Thật tiếc là chỉ có thể ghi lại chữ chứ không thể đưa cái phần ngữ âm lên báo. Bởi với chất giọng đặc sắc ấy, cộng với phương ngữ của vùng đất này, chỉ cần nghe giọng Vĩnh Hoàng cất lên đã thấy vui, chưa nói đến một khả năng ứng tác chuyện trạng dân gian như một di sản văn hóa riêng có.
Phóng to |
Thật ra cái câu nghe như tiếng Nhật nói trên chỉ đơn giản là các cách nói của câu hỏi “Ga (xe lửa) này là ga nào đây... Cô này định đi đâu... Cô nào đi chuyến tàu vào... cô nào theo chuyến tàu ra... Tàu sẽ vào ga nào đây...”.
Tiếng Pháp cộng tiếng Nhật (!?)
Dân Quảng Trị thấy ai nói khoác (tất nhiên pha chút hài hước) thể nào cũng bảo: “Tay này chắc quê gốc Vĩnh Hoàng”. Cái vùng đất phía đông huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lưu tâm nghiên cứu.
Ngôi làng này là chiếc nôi của những câu chuyện trạng nổi tiếng từng được ví như làng Gabrovo trứ danh của nước Bulgaria. Tính nết khôi hài cùng với thổ ngữ là lạ đã sinh ra biết bao câu chuyện trạng cười “bể bụng”.
Ví như câu nói “ga mô ri eng?” hay “ga mô ri o?”, là cư dân khu 4 (vùng Thanh Nghệ Tĩnh - Bình Trị Thiên) ai cũng hiểu được nội dung, nhưng đưa nó thành chuyện trạng thì chỉ có thể là...Vĩnh Hoàng!
Một người kể: “Bựa nớ đi tàu bay ra nác ngoài, chộ cái dà ga đại chang bang, bơ hỏi một đực: “Ga mô ri eng?”. Đực ta nọ ư hự răng, trặc sang cái mụ tê hỏi “Ga mô ri o?” cụng nọ ư hự, sau cả mấy đực chụm trốc hội ý rồi hỏi lại dà choa là câu trước nghe dư tiếng Pháp, câu sau nghe dư tiếng Nhật mà nỏ phải tiếng Nhật hay tiếng Pháp, cả tàu bay nỏ ai biết miềng nói cấy chi!”. Hóa ra đơn giản chỉ đi máy bay ra nước ngoài, thấy cái nhà ga quá to, mới hỏi: Ga này là ga nào hả anh? Nhưng người ta không trả lời được, quay sang hỏi một chị: Ga này là ga nào chị? chị ấy cũng không trả lời được, sau đó tất cả bọn họ chụm đầu hội ý để đoán xem hai câu hỏi là ngôn ngữ nước nào, nghe như tiếng Pháp và tiếng Nhật nhưng không phải vậy!
Về Vĩnh Hoàng, có thể nghe hàng trăm câu chuyện liên quan đến phương ngữ của dân làng như chuyện “Kí lộ chao cặng mô ri o?” (cái chỗ rửa chân ở đâu vậy hả cô?). Chuyện hỏi cung tù binh Mỹ bằng giọng Vĩnh Hoàng hồi chiến tranh, chuyện “Bọ mạ mi mô”...Trong số những người làng có năng khiếu kể chuyện trạng phải kể tới hai ông Trần Đức Trí và Trần Hữu Chư.
“Rứa chú mi đã nghe chuyện Lợ một buội cay”(Lỡ một buổi cày) chưa?”, ông Trần Đức Trí - một nghệ nhân chuyện trạng Vĩnh Hoàng ở làng Huỳnh Công Tây thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), mở đầu câu chuyện với một cái giọng rất... trạng. “Bựa nớ, dà có mấy méng rọong, tui ưng đi cày sớm nên dặn vợ chủn bị cơm nác.Trời đạ sáng chi mô,vợ tui đạ mần sặn một bù nác chè đặc với một mo xôi xáo vợi khoai, bay mùi ra chi thơm.Tui nghe đạ khoái, liền lùa bò một mạch tận rú. Chộ trời chưa rạng, tui cho bò ăn một chặp. (dịch: Bữa đó, nhà có mấy mảnh ruộng, tui thích đi cày sớm nên dặn vợ chuẩn bị cơm nước. Trời đã sáng gì đâu, vợ tôi đã làm sẵn một bầu nước chè đặc với mo cơm nếp xáo với khoai, bay mùi ra thơm lắm. Tôi nghe đã thích liền lùa bò một mạch tận rừng. Thấy trời chưa sáng, tôi cho bò ăn một lúc).
Cứ thế, ông vừa kể bằng giọng Vĩnh Hoàng, còn chúng tôi ghi lại qua người phiên dịch. Câu chuyện tiếp tục rằng sau đó, ông chọn một con trong đàn bò rồi buộc vào cày và bắt đầu cày ruộng. Cày một hồi đến khi mặt trời lên mới biết cái con đang kéo cày không phải là bò mà là... cọp. “Sặn rạ trung tay, tui phắt một lát thiệt năng, niệt cày đứt mần đôi. Lạo cọp khiếp, chạy một mạch vô rú khôông dòm lại. Rứa là tui lợ một buội cày!” (sẵn cái rựa trong tay, tôi chặt một nhát thật mạnh, cày đứt đôi. Lão cọp khiếp, chạy một mạch vô rừng, không nhìn lại. Vậy là tôi lỡ mất một buổi đi cày).
Giọng ông nặng trịch, người Quảng Trị gọi là nặng cạy cạy. Thanh hỏi, thanh ngã đều biến thành thanh nặng, thanh ngang và huyền khi mờ khi tỏ. Lại thêm phương ngữ Vĩnh Hoàng, từ cổ và từ đệm thoắt ẩn thoắt hiện trong câu chuyện. Cùng với cái giọng nhấn nhá lên xuống, lúc nhanh lúc chậm của một cao thủ kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Dù đã nghe đến cả ngàn lần vậy mà dân làng vẫn thích ngồi nghe ông kể và cười ngả nghiêng như mới nghe lần đầu. Tôi hỏi một đồng nghiệp ở cách đó mấy cây số: “Ông hiểu gì không?”. “Vừa nghe vừa đoán nhưng cũng như vịt nghe sấm”.
Phóng to |
Gìn giữ di sản cho làng...
Chuyện trạng Vĩnh Hoàng từng được cố tiến sĩ văn học Võ Xuân Trang dày công sưu tầm,biên soạn và in thành sách. Sở Văn hóa thông tin tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) đã từng tổ chức hội thảo về chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Những câu chuyện trạng đậm đặc tính cách Quảng Trị “cười quên khổ” và thứ thổ ngữ “nặng hơn cả Quảng Trị”, dẫu chỉ nghe một lần cũng thật khó quên.
Đã có một giai đoạn Phòng Văn hóa thông tin huyện Vĩnh Linh tổ chức hội thi kể chuyện trạng nhằm phát huy sự sáng tạo của người dân với những câu chuyện đặc thù Vĩnh Hoàng, nhiều nghệ nhân dân gian đã nổi lên từ những hội thi như thế, tuy nhiên chỉ được một thời gian phong trào lại lắng xuống. Những câu chuyện của người làng Vĩnh Hoàng vốn được sinh ra để mang lại tiếng cười lạc quan cho nhau bên ấm chè xanh, bên nồi khoai lang bở chứ không phải để hội hè thi thố, và dường như khi cuộc sống càng sung túc, bớt phần cơ cực, những câu chuyện trạng đầy ắp lạc quan càng vắng dần. Duy có ông Trần Hữu Chư sợ rằng những câu chuyện một thời mất đi, ông đã giữ lại bằng cách vẽ những câu chuyện ấy thành những bức tranh, mỗi bức tranh là một câu chuyện ấm áp hồn hậu và lạc quan của đời dân, đời làng qua bao dâu bể thời gian...
Vùng đất này xưa có thành ngữ “ăn cơm bữa diếp” - nghĩa là hai ngày mới được ăn một bữa cơm, hỏi ăn cơm chưa nghe trả lời ăn từ “bữa diếp” nghĩa là ăn cơm từ... ngày kia. Cuộc sống cơ cực ngày xưa như vậy đã khiến người dân lạc quan như một tính cách được hình thành từ chính hoàn cảnh sống. Những năm chiến tranh, đây cũng là vùng đạn bom khốc liệt, truyền thống “trạng” càng được nối tiếp, thành một thứ năng lượng tinh thần động viên dân làng vượt lên thử thách mà sống, mà chiến đấu.Và đấy là thứ hương hỏa tinh thần vô giá, đã lặn vào máu thịt đời dân nơi đây, và họ mang theo, dù đến chân trời góc bể nào đi nữa!
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Làng nói tiếng... cực lạKỳ 2:Người Nghệ nói “tiếng Nghi”Kỳ 3: Làng Huế nói giọng... QuảngKỳ 4: Ở đây nói tiếng như... chim Kỳ 5: Làng “nước ngoài” dưới núi Ngàn NưaKỳ 6: “Iêng phô ky?” - anh nói gì?Kỳ 7:“Mật ngữ” làng Phú Hải
______________
Kỳ tới: Tiếng Việt lạ và dấu vết xưa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận