Đại diện chương trình "Chuyến xe văn minh" trao quà đến anh Phạm Văn Thanh (33 tuổi) - Ảnh: MINH PHƯỢNG
1. "Người khiếm thị truyền động lực cho tôi"
Làm tài xế Grab chở biết bao vị khách nhưng chuyến xe mà anh Thanh nhớ nhất là khi anh đón một vị khách khiếm thị từ nhà thờ Thanh Đa ra bến xe buýt gần ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Trên đường đi, qua trò chuyện, biết chàng trai trẻ đang là sinh viên đại học, anh Thanh không khỏi nể phục. "Lúc ấy, tôi suy nghĩ mình hơn người ta mà nghị lực không bằng. Người ta khiếm thị mà giỏi quá!", anh Thanh nhớ lại.
Thấy hoàn cảnh ấy, anh Thanh có ý định không lấy tiền cuốc xe. Tuy nhiên, khách có mã khuyến mại nên không phải trả thêm tiền. Anh Thanh liền mở ví dúi tờ tiền nhỏ vào tay bạn trẻ: "Chú gửi con 100.000 đồng ăn cơm, không có nhiều nhưng con ráng học cho giỏi, thành tài nha".
Anh tài xế nói rằng mình chỉ giúp "có tí xíu", tuy nhiên anh nhận về nhiều hơn thế. "Bản thân tôi đã được truyền nghị lực từ cậu sinh viên để cố gắng phấn đấu cho tương lai sau này" - anh Thanh chia sẻ.
Dù kinh tế không mấy khá giả (vợ anh làm công nhân, hai con còn nhỏ) nhưng anh Thanh tự nhủ bản thân luôn cố gắng giúp đỡ người kém may mắn hơn mà mình có duyên gặp được trên đường cũng như trong cuộc sống.
2. Cùng làm việc tốt, xã hội đẹp hơn
Đại diện chương trình "Chuyến xe văn minh" trao quà đến anh Đoàn Minh Chí (28 tuổi) - Ảnh: MINH PHƯỢNG
Là người chia sẻ câu chuyện về anh tài xế xe buýt tốt bụng Huy "búp bê", anh Đoàn Minh Chí (28 tuổi) mong muốn lan tỏa những tấm gương, hành động đẹp ấy để mọi người cùng học tập.
Anh Chí thường xuyên đi làm bằng xe buýt, có nghe các tài xế và tiếp viên khác kể về anh Huy "búp bê" - tài xế xe buýt tuyến số 54 - nên rất tò mò. Anh quyết định bước lên chuyến xe buýt đặc biệt ấy.
"Mình lên xe ngồi hỏi chuyện, anh Huy có kể về công việc của ảnh. Dù trải qua nhiều khó khăn nhưng trong con người ảnh có tính nhân văn, ảnh rất yêu thương con người và giúp đỡ mọi người bằng những hành động nhỏ nhất như chuẩn bị tiền lẻ, tặng áo mưa.
Với trẻ em hay khách đi thường xuyên thì ảnh mua những món quà nhỏ nhỏ như móc khóa để tặng. Dù số tiền nhỏ thôi nhưng ảnh luôn muốn tạo niềm vui cho mọi người" - anh Chí kể.
Anh Chí cho biết anh rất cảm động về hành động đó và có hỏi lý do nào để anh Huy "búp bê" làm thế, thì nhận được câu trả lời chân chất: "Khách hàng là người nuôi sống mình nên mình tri ân lại thôi, có bao nhiêu đâu".
Nhiều người nói rằng cuộc sống hối hả khiến người ta vô tâm nhưng anh Chí thì tin lòng tốt vẫn luôn hiện diện xung quanh, đó là những người như anh Huy "búp bê" hay những người đã từng giúp đỡ anh.
"Bản thân tôi từng nhận được giúp đỡ, như một lần đang chạy xe trên đường Nguyễn Kiệm về quận Gò Vấp chẳng may bị thủng lốp xe. Tôi không biết có chỗ vá xe nào gần đấy không, đang loay hoay thì một chị đi sau nói có chỗ vá xe gần đó, có cần đi nhờ hay đẩy xe không. Tôi nói tự dắt bộ được. Đi chừng 30-40 mét thì thấy chị đứng đó chờ, chỉ tiệm sửa xe và đợi tôi vá xe xong thấy ổn rồi chị mới đi", anh Chí nhớ lại.
Vui, ấm lòng khi được một người lạ tận tình giúp đỡ nên anh Chí cho biết bản thân luôn cố gắng làm điều tốt, giúp đỡ người khác. "Những hành động thực sự nhỏ thôi nhưng nếu ai cũng chung tay thì cái xấu sẽ không còn, cái tốt sẽ nhân lên, tương lai sẽ tốt đẹp hơn, nhân văn hơn".
Hãy cùng "Chuyến xe văn minh" xây dựng văn hóa giao thông
Chương trình "Chuyến xe văn minh" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các sở ngành TP.HCM phát động và sự đồng hành của Grab Việt Nam với mong muốn chia sẻ, lan truyền rộng rãi những câu chuyện đẹp góp phần xây dựng văn hóa giao thông.
Để lan tỏa các hành động đẹp, ứng xử văn minh trong giao thông, chương trình "Chuyến xe văn minh" mời bạn truy cập website: http://chuyenxevanminh.tuoitre.vn hoặc email: chuyenxevanminh@tuoitre.com.vn .
Ban tổ chức sẽ có những phần quà ý nghĩa dành cho những tác giả có câu chuyện thú vị, xúc động, góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn minh khi tham gia giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận