Ông Trump nói sẽ vẫn tiếp tục dùng Twitter khi đã là tổng thống - Ảnh: Getty Images |
Theo hãng tin AP, thật khó có thể hình dung việc một chính trị gia, nhất là với một người sẽ trở thành tổng thống của nước Mỹ, lại luôn sẵn sàng gọi lại điện thoại cho một số điện thoại lạ sau khi không thể bắt máy.
Nhưng chuyện đó đã xảy ra với ông Trump. Vài giờ sau khi tổng thống đắc cử Trump nghe báo cáo thông tin của các quan chức tình báo về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử, một phóng viên của AP đã gọi điện cho ông với mong muốn được phỏng vấn.
Cuộc gọi của phóng viên này tự động được chuyển sang chế độ hộp thư thoại, người phóng viên cũng không để lại lời nhắn. Nhưng khoảng 1 giờ sau, ông Trump đã gọi lại.
Với ông Trump, đó là chuyện rất bình thường, bất kể là khi ông đang nhận cuộc gọi từ các đối tác bất động sản, những người bạn cũ, các nhà lãnh đạo nước ngoài, các nghị sĩ trong khoảng thời gian nhiều tuần sau khi đắc cử.
Tuy nhiên, ngày 20-1 ông sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ. Và bây giờ, vấn đề của chiếc điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android của ông lại trở thành vấn đề an ninh quốc gia chứ không đơn thuần là chuyện của riêng ông nữa.
Ngày 19-1 ông Trump nói với một người bạn là ông sẽ bỏ cái điện thoại đó vì các cơ quan an ninh thúc giục ông làm vậy.
Tuy nhiên chưa rõ liệu ông có làm như người tiền nhiệm của ông là tổng thống Obama, đổi thiết bị liên lạc cá nhân đó lấy một chiếc Blackberry được thiết kế đặc biệt để đáp ứng các mục đích an ninh cần thiết không.
Nơi làm việc của tổng thống là một khu văn phòng tách biệt và luôn được bảo vệ an ninh ở mức cao nhất.
Dưới thời ông Obama, vì những lo ngại nguy cơ tấn công mạng, đặc biệt là từ các chính phủ nước ngoài, tổng thống cũng buộc phải tuân thủ những hạn chế công nghệ để đảm bảo giữ bí mật quốc gia.
Nhiều tính năng trong chiếc Blackberry của ông Obama đã bị chặn và chỉ một vài người có số điện thoại cũng như địa chỉ email của ông.
Ông Trump không dùng email, nhưng ông dùng điện thoại của ông để "tweet", một việc mà chính ông cũng nói rõ là ông sẽ tiếp tục làm vậy khi đã trở thành tổng thống.
Ông cũng nổi tiếng là người hay gọi điện vào lúc sáng sớm hoặc đêm khuya, thường để có thêm thông tin trước khi ra một quyết định. Đôi khi ông cũng để chế độ hộp thư thoại.
Ông Christopher Ruddy, giám đốc điều hành của Newsmax và cũng là một người bạn của tổng thống đắc cử mô tả ông Trump luôn giữ một phép lịch sự trong sử dụng điện thoại.
Trong khi đó thượng nghị sĩ Bob Corker thì nói ông Trump là "người dễ tiếp cận một cách kinh ngạc", nói rằng tổng thống đắc cử nghe điện thoại ngay cả khi ông không biết ai đang gọi tới.
Các nhà lãnh đạo nước ngoài và giới ngoại giao cũng đã lợi dụng khả năng dễ tiếp cận này trong những ngày sau khi ông Trump đắc cử khi họ muốn tìm mọi cách thức để liên lạc được với ông. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cũng đã có được số điện thoại của ông Trump từ tay golf Greg Norman.
Việc ông Trump dễ bị tiếp cận như vậy đã gây ra không ít cơn đau đầu cho những trợ lý của ông. Họ không thể lúc nào cũng kiểm soát được ông đang nói với ai và nói gì.
Ví dụ điển hình nhất là gần đây, sau khi nữ diễn viên Meryl Streep chỉ trích ông Trump trong diễn văn nhận giải thưởng ở Lễ trao giải Quả cầu vàng, một phóng viên của báo New York Times đã gọi điện cho ông lúc nửa đêm để hỏi quan điểm của ông.
Những chỉ trích của ông Trump với bà Streep ngay lập tức tràn ngập trên các trang báo ngày hôm sau.
Trong khi đó ông Obama được biết là người không dùng điện thoại di động để gọi hay nhận cuộc gọi. Ngay cả những quan chức chính phủ cao cấp cũng không có số của ông, và họ thường chỉ liên lạc được với ông qua tổng đài của Nhà Trắng. Chính ông Obama cũng thông qua tổng đài này để gọi điện khi cần.
Ông Obama cũng có một chiếc điện thoại để dùng Twitter, nhưng chỉ một cái có thể truy cập vào tài khoản chính thức của tổng thống trên Twitter để phòng nguy cơ bị tấn công.
Và ngay cả thế thì ông Obama cũng hiếm khi nhấn nút "send" mà không trao đổi trước về nội dung với các nhân viên của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận