Kẹt xe đôi khi đến từ sự phân bổ bất hợp lý giữa các làn đường. Trong ảnh: Kẹt xe tại giao lộ Trường Chinh và Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Chiếc xe máy thân thương của hầu hết các gia đình ở TP.HCM thật ra đã góp công lớn khi ngày ngày đưa đón hàng chục triệu lượt người đi học, đi làm nhưng với số lượng 6,4 triệu và vóc dáng nhỏ gọn, dễ cơ động luồn lách trên từng cây số, xe máy mà không là nghi can số 1 gây lộn xộn đường phố, kẹt xe thì cũng lạ với 2.841 bạn đọc điểm mặt (tỉ lệ 38,1%. - tính đến thời điểm này, 13g37 ngày 17-11).
Đeo bám quyết liệt xe máy về tỉ lệ gây lộn xộn giao thông Sài Gòn là xe buýt 2.167 (29,1%) dù nó sinh ra với hi vọng góp phần giúp đường phố bớt phần lộn xộn.
Như vậy trong mắt bạn đọc Tuổi Trẻ, hai "siêu quậy" trên tổng cộng chiếm gần 67% nguyên nhân gây lộn xộn đường phố, kẹt xe.
Cũng theo bạn đọc Tuổi Trẻ, nhóm xe tải-xe container, taxi trở thành bộ ba với tỉ lệ gần như suýt soát nhau: 8,5%, 8,5% và 8,1%.
Như vậy, xe nào cũng góp phần không ít thì nhiều nhưng trừ ba loại xe "hiền lành" như xe đạp, xe tải nhỏ, xe đẩy bán hàng rong thì top 5 trên đã chiếm gần 95% nguyên nhân.
Nhưng chưa ai dám ra lệnh cấm lưu hành những chiếc xe trên, tại sao thì có lẽ ai cũng rõ khi hầu hết bạn đọc khẳng định: chiếc xe không có tội, vấn đề là ý thức tham gia giao thông, văn hóa giao thông mà bà con thường bảo là chạy xe đàng hoàng.
Kẹt xe - nỗi ám ảnh của cư dân TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Xe không có tội, người chạy xe mới là vấn đề
Hầu hết các bạn đọc đều cho rằng tình trạng kẹt xe như cơm bữa là do ý thức tham gia giao thông. Xe nào cũng gây kẹt nếu ý thức người dân kém.
Theo bạn đọc, văn hóa tham gia giao thông của người dân còn quá kém nên việc ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông ngày càng gia tăng.
"Điều quan trọng và tiên quyết nhất để giải quyết vấn đề là mỗi người chúng ta cần chấn chỉnh ngay ý thức và văn hóa giao thông, mỗi chúng ta đều tốt thì dù có tham gia giao thông bằng phương tiện gì cũng sẽ góp phần làm giảm ùn tắc giao thông" - bạn đọc này khẳng định.
Nhiều bức xúc xoay quanh tình trạng người tham gia giao thông thường vượt đèn đỏ, lấn tuyến, chen ngang, quẹo ngược. Bạn đọc cho rằng với thực trạng giao thông hiện nay xin đừng đòi hỏi người tham gia giao thông phải có ý thức, cái chính hiện nay là các cơ quan liên quan phải có giải pháp cụ thể từ đó mới nâng dần được ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của người dân, và cũng cần có biện pháp hạn chế việc tiêu cực của một số CSGT, tình trạng giao thông có thể được cải thiện.
Các bạn đọc cũng đề nghị các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm, chế tài thật nặng những người vi phạm. Luật đã có quy định cụ thể, vậy thì cứ thi hành nghiêm túc, phạt thật nghiêm túc, không thể có bất cứ sự thông cảm cho hoàn cảnh nào. Vì dù người vi phạm là ai, ở hoàn cảnh nào thì cũng là người gây ra thiệt hại cho xã hội, và gây nguy hại cho chính mình, cần xử phạt để răn đe và làm gương cho những người khác.
Không thiếu gì cảnh xe máy: vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, chạy trên lề, xe "mù", lấn tuyến... đang hằng ngày diễn ra ngay trước mặt CSGT nhưng các anh phạt không xuể hoặc không phạt. Nếu cương quyết làm đúng thì e rằng số lượt xe gắn máy bị phạt sẽ cao gấp nhiều lần so với hiện nay. |
Nhưng liệu có thể "chạy xe đàng hoàng" không khi hạ tầng nhiều điều bất cập?
Tình trạng kẹt xe tại TP.HCM sẽ ngày càng tăng bởi xe cá nhân ngày càng nhiều, tốc độ xây dựng tăng vọt trong 10 năm gần đây.
Chuyên gia giao thông tiến sĩ Phạm Sanh từng nói: "Nếu hơn 7 triệu xe cá nhân các loại cùng cùng lưu thông trên diện tích hơn 26 triệu m2 mặt đường giao thông TP.HCM thì các xe gần như xếp kín mặt đường" .
Theo hầu hết bạn đọc cái gốc của kẹt xe là: thiếu sự quản lý, quy hoạch thiếu chặt chẽ, tình trạng cấp phép tràn lan các chung cư, tòa nhà văn phòng, khu vui chơi giải trí, thương mại ... mà không có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng sẽ dẫn đến quá tải.
Chuyện gì xảy ra khi xe cộ tăng 10% mà đường giao thông chỉ tăng 2%? Mọi nguyên nhân đều dồn về thủ phạm chính hạ tầng giao thông hiện nay quá kém, cao ốc xây nhiều...
"Theo mình lỗi đầu tiên do hệ thống đường sá quá kém, quá chật. Lỗi tiếp theo là do Nhà nước quá chậm trong việc nhìn xa để quy hoạch xây dựng cho phù hợp. Bây giờ mới bắt đầu gần có Metro đã khá muộn, nhưng muộn còn hơn không, hy vọng sắp tới sẽ đủ các tuyến Metro nội thành, lúc đó chắc chắn sẽ hết kẹt xe" - bạn đọc Thanh Mai.
Các bạn đọc đồng ý một phần nguyên nhân kẹt xe bao gồm xe máy, taxi, xe hơi cá nhân và cả hung thần xe buýt. Nhưng thủ phạm chính là hạ tầng giao thông nhỏ hẹp, kém phát triển. Hãy nhìn mỗi năm có hàng chục ngàn xe cá nhân, xe công cộng mới, đường xá có thêm mét nào mới đâu? Dân số phát triển nhanh mà đường giao thông gần như không phát triển thì không kẹt mới lạ.
Sâu xa của vấn nạn kẹt xe là cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng được sự phát triển dân số của thành phố. Tốc độ tăng dân số của TP.HCM và Hà Nội cao hơn nhiều so với tốc độ mở rộng đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông. Hãy xem hệ thống giao thông của các thành phố phát triển trên thế giới có số dân tương đương TP. HCM như Seoul, Mexico, Luân Đôn, New York thì sẽ rõ. Nhà cao tầng thì cứ mọc lên, người nhập cư tăng nhanh trong khi những con đường không thể mở rộng vì chi phí giải tỏa đền bù quá lớn. Mở rộng các các đường nội thành xem ra quá khó rồi. Tôi nghĩ, song song với chính sách giãn dân ra xa trung tâm thì phải tính đến việc đẩy mạnh đầu tư hệ thống giao thông trên cao và cả dưới mặt đất nữa. Muốn hạn chế người dân mua và sử dụng xe máy thì trước hết nhà nước phải xây dựng và củng cố hệ thống giao thông công cộng (xe buýt, tàu điện) sao cho phù hợp, tiện lợi với người dân. Kẹt xe tại các TP lớn có lỗi của việc quy hoạch kinh tế vùng không đồng đều. Nên có giải pháp là đầu tư kinh tế phải đồng đều để ở quê cũng có việc làm không phải ra thành phố làm ăn nữa và sẽ không còn kẹt xe nữa mà những người ở quê cũng có công việc tốt, lại được ở gần gia đình, dẫn đến toàn xã hội được phát triển và phồn vinh hạnh phúc. |
Đại biểu Quốc Hội Lê Nam trong buổi họp Quốc hội ngày 17-11, đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng rằng bộ này đã quản lý quy hoạch như thế nào mà để có quy hoạch chung rồi, tai sao vẫn có tình trạng xây dựng lộn xộn như hiện nay?
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng vạch ra vấn đề khá rõ ràng của câu chuyện tổng thể quy hoạch hạ tầng có rồi tại sao làm không đúng? Xây dựng các nhà cao tầng cứ thế phát triển, đặc biệt còn có tình trạng xây cao hơn, xây không đúng giấy phép.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã không trả lời được câu hỏi về việc quản lý trong xây dựng nhà cao tầng.
Trong đề xuất giải pháp giải quyết vấn nạn kẹt xe, liên quan đến quy hoạch hạ tầng, ông Trịnh Đình Dũng cho rằng cần thiết phải giãn dân, giảm dân số các khu đô thị trung tâm. Ngoài ra, rất cần di dời các trung tâm hành chính, bệnh viện, phát triển các khu đô thị mới xa trung tâm gắn liền phát triển dân cư ở các khu vực này. Kiểm soát xây dựng nhà cao tầng, tránh tăng dân cư khu vực nội ô.
Đặc biệt buộc phải phát triển hạ tầng giao thông và hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân, thay vào đó là tăng phát triển giao thông công cộng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận