ với Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng, ông Lý Hiển Long bày tỏ tình cảm trân quý đối với cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời tin tưởng rằng quan hệ Việt Nam - Singapore sẽ tiếp tục phát triển như ý nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo Bộ Ngoại giao, tính đến tối 25-7 đã có hơn 20 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức lễ viếng, mở sổ tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngoài các cơ quan đại diện kể trên, lễ viếng và sổ tang cũng được mở tại Saudi Arabia, Bangladesh, Campuchia, Malaysia, Philippines, Sri Lanka, Triều Tiên, Iran, Nhật Bản, Ấn Độ, Liên Hiệp Quốc.

Hàng trăm điện, thư chia buồn quốc tế

Được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, lãnh đạo nhiều nước, các đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản trên thế giới, các đảng đối tác đã gửi điện, thư chia buồn đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân Việt Nam.

Tính đến hết ngày hôm qua 24-7, đã có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ, 19 tổ chức/diễn đàn quốc tế với tổng số 285 điện, thư và thông điệp chia buồn. Trong đó có 87 điện, thư chia buồn qua kênh Đảng, hơn 100 qua kênh Nhà nước và gần 100 qua kênh nhân dân.

Tuổi Trẻ Online đang tiếp tục cập nhật.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và cách Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cách 'ngoại giao tâm công'

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, người không ít lần được làm việc trực tiếp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh Tổng bí thư là hiện thân của truyền thống "ngoại giao tâm công" của Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên