Đây là diễn biến mới nhất liên quan vụ cháu P.N.Q. (6 tuổi, quê Cà Mau) nghi ngộ độc sau khi ăn bánh nhưng Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) không để bé nhập viện điều trị.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết ngay sau khi sự việc xảy ra, bác sĩ trực tiếp khám cho cháu Q. và Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã có báo cáo giải trình.
Bé gái tử vong sau khi ăn bánh đêm Trung thu: Ba người trong gia đình bé nhập viện ở Cà Mau
Trong các cuộc họp gần đây, ban giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ y chủ động thành lập hội đồng chuyên môn nhằm xem xét, đánh giá khách quan về quá trình tiếp nhận, nhận định và xử trí của Bệnh viện Lê Văn Thịnh trước ca bệnh nghi ngộ độc rồi tử vong này.
Dự kiến vào tuần sau hội đồng chuyên môn sẽ họp. "Sở Y tế đã chủ động vào cuộc xác minh và sẽ nghiêm túc xử lý, nếu có bất cứ thiếu sót nào" - nguồn tin này nói.
Theo quy định khi tiếp nhận một trường hợp rối loạn tiêu hóa vào bệnh viện, phản xạ đầu tiên của bác sĩ cần phải hỏi bệnh nhân (hoặc người nhà) các câu như: ăn uống gì, xảy ra bao lâu và triệu chứng ra sao?
Ngoài ra, theo quy trình báo cáo các trường hợp nghi ngộ độc/ngộ độc được Sở Y tế ban hành, các bệnh viện bắt buộc phải có báo cáo kịp thời. Đây là mấu chốt cho việc quyết định việc thăm khám, theo dõi, điều trị và cảnh báo.
Trước đó vào tối 30-9, sau khi ăn bánh, bé Q. ói nhiều lần kèm tiêu chảy. Đến chiều 1-10, bé được đưa tới Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) khám với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột.
Lúc này bé tỉnh, không có dấu hiệu chuyển nặng nên bác sĩ kê đơn thuốc (gồm kháng sinh, giảm đau, men tiêu hóa) cho về, kèm lời dặn quay lại bệnh viện khi có dấu hiệu bất thường.
Tuy vậy, khuya cùng ngày bé Q. đã ngưng tim, ngưng thở trước khi nhập viện cấp cứu. Tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bé được hồi sinh tim phổi nhưng không thành công.
Ngoài trường hợp bé Q., tính đến thời điểm hiện tại các bệnh viện TP.HCM báo cáo có 17 trẻ tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức) có triệu chứng ngộ độc đang được điều trị, sức khỏe đều ổn định.
Các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm của ngành y tế TP.HCM đưa ra nhận định về loại thực phẩm gây ngộ độc trong trường hợp này, khả năng cao là từ bánh su kem (loại trừ xúc xích nướng, nước uống được dùng trong tiệc Trung thu). Bởi tất cả trường hợp ngộ độc đều có triệu chứng giống nhau như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao…
Ngày 5-10, kết quả xét nghiệm PCR phân của hai trẻ bị ngộ độc sau tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights cho thấy có vi khuẩn salmonella spp. Đây là loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận