Góp ý được đưa ra trong văn bản gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp ý một số nội dung liên quan đến xây dựng dự thảo nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" (sửa đổi).
Bỏ nhà văn ra
Được biết dự thảo nghị định sửa đổi có điểm mới nhất là đối tượng xét tặng danh hiệu được bổ sung "người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật" bên cạnh nghệ sĩ biểu diễn.
Đề nghị này đã được bà Trần Thị Thu Đông - chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - đưa ra trước Quốc hội hồi tháng 6-2022, góp ý cho Luật Thi đua khen thưởng vừa được ban hành. Lúc đó bà Thu Đông đề xuất bổ sung danh sách xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhà nhiếp ảnh, kiến trúc, soạn giả sân khấu và tác giả văn học.
Đề xuất này của bà đã gây ra những tranh luận trái chiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đơn vị nêu quan điểm về đề xuất xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, soạn giả sân khấu và tác giả văn học đã cho biết ban chấp hành hội thống nhất quan điểm: đồng tình chủ trương mở rộng đối tượng được trao danh hiệu, nhưng không phải nhà văn.
Vì vậy lần này chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam chỉ đề xuất mở rộng xét tặng danh hiệu cho ba đối tượng: nhà nhiếp ảnh, soạn giả, kiến trúc sư.
Phải là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam mới được xét danh hiệu
Góp ý riêng đối tượng nhà nhiếp ảnh, hội đề xuất các thành phần được xét danh hiệu gồm: nghệ sĩ sáng tác, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh.
Các thành phần xét tặng danh hiệu này phải là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam ít nhất 7 năm, thời gian hoạt động được tính từ thời điểm được kết nạp vào hội văn học nghệ thuật các địa phương hoặc hội nhiếp ảnh các tỉnh/thành phố.
Hội cho biết tính đến hết tháng 12-2022, sau gần 58 năm thành lập, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có 1.068 hội viên.
Đối với tiêu chuẩn "có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích đón nhận", hoặc "có tác phẩm có giá trị xuất sắc về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích đón nhận" là do đánh giá của hội đồng chuyên ngành cấp trung ương.
Do đặc thù nhiếp ảnh ít cuộc thi ảnh, ít huy chương (từ năm 2010 đến nay, trong tất cả các cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế, cả nước chỉ trao 799 giải chính, trong đó có 174 huy chương vàng cho tác giả Việt Nam), hội đề nghị bổ sung bảng quy đổi giải thưởng lĩnh vực nhiếp ảnh.
Hay xét cả giải thưởng xuất sắc hằng năm của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; giải thưởng hằng năm của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; một số cuộc thi, liên hoan khác ở cấp quốc gia, khu vực, quốc tế có sự bảo trợ về chuyên môn của hội.
Huy chương vàng, cúp vàng các cuộc thi ảnh quốc tế (giải thưởng quốc tế) không vượt quá 30% số huy cương, cúp trong nước.
"Nếu xét khách quan thì ngại gì điều tiếng"
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về đề xuất xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhà nhiếp ảnh, kiến trúc sư, soạn giả sân khấu trước đây từng bị phản đối, nhiều ý kiến cho rằng các hội đoàn, văn nghệ sĩ nên lo nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật hơn là chạy theo danh hiệu, giải thưởng, bà Thu Đông chia sẻ thẳng thắn:
"Dĩ nhiên, đã là văn nghệ sĩ thì phải lo chất lượng là trên hết. Nhưng tôi đề xuất là do sự không công bằng trong luật hiện hành đối với chín chuyên ngành văn học nghệ thuật với nhau (có thành phần được xét tặng danh hiệu, thành phần khác lại không - PV).
Vả lại, danh hiệu của Nhà nước thể hiện sự ghi nhận của xã hội đối với sự đóng góp của văn nghệ sĩ cho đất nước, nếu chúng ta xét khách quan, đúng người, đúng tác phẩm thì ngại gì điều tiếng.
Hay nói ngược lại, nếu ngại điều tiếng thì Nhà nước không dám ghi nhận đóng góp của văn nghệ sĩ đối với xã hội hay sao?".
Cần quy định cụ thể hơn trường hợp thu hồi danh hiệu NSND, NSƯT
Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong góp ý với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì đồng tình với tinh thần sửa đổi là mở rộng đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Tuy nhiên, hội này cũng góp ý dự thảo nghị định mới cần làm rõ thêm vai trò, ảnh hưởng tích cực và cả tiêu cực của nghệ sĩ với cộng đồng, nhất là những hoạt động quảng cáo, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội như đã xảy ra vừa qua làm ảnh hưởng đến danh hiệu nghệ sĩ.
Đồng thời cũng cần quy định cụ thể hơn trường hợp thu hồi danh hiệu NSND, NSƯT khi nghệ sĩ vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu tới xã hội.
Thăm dò ý kiến
Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam vừa góp ý với Bộ Văn hóa, Thể thảo và Du lịch đề nghị cần bổ sung thêm các đối tượng: nhà nhiếp ảnh, soạn giả, kiến trúc sư được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Quan điểm của bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận