17/03/2021 08:27 GMT+7

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 5: Trượt chân trên 'mỏm đá tử thần'

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - "Tất cả như cuốn phim tua lại nhanh trong đầu mình. Tôi sợ mình chết, không kịp nhìn thấy những người yêu thương lần cuối..." - Hải nhớ lại nỗi sợ hãi khi rơi kẹt giữa khe núi, phía dưới là vực thẳm đang chờ "nuốt chửng" anh.

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 5: Trượt chân trên mỏm đá tử thần - Ảnh 1.

Thế Hải chụp ảnh tại “mỏm đá tử thần” ở Hà Giang trước khi bị tai nạn - Ảnh: NVCC

Chới với giữa đại ngàn hiểm nguy

Hai tháng trôi qua kể từ vụ tai nạn, Mai Thế Hải (quê Sơn La) vẫn chưa thôi ám ảnh giây phút khiến anh suýt mất mạng chỉ vì sở thích mạo hiểm.

Hải là chàng trai mê khám phá thiên nhiên kỳ vĩ pha lẫn chút mạo hiểm. Ngày 8-1, Hải cùng người bạn xuất phát từ Hưng Yên đến Cao Bằng ngắm băng tuyết. Sáng hôm sau, hai bạn chạy xe máy đến Hà Giang loanh quanh trung tâm, chiêm ngưỡng cảnh đẹp miền núi phía Bắc.

Trưa 10-1, Hải đến khu vực mỏm đá thuộc xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc. Đó là một tảng đá nhô ra từ đỉnh núi đá, đỉnh núi này nhấp nhô toàn đá tai mèo xám đen, gai góc, phía dưới là vực sâu thăm thẳm. Chính vì địa hình nguy hiểm nên nó được người dân gọi là "mỏm đá tử thần". Song vì cảnh quá đẹp, ngồi trên mỏm đá có thể nhìn xuống dòng Nho Quế thơ mộng, núi rừng bao la nên rất được lòng khách du lịch Hà Giang, trong đó có Hải.

Nhớ lại hôm gặp nạn, Hải kể do đứng quá sát đầu mỏm đá, cộng thêm trước đó chạy xe đường dài khiến anh hoa mắt với độ cao rồi trượt chân. Anh rơi va vào một tảng đá rồi tiếp tục rớt xuống trúng bụi cây nhỏ bên vách núi. Nếu tính từ đầu mỏm đá tới lúc "đáp" vào cành cây là gần 25m, tương đương tòa chung cư cao 7 tầng.

"Tôi chỉ nhớ mình run chân rồi rơi tự do, trong nháy mắt đã thấy nằm mình dưới khe đá cheo leo, không kịp cảm nhận được gì trong lúc rơi"- anh nhớ lại. Một tay nắm vào cành cây, một chân còn cử động được thì chống vào tảng đá. Hải chới với giữa đại ngàn.

Toàn thân Hải co cứng, chẳng còn cảm giác đau đớn gì nữa. "Tôi thấy máu chảy từ đầu xuống, đùi rách dài và sâu nên một chân không thể cử động. Tôi sợ khi hết sức vì mất máu, không bấu víu được gì nữa sẽ rơi thẳng xuống vực thăm thẳm dưới kia" - Hải bồi hồi kể lại cảm giác trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Người bạn đi cùng nhanh chóng gọi người quanh vùng đến cứu bạn mình, đồng thời kêu xe cứu thương. Khi đội cứu hộ đến, Hải chỉ nghe thấy tiếng chứ không còn đủ sức để nhìn rõ. "Tôi choáng và khát nước vì mất máu quá nhiều" - anh kể.

Phải 20 phút sau, một người trong nhóm cứu hộ mới tiếp cận được nơi Hải đang giữa sự sống và cái chết. Do xung quanh là vách đá cheo leo, không có đường đi nên không thể dùng cáng khiêng. Vậy là nhóm cứu hộ gần 10 người hết cõng rồi đến kéo. Ai nấy đều hết sức tập trung và cẩn thận, nếu không sẽ dễ vuột tay rơi xuống vực sâu. Đến khoảng 11h50, tức mất hơn một tiếng đồng hồ, nạn nhân mới được đưa lên khỏi vị trí nguy hiểm và chở đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, cách nơi bị nạn chừng hơn 10km.

Trên đường đến bệnh viện, Hải cảm thấy rất đuối, phần vì máu ra quá nhiều không cầm được. Anh mơ mơ màng màng nhưng vẫn cố tỉnh vì mọi người ngồi xung quanh nói chuyện, xem anh có phản ứng nghe thấy không. "Các anh hỏi "còn tỉnh không em, có buồn ngủ cũng đừng ngủ" vì sợ tôi sẽ không dậy được nữa.

Các anh không la mắng, chỉ nói chỗ đó nguy hiểm lắm và động viên tôi "không sao đâu, có tụi anh ở đây. Em cố thêm chút nữa, sắp tới bệnh viện rồi" nên mình cũng yên tâm phần nào" - Hải chia sẻ.

Vào đến bệnh viện thì anh đã ngất. Hải được bác sĩ chẩn đoán bị rách phần mềm, gãy xương chậu, đa chấn thương vùng đùi phải, cẳng chân trái và chân mày trái. May mắn không ảnh hưởng bên trong đầu.

Cậu bạn đi cùng ở lại bệnh viện đến tối thì người quen của Hải vào. Sau khi đã băng bó, khâu vá vết thương, Hải được người quen chuyển qua Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ (Hà Giang) gần nhà để tiện chăm sóc.

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 5: Trượt chân trên mỏm đá tử thần - Ảnh 2.

Một trong những vết thương sâu của Hải khi bị tai nạn - Ảnh: NVCC

"Tôi không may mắn lần hai nữa đâu"

Tháng đầu tiên nằm viện, chân không cử động được, Hải đã nghĩ mình không thể đi được nữa. Thời gian đầu tập phục hồi chức năng, anh phải chống nạng mới có thể đi. Cố lạc quan, Hải an ủi chính mình rằng ít ra vẫn còn một chân "xài được".

Nhưng anh lại bị ám ảnh vì "mỗi khi nghe mọi người bàn tán về tai nạn thì cái khoảnh khắc rơi xuống và chới với giữa vực lại hiện lên rõ mồn một". Đến giờ sau hai tháng trôi qua, Hải mới từ từ bình phục vết thương lẫn tinh thần. Nhớ lại khoảnh khắc đứng giữa lằn ranh sinh - tử, anh rất sợ.

"Lúc đó người mất hết cảm giác rồi, đã nghĩ đến tình huống xấu nhất. Rồi nghĩ đến bố mẹ, người thân, bạn bè và nhiều thứ khác nữa. Tôi sợ không kịp nhìn thấy những người mình yêu thương lần cuối" - anh trải lòng.

Hải đã nguyện nếu lần này được sống, khi bình phục anh sẽ cố gắng làm việc có ích cho xã hội như giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. "Tôi thấy mình thật sự may mắn, trượt chân rơi độ cao núi đá 25m mà vẫn còn mạng trở về dù thương tích đầy người. Mà cũng may rơi trúng bụi cây nên bám lại, chứ nếu rơi thẳng xuống đáy vực thì...

Tôi biết ơn các anh cứu hộ nhiều lắm" - Hải tâm sự giờ dẫu anh vẫn đam mê khám phá thiên nhiên nhưng không còn mạo hiểm thế nữa. "Tôi nghĩ mình không may mắn như thế lần thứ hai nữa đâu!" - anh nói và cho biết nhiều bạn trẻ giờ cũng yêu thích du lịch mạo hiểm, khám phá đỉnh núi, mỏm đá cheo leo hay những cung đường quanh co.

"Đó là đam mê của mỗi người, không thể ngăn cấm họ. Nhưng tôi mong mọi người nghĩ đến an toàn cho bản thân, vì đằng sau sự mạo hiểm đó mình còn gia đình, người thân và bao hoài bão" - anh nói.

Lần thoát khỏi lưỡi hái tử thần này khiến Hải biết quan tâm an toàn cho bản thân hơn, nhóm bạn của anh cũng không còn làm liều như thế nữa. "Phải trải qua một bài học nhớ đời nào đấy thì mới rút được kinh nghiệm, thức tỉnh chính mình" - chàng trai 29 tuổi đúc kết.

Sinh ra ở miền núi Tây Bắc nên chàng trai trẻ cũng có chút kinh nghiệm leo trèo, nó giúp anh cảm thấy khỏe người. "Tôi từng leo núi Bà Đen, đèo Pha Luông, núi Bài Thơ... Thường thì chỉ bị lạc đường, có mấy lần lạc 4-5 tiếng trong rừng mới tìm được đường ra. Hà Giang tôi đã đến nhiều lần, nhưng lần này lại gặp rủi ro và bị nặng nhất. Tôi là trường hợp gặp nạn đầu tiên tại mỏm đá ấy" - anh bộc bạch.

Hải tâm sự gia đình anh đã biết chuyện nhưng "tôi nói mình vẫn ổn, chỉ bị sây sát nhẹ. Mẹ tôi đang đi làm ở Đài Loan, bố ở tận miền Nam nên phải nói thế để bố mẹ yên tâm". Sau hai tháng điều trị, vết thương của Hải đã ổn, xương đã liền lại. Hải có thể đi lại nhẹ nhàng dù chân còn cứng khớp một chút. Mỗi tuần anh được người quen đưa đi 50km đến bệnh viện TP Hà Giang tập phục hồi chức năng và châm cứu.

Anh chia sẻ kế hoạch sắp tới nếu có thời gian sẽ đi Cà Mau chơi vì chưa đi bao giờ. "Lần này chúng tôi sẽ đi chơi lành mạnh, không leo trèo nguy hiểm nữa" - anh cười cho biết.

Sau khi anh Hải gặp nạn rơi xuống khe đá, "mỏm đá tử thần" đã được chính quyền huyện Mèo Vạc quây rào tạm bằng lưới B40. Trước mắt chỉ rào chắn tạm thời, đến khi cơ quan chức năng nghiên cứu có phương án cải tạo an toàn mới bỏ rào chắn để du khách đến tham quan, chụp ảnh. Nơi đây cũng đã nhiều lần dán bảng cảnh báo du khách không nên liều mạng ra chụp ảnh vì đường lên mỏm đá nhấp nhô, rất nguy hiểm.

-------------------------------

"Tôi như người chết rồi, mê man bất động suốt hơn nửa tháng. Bác sĩ nói với người nhà nếu không phẫu thuật tôi sẽ chết, nhưng máu đã lan gần kín màng não, tiến hành phẫu thuật tôi cũng không qua khỏi và dặn gia đình chuẩn bị lo hậu sự"...

Kỳ tới: Hai lần qua cửa tử

Lằn ranh sinh tử - Kỳ 4: Trở về từ hang Lằn ranh sinh tử - Kỳ 4: Trở về từ hang 'địa ngục'

TTO - 'Chỉ vài mét nữa là nước đổ xuống đáy hang, sâu hun hút. Tôi chỉ nghe thấy tiếng đá lăn uỳnh uỵch dưới chân rồi chúng rơi xuống đáy hang ầm ầm ghê rợn' - bà Điển bàng hoàng nhớ lại.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên