06/08/2019 10:58 GMT+7

Làm nông ở xứ chuột túi

ANH ĐÀI - THÚY HÀ
ANH ĐÀI - THÚY HÀ

TTO - 'Cần người hái dâu vùng Bullrook. Cần người bẻ cà và bó cải ở Melbourne. Farm nho vùng Midura cần người...'

Làm nông ở xứ chuột túi - Ảnh 1.

Người Việt thu hoạch cà chua ở Melbourne - Ảnh: A.Đ.

Đó là những quảng cáo nhan nhản trên các trang tuyển nhân công ở Úc. Nếu như làm nail là nghề phổ biến của người Việt tại Mỹ, thì làm farm (nông trại) cũng "nổi tiếng" tương tự đối với cộng đồng người VN tại Úc.

Nhiều người Việt làm chủ farm ở Úc nhưng thường có quy mô nhỏ.

Ông NGUYỄN VĂN MƯỜI

Từ làm mướn lên "phú nông"

Chỉ một tuần sau khi đến Úc, ông Nguyễn Văn Mười đã bắt tay ngay vào việc mới mà thật ra "xưa như trái đất" ở quê hương ông. Đó là đi làm mướn cho nông trại. 

Hồi đầu thập niên 1980, ông được trả 6 đôla Úc cho một giờ làm việc, đủ mua... 25 ổ bánh mì thịt. Mức lương đó đã tăng hơn gấp ba lần ở hiện tại, nhưng giá ổ bánh mì giờ cũng trên 5 đôla.

Chăm chỉ làm một thời gian, ông Mười đã có một farm của riêng mình. Theo ông, hiện vùng Virginia ở Nam Úc có tới hơn 90% nông trại do người Việt làm chủ. 

Họ trồng các loại cà chua, dưa leo, ớt chuông... trong nhà nilông. Các loại rau như quế (mùi vị nhẹ hơn quế VN một chút, ở Úc gọi "Thai Basil" vì lấy giống từ Thái Lan) được trồng nhiều ở tiểu bang Queensland và được phân phối qua các tiểu bang khác.

Ở Úc, tìm chủ farm người Việt rất dễ. Chẳng cần đi đâu, cứ lướt quảng cáo và bấm điện thoại gọi cho thầu farm để xin việc. Hãy giới thiệu là người Việt để họ môi giới làm việc ở trang trại đồng hương. 

Thời gian nghỉ hè ở xứ chuột túi này, tôi và hai người bạn đến từ Sài Gòn đã quyết định dành dụm tiền đi du lịch bằng làm thuê ngắn hạn cho nông trại. 

Những ngày ở Darwin có khí hậu na ná quê nhà, chúng tôi đã xin đi hái xoài, cam và chuối cho trang trại của ông Ba Hùng - một người miền Nam đã định cư Úc hơn 20 năm.

Cặm cụi hái suốt tuần mỗi đứa chúng tôi cũng kiếm được gần 1.000 đôla Úc. Ông Hùng hào phóng "bo" thêm mỗi đứa 200 đôla để đi chơi. Lý do ông chủ đồng hương này rộng tay cũng hết sức dễ thương: "Tại nghe cái giọng Nam đặc của đám bay làm tao nhớ tía má tao". 

Từ làm công, ông Hùng đã lên làm chủ được gần 10 năm nay với nông trại rộng, đủ việc làm cho gần 30 người làm công. Ngoài trồng các giống cây ăn trái nhiệt đới, ông còn nuôi đàn bò mấy trăm con để tận dụng đồng cỏ bao la.

Nghe chúng tôi hỏi "sao chú thành ông chủ lớn ngon lành vậy?", ông cười rổn rảng: "Tại hồi ở quê tao mần ruộng cực quá, nên qua đây làm cái gì cũng thấy dễ ợt".

Nói vậy nhưng không hẳn vậy. Qua những câu chuyện của người địa phương, chúng tôi biết ông Hùng cũng đi làm mướn từ lở loét đến chai tay như mặt gỗ băm mới gầy dựng được. 

Do đó, tuy làm chủ nông trại cũng là nghề "hái ra tiền", nhưng nhiều người không xem là việc "cha truyền con nối". Như trường hợp của ông Mười hơn 30 năm làm chủ nông trại, nhưng con cái không ai theo nghiệp cha mà đều trở thành bác sĩ, luật sư...

Thầu farm và người làm

Làm việc thu hoạch ở farm thường không ai ký hợp đồng chính thức vì tính thời vụ của các loại nông sản. Nhiều du học sinh VN tranh thủ dịp hè để làm thêm. Những nông trại lớn thường không trực tiếp tuyển người mà thông qua nhà thầu nhân công. 

Họ vừa nhận tiền hoa hồng từ chủ farm vừa có thêm tiền từ việc cho mướn phòng. Ngoài ra, mỗi ngày họ còn có thể kiếm tiền bằng việc chở người đi làm farm hoặc lai rai thu nhập từ trực tiếp hái trái cây.

Là sinh viên chỉ làm thời vụ ngắn ngày, chúng tôi có thể dễ dàng kiếm việc ở farm nhờ các nhà thầu này, mà trong đó có rất nhiều người gốc Việt. Sáng đầu hè, chúng tôi chưa thực hiện hết chục cuộc điện thoại, đã có 5 nơi nhận làm ngay. 

Thật sự không sợ thiếu việc, chúng tôi chỉ băn khoăn về vấn đề tiền lương, thu hoạch nông sản gì và điều kiện ăn ở tại chỗ ra sao.

Người bản xứ hay đến từ các quốc gia có thể trạng cao to thường ngại thu hoạch các nông sản lùm thấp, ngược lại phù hợp với người Việt. Khi nghe chúng tôi đồng ý hái dâu "còng lưng", chủ thầu liền vui vẻ: "Việc này nhiều lắm. Sáng mai mấy đứa lên xe đi ngay. Làm bèo cũng được 100 đôla một ngày".

Mấy thầu farm tìm việc cho chúng tôi khá thoải mái. Định cư Úc đã lâu, họ còn ưu ái giúp đỡ sinh viên đồng hương tìm việc. Chẳng hạn "để cô chỉ cho tụi cháu làm ở farm ông Bảy này có lương khá hơn", hay "nên làm ở chỗ bà Năm kia có chỗ ăn ở đàng hoàng". 

Tuy nhiên, chúng tôi nghe cũng có những chuyện "lùm xùm". Bởi lương nhân công trả theo ký sản phẩm hái được, nên trong lúc cân để tính tiền công, một số chủ thầu... thầu luôn phần chênh lệch. Mỗi thùng họ chỉ "vô ý" tính lệch chừng nửa ký đến một ký. 

Thấy không bao nhiêu nên ai cũng nhắm mắt làm ngơ cho yên chuyện. Nhưng tính ra một người hái được vài chục thùng, chỉ chừng hơn chục người thì số "chênh lệch" ấy không phải là nhỏ...

Ngại nhất thời tiết

Tuy nhiên, không phải chủ thầu nào cũng vậy, nhiều người cũng làm việc hái trái cây như nhân công. Họ chỉ kiêm thêm việc kiếm và chở người đi làm để tăng thu nhập. 

Thi thoảng thấy các cô du học sinh trắng trẻo mới chân ướt chân ráo làm farm vất vả, họ còn "thương cảm" mà hái giúp cho, cũng là để tỏ chút sự ưu ái với "người đẹp" chưa từng quen gió sương.

Nhiều người bảo làm farm rất cực. Có người lại nói không hề khổ. Đó là tùy công việc được giao và tùy loại nông sản. Cũng làm farm nhưng ở khâu lựa trái cây thì ngồi chỗ mát sẽ không vất vả gì so với ra đồng. 

Nếu hái táo, lê thì phải rướn người lên cao và hay bị đau gáy cổ, đau vai. Còn loại mọc thấp như dâu tây sẽ không đau gáy, nhưng lại dễ bị đau lưng khi cả ngày phải ngồi xổm. Thậm chí, có người chọn cách bò hoặc quỳ để hái cho bớt mỏi. 

Làm farm măng tây phải khom lưng như hái dâu, lại đòi hỏi thức khuya làm đêm vì măng tây thu hoạch đêm có chất lượng tốt hơn.

Một người chưa quen việc có khi dang nắng dầm mưa cả ngày chỉ kiếm được 50 đôla (hơn 800.000 đồng VN), tương đương 4 tô phở ở Úc. Người làm nhanh có thể hái 70, 80 giỏ một ngày, kiếm tiền nhiều hơn hẳn. 

Tuy vậy, hầu hết họ đều phải thức từ 3h, 4h sáng để đi làm. Mùa hè ấm áp còn đỡ, gặp những ngày lạnh buốt phải thức sớm thật không dễ chịu chút nào. Chưa kể tới khí hậu thay đổi liên tục, có những ngày nắng nóng trên 40oC, rồi những ngày mưa gió bão bùng họ vẫn phải làm.

Tuy nhiên, dù nói gì thì nói, farm vẫn là việc được nhiều người Việt ở Úc gắn bó. Có người cho rằng do dân Việt khởi nguồn từ nền văn minh lúa nước nên hợp vườn tược. Còn sinh viên chúng tôi lại nghĩ đơn giản rằng: "Ráng còng lưng mần ít hôm kiếm tiền đi học tiếp. Không ràng buộc gì. Khỏe re như bò kéo xe".

Chủ farm phải học dùng thuốc trừ sâu

farm uc

Tại một số tiểu bang ở Úc, các chủ farm được yêu cầu phải qua khóa đào tạo về việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp. Điều này vừa giúp các chủ trang trại sử dụng đúng các phương cách dùng hóa chất để tốt cho cây trồng vừa bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng sản phẩm.

Lên Sài Gòn làm... nông dân Lên Sài Gòn làm... nông dân

TT - Gần đây, tại vùng ven TP.HCM có khá nhiều người từ các vùng quê lên Sài Gòn để làm... nông dân. Họ dựng chòi, quây bạt sống thành xóm nhỏ nằm gần những cánh đồng lúa, ruộng hoa màu... sát bên những dãy nhà cao tầng.

ANH ĐÀI - THÚY HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên