05/11/2023 15:15 GMT+7

Lãnh đạo Quỹ Nafosted: Sẽ xử lý rất cẩn trọng vụ nhà toán học bị tố bán bài nghiên cứu

Lãnh đạo Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) cho biết đã nhận đơn xin rút khỏi hội đồng ngành toán của PGS.TS Đinh Công Hướng và trân trọng đề nghị của nhà toán học này.

PGS.TS Đinh Công Hướng - Ảnh: THƯƠNG NGUYỄN

PGS.TS Đinh Công Hướng - Ảnh: THƯƠNG NGUYỄN

Quỹ Nafosted sẽ tìm hiểu đầy đủ thông tin trước khi có quyết định

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 5-11, TS Phạm Đình Nguyên - giám đốc điều hành Quỹ Nafosted - xác nhận quỹ đã nhận được đơn xin rút khỏi hội đồng ngành toán của PGS.TS Đinh Công Hướng.

Về việc xử lý, ông Nguyên cho biết quỹ sẽ "rất cẩn trọng". Quỹ cần tìm hiểu đầy đủ thông tin từ các đơn vị công tác cũ của ông Đinh Công Hướng. Sau đó quỹ sẽ họp hội đồng khoa học ngành toán để lấy ý kiến các nhà khoa học.

Hội đồng khoa học là cơ quan tư vấn chuyên môn cho cơ quan điều hành Quỹ Nafosted. Do vậy, hội đồng ngành toán phải làm việc với nhau, sau đó sẽ có đề xuất để hội đồng quản lý quỹ có quyết định phù hợp.

"Về việc này, ý kiến của cá nhân tôi, nhà khoa học có thể chưa chuẩn về mặt này mặt khác, nhưng nếu không cẩn thận chúng ta sẽ vùi dập mất một nhà khoa học tốt mà đất nước cần, chỉ vì một sơ suất nhỏ. Đây là nhà khoa học cơ bản giỏi, đôi khi chưa thật chuẩn, chưa nắm vững quy định.

Việc ông Hướng tham gia hội đồng khoa học ngành toán của Quỹ Nafosted chỉ là một hoạt động kiêm nhiệm. Trong trường hợp ông ấy cảm thấy có gì đấy chưa phù hợp và xin rút thì không có gì quá đặc biệt", ông Nguyên nói.

Được biết, PGS.TS Đinh Công Hướng tham gia hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted từ tháng 12-2022.

"Tôi nhận thấy khuyết điểm của mình nên xin rút"

PGS.TS Đinh Công Hướng - thành viên hội đồng khoa học ngành toán Quỹ Nafosted - đã gửi đơn xin rút khỏi hội đồng này, ngay sau khi ông bị tố vi phạm liêm chính khoa học.

Chiều 31-10, một "báo cáo vi phạm liêm chính khoa học của PGS.TS Đinh Công Hướng" đã được gửi đến ban điều hành Quỹ Nafosted, hội đồng ngành toán của Quỹ Nafosted và nhiều cơ quan cùng nhiều nhà khoa học.

Theo thông tin tố cáo này, PGS.TS Đinh Công Hướng trước đây là giảng viên cơ hữu của Trường đại học Quy Nhơn, nhưng có nhiều công trình nghiên cứu đứng tên địa chỉ Trường đại học Tôn Đức Thắng và Trường đại học Thủ Dầu Một.

Những công trình này của ông Đinh Công Hướng được cộng đồng khoa học nhận định rằng là "tiêu biểu từ khi biểu hiện liêm chính khoa học bị phê phán nghiêm trọng do việc mua bán bài báo quốc tế cho các đại học mới nổi".

Từ năm 1997 đến ngày 28-2-2023, ông Hướng là giảng viên cơ hữu của Trường đại học Quy Nhơn. Từ ngày 1-3, ông chuyển công tác về làm giảng viên cơ hữu của Trường đại học Công nghiệp TP.HCM cho đến nay.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Đinh Công Hướng cho hay: "Tôi gửi đơn ban điều hành Quỹ Nafosted vào ngày 31-10. Đây là quyết định rất nhanh chóng của tôi ngay khi thấy có phản ánh không hay về mình.

Trong đơn, tôi trình bày nhận thấy khuyết điểm của mình, kính mong cho tôi rút tên khỏi danh sách hội đồng ngành toán của Quỹ Nafosted. Tôi cũng gửi lời xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến hội đồng".

"Mong sự việc qua đi để có thể tập trung cho công việc"

Ông Đinh Công Hướng cho hay Trường đại học Quy Nhơn không có quy định giảng viên cơ hữu không được ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với trường khác, chỉ yêu cầu giảng viên hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của trường.

"Bản thân tôi liên tục trong nhiều năm liền thừa giờ nghiên cứu khoa học theo quy định của trường. Vì điều kiện kinh tế gia đình, tôi rất cần công việc làm thêm để tăng thu nhập" - ông Hướng trải lòng.

Theo đại diện Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, từ khi chuyển công tác về trường, PGS.TS Đinh Công Hướng đã nhanh chóng cùng cộng sự hoàn thiện 5 công trình khoa học và đã được công bố trên một số tạp chí tốt thuộc danh mục ISI/Scopus.

Ông Hướng cho biết thêm Trường đại học Công nghiệp TP.HCM có quy định rõ ràng về việc giảng viên cơ hữu của trường không được đứng tên, địa chỉ cơ sở giáo dục ngoài đơn vị cơ hữu và có chế tài xử lý rất nghiêm khắc.

"Tôi nghĩ rằng điều này hết sức công bằng vì nhà trường đã có chế độ đãi ngộ phù hợp thì không có lý do gì giảng viên phải đi ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với cơ sở khác.

Với chế độ chính sách và các quy định của nhà trường như trên, bản thân tôi đang rất yên tâm công tác. Tôi đã toàn tâm toàn ý để phục vụ sự phát triển nhà trường.

Từ ngày về trường, tôi không hợp tác nghiên cứu khoa học với bất kỳ cơ sở giáo dục nào khác. Tôi rất mong sự việc qua đi để mình có thể tập trung cho công việc hiện tại", ông Hướng bày tỏ.

Nhà toán học bị tố bán bài nghiên cứu: có vi phạm liêm chính học thuật?Nhà toán học bị tố bán bài nghiên cứu: có vi phạm liêm chính học thuật?

Nhiều ý kiến cho rằng cần cơ chế, chính sách để nhà khoa học sống được bằng những cống hiến của mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên