Xe hơi chen chúc với xe gắn máy - cảnh thường gặp ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Hầu hết ý kiến tranh luận xung quanh các chủng loại xe cộ, đặc biệt là ý thức của người lái xe. Các bạn đọc cho rằng người lái xe không thể "vô can" trong việc gây kẹt xe. Quan trọng hơn là gây nên sự bức xúc cho nhiều người về ý thức tham gia giao thông.
Ôtô gây kẹt giờ cao điểm?
Bạn đọc Quang Vinh cho rằng khi qua nhiều ngã tư, dù có đèn tín hiệu nhưng ôtô cứ nối đuôi nhau bịt kín hướng được lưu thông, mọi người đành phải đứng yên. Có mấy người lái xe tuân thủ khoảng cách an toàn giữa các ôtô? Có bao nhiêu tài xế ôtô tuân thủ không đậu xe ở nơi không được phép gây cản trở giao thông?
Không ít bạn đọc còn cho rằng nhiều người đi ôtô không để ý phần đường dành cho xe máy, nhiều ôtô thường xuyên lấn làn xe máy trong điều kiện đường sá TP chật hẹp. Ôtô đi dàn ngang không hiếm thấy.
Chưa kể nhiều ôtô thích quẹo đâu là quẹo hoặc tấp vào lề đường mua bánh mì, mua nước mía, mua thuốc lá tỉnh rụi, mặc xung quanh tiếng còi xe réo vang... Xe ôtô đậu tràn ngập lòng đường gây mất mỹ quan, cản trở đi lại của xe cộ khác.
Một chiếc xe hơi quay đầu xe lúc 8g32 sáng 12-11 trên đường Phạm Ngọc Thạch lúc xe cộ qua lại rất đông đoạn đường này. Xe máy trước bị ủi, xe máy sau bị cản - Ảnh: M.C |
Chỉ một ngày sau câu chuyện “Đi xe hơi kiểu đó thì mua xe đạp mà đi” đã có hơn 500 bạn đọc vào cuộc trao đổi. Bạn đọc nói gì? Xe hơi oan không?
Nhiều bạn đọc khẳng định ở mấy đường nhỏ, hai chiếc xe hơi là không còn đường chạy, mỗi xe hơi thường chỉ 1 đến 2 người ngồi là phổ biến, diện tích chiếm đường gấp 4 đến 5 lần xe máy. Chưa kể chạy hàng ngang chậm chậm hết đường các xe khác chạy, y như một mình ta một đường, thích đậu thì đậu, không còn đường để đi.
Khổ sở hơn, bạn đọc than phiền rằng có những con đường chỉ rộng chừng một chiếc ôtô đi vào, quy định cấm đi ngược chiều đã có, ấy vậy mà cũng có những bác tài cố tình len lỏi vào đó, thành ra tắc đường khi hai chiếc ôtô đi ngược chiều nhau.
"Tôi nghĩ với cái đà người người mua ôtô như hiện nay thì năm năm nữa thôi TP.HCM sẽ kẹt cứng, muốn đi đến chỗ làm chắc phải đi sớm hơn mấy tiếng. Còn đường sá như cái lỗ mũi ở TP.HCM, Hà Nội thì 2 xe là hết đường" - bạn đọc tên Hạnh chia sẻ.
Giao thông Hà Nội tắc nghẽn trong một buổi sáng tại giao lộ Nguyễn Phong Sắc - Cầu Giấy - Trần Thái Tông - Ảnh: M.Quang |
Tôi không có ý phản đối đi ôtô nhưng thật sự vào các giờ cao điểm có thể nên hạn chế bớt các loại ôtô cá nhân, kể cả xe công. Đất nước còn nghèo không thể phát triển đường sá tốt hơn mà người dân hầu hết 90% sử dụng xe máy thì không thể viện lý do phát triển văn minh để sử dụng ôtô một cách gây lãng phí và ùn tắc giao thông! Hằng ngày tôi đi qua những tuyến đường như Nguyễn Tất Thành (quận 4) tôi thấy hầu hết ôtô lấn vào đường xe 2 bánh nên gây tình trạng ùn tắc. Thường ôtô hay chạy theo sau xe buýt để lấn vào đường xe 2 bánh gây nên tình trạng ùn tắc chung và làm xe 2 bánh chạy lấn vỉa hè, tạo sự hỗn độn. Tại sao mình không cấm xe hơi cá nhân vào giờ cao điểm ở các tuyến đường hay kẹt xe? Có lẽ mọi người hãy tự ý thức không chạy ôtô vào giờ cao điểm khi không cần thiết và nhất là dùng ôtô đón con gây ùn tắc nghiêm trọng như đoạn Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1. Ở các nước tiên tiến, hầu như nhà nào cũng có từ một ôtô trở lên, nhưng việc kiếm một chỗ để đỗ xe tại các thành phố lớn là hầu như không thể, và phải chịu chi phí vô cùng đắt. Các thành phố lớn, trung tâm thương mại là nơi có các công ty, cơ quan trú đóng, và các hộ dân sinh sống tại các vùng lân cận, ngoại ô. Người dân sáng sáng đi làm bằng các phương tiện công cộng (xe buýt, metro...), bên cạnh đó là công trình giao thông hiện đại, thế mà họ vẫn thường xảy ra ùn tắc. Sự kêu gọi mọi người dân nên hạn chế mua ôtô ở nước ta, tôi nghĩ là rất cần thiết. |
Oan thì cũng oan thiệt!
Có bạn đọc khẳng định "99,99% người đi xe ôtô đều có ít nhất 1 chiếc xe máy. Do đó nói người đi xe hơi không hiểu xe máy là sai. Việc xe hơi đậu mà trái luật chắc là có "dây" nào phía sau cho nên mới dám, chứ sơ hở một chút là bị các anh "áo vàng" vịn lại liền.
Xe hơi gánh bao nhiêu chi phí mà ở đó chính người đi xe máy đã được bảo hộ rồi, và xu hướng chắc chắn sẽ là xe hơi phát triển chứ không phải xe máy. Vấn đề là thể chế, con người nước ta còn nhiều bất cập nên chưa phát triển được thôi".
Xe buýt, taxi, xe máy mới là thủ phạm?
Nhiều bạn đọc đi xe hơi cho rằng thủ phạm chính là taxi và xe buýt.
Bạn Thanh Hùng (Q.3, TP.HCM), chủ một xe hơi nhưng cũng thường chạy xe gắn máy khẳng định: "Không loại xe nào làm loạn đường phố hiện nay cho bằng xe taxi. Họ muốn chạy tuyến nào, muốn dừng đâu thì dừng. Lúc tôi chạy xe hơi hay xe máy đều bị họ ép xe, lấn tuyến khủng khiếp. Mà chỉ cần nói họ chút xíu là họ hung hăng gọi điện cho tài xế khác nhào tới gây chuyện liền".
"Taxi quậy gấp mười xe hơi sao không nói?" - Thanh Hùng bảo.
Không còn luồn guyến nào lúc 8g42 sáng 12-11 - Ảnh: M.C |
Riêng bạn đọc Văn Toàn nói: "Không cần phải hỏi ai hết, cứ chiều đi ngoài đường là biết nguyên nhân kẹt xe là do vượt đèn vàng và do xe buýt quá nhiều, chạy quá lộn xộn. Lẽ ra đi xe máy không bị kẹt xe vì phần đường xe máy rất rộng, nếu xe máy không bị kẹt thì giao thông được thuận tiện hơn. Một xe ô tô con + 1 xe buýt là lấn hết phần đường xe máy rồi".
Nhưng theo không ít bạn đọc, số lượng xe máy kinh khủng hiện nay mới là tai họa cho đường phố. Liệu có nên thí điểm cấm xe máy ở một số tuyến đường? Ngoài ra, khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp, sử dụng phương tiện công cộng. Điều này sẽ xóa bỏ đi nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, giảm kẹt xe, ô nhiễm, giúp sử dụng có hiệu quả các phương tiện công cộng...
Đặc biệt rất nhiều bạn đọc cho rằng xe taxi mới thật sự là vấn nạn số 1 đang nhan nhản trên đường phố Sài Gòn, Hà Nội hôm nay khi nhưng chiếc taxi ai cũng thấy chạy loạn xạ, quẹo đậu thì quẹo, đậu đâu thì đậu...
Có thật sự taxi "quậy tưng" đường phố gấp mười xe hơi không? Mời bạn tham gia ý kiến trong phần bình luận dưới đây. Nếu có ảnh, clip chứng minh rành rành, bạn có thể gửi về tto@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận