Vào cuối thập niên 1980, gia đình tôi ở tỉnh Quảng Ngãi, lúc đó còn nhiều nghèo khó. Cha má tôi làm nông vất vả mới đủ nuôi một đàn con đông là bảy anh chị em tôi đang tuổi ăn tuổi lớn.
Anh chị em tôi học hết cấp III rồi chọn học nghề nuôi thân. Nhà chỉ có duy nhất tôi sáng dạ, học giỏi nên cha má tâm nguyện dù khó khăn cũng cố gắng nuôi tôi ăn học tới nơi tới chốn.
Má thường khuyên bảo nhà mình nghèo, chỉ có tôi được học hành đến nơi đến chốn, vì vậy phải cố gắng nhiều hơn.
Cầm thư của má đọc, tôi không kìm nén được lòng mình. Lá thư đầy lỗi chính tả bởi tuổi thơ nghèo khó của má không được học hành đến nơi đến chốn
Em trai vướng vòng lao lý
Năm 1997, tôi đậu vào Trường đại học Sư phạm Huế và Trường đại học Luật TP.HCM. Tôi quyết định chọn trường luật để thực hiện ước mơ đời mình.
Đang học năm nhất với một kết quả nỗ lực, chuyện đau buồn đã xảy ra với gia đình. Tôi nhận được điện thoại của má gọi vào từ quê bảo em trai tôi bị bắt và bị tạm giam vì theo nhóm bạn trong xóm trộm cắp xe đạp.
Những ngày ngắn ngủi ở quê, nhìn thấy má thẫn thờ, lo lắng, có lúc má len lén ngồi khóc một mình, tôi vừa giận đứa em trai hư đốn vừa thấy thương má nhiều hơn.
Tin em tôi bị bắt đã lan ra cả xóm. Tôi cảm thấy xấu hổ với mọi người. Nhìn má gầy rộc, đau buồn, tôi khuyên má và hi vọng một bản án treo cho cậu em.
Ngày em trai tôi ra tòa, hành vi trộm cắp được cho là nghiêm trọng và để răn đe, hội đồng xét xử đã tuyên án 24 tháng tù.
Má tôi đã ngã quỵ sau bản án, tôi thẫn thờ trước một bản án quá nghiêm khắc. Má lê bước chân nặng trĩu cố với theo chiếc xe tù bít bùng...
Những ngày tiếp sau đó là quãng ngày "đen tối" trong cuộc đời tôi. Tôi trở lại thành phố tiếp tục việc học mà như người vô hồn.
Ngồi trên giảng đường mà đầu óc quay cuồng. Tôi không thể tập trung, tôi luôn bị ám ảnh về một bản án nghiêm khắc, đôi tay bị còng và cái ngoái nhìn lại tìm người thân đầy run rẩy và sợ hãi của em tôi. Tôi giật mình thoảng thốt, nước mắt giàn giụa sau những cơn ác mộng.
Tôi bị stress nặng và mất ngủ triền miên, tôi liên tục sử dụng những viên thuốc an thần khiến đầu óc mụ mị, sức học sa sút, thi rớt nhiều môn. Tôi đã có ý định bỏ học để trở về quê nhà, tìm một nghề để học và sống gần bên má.
Khi nghe tôi có ý định nghỉ học, bạn bè bất ngờ, khuyên bảo tôi phải cố gắng, nếu tôi nghỉ lúc này má tôi sẽ càng đau buồn và suy sụp nhiều hơn.
Lá thư của má giúp tôi bừng tỉnh
Như một định mệnh, một ngày tôi lê bước chân mệt mỏi lên giảng đường, tôi nhận được lá thư của má viết gửi vào từ quê. Cầm thư của má đọc, tôi không kìm nén được lòng mình.
Lá thư đầy lỗi chính tả bởi tuổi thơ nghèo khó của má không được học hành đến nơi đến chốn.
Thư viết:
"Đước, má khuyên con không nhớ má và cũng đừng nhớ nhà để quyết tâm học tập cho đạt kết quả là điều má mừng.
Bao nhiêu là tất cả cho con và má dặn con là không nên tiện tặn cố gắng ăn uống sớm mai và khuya học bài xong thì nhớ ăn khuya hay là uống nước cho khỏe nhớ nghe con.
Thôi má dặn con cố gắng nghe lời má để ở nhà má yên tâm buôn bán tiện tặn gửi tiền cho con. Nhớ nhận được thư em và má thì con gửi thư về cho má biết.
Má của con. Nguyễn Thị An"...
Tôi như bừng tỉnh sau cơn mê. Tôi phải học trước hết vì tương lai của chính tôi cái đã, sau nữa vì niềm tin, niềm hi vọng của má và vì em trai tôi. Tôi trở lại giảng đường với một tâm thế mới, học hành nghiêm túc hơn.
Tôi không còn suy nghĩ nhiều về chuyện buồn của gia đình. Tôi suy nghĩ thấu đáo hơn, em tôi phải trả giá cho chính những bồng bột, sai lầm của nó dù vẫn biết rằng cái giá em phải trả quá nghiêm khắc.
Tôi muốn học để sau này trở thành một luật sư bảo vệ gia đình, bảo vệ lẽ phải và đặc biệt bảo vệ, giúp đỡ những người nghèo khó, yếu thế không may vướng vào vòng lao lý...
Tôi tốt nghiệp loại khá, ra trường vào năm 2002 và được tuyển dụng vào làm việc cho một cơ quan doanh nghiệp nhà nước với chức danh bảo vệ quyền lợi của hàng trăm lao động trong doanh nghiệp. Tôi rất hài lòng với công việc của mình.
Tôi chuẩn bị tham gia một khóa học luật sư của Bộ Tư pháp tổ chức, với mong ước sau này sẽ hành nghề luật sư.
Em trai tôi, sau những phút sai lầm, bồng bột của tuổi trẻ giờ đã có một mái ấm gia đình vững chắc với những đứa con chăm ngoan, học giỏi và là một người con hiếu đạo với gia đình.
Tôi nghĩ nếu không có những lời khuyên kịp thời của những người bạn ở cùng chung nhà trọ ngày đó, đặc biệt nếu không có lá thư "như một định mệnh" của má gửi vào đúng lúc tinh thần tôi sa sút thì có lẽ tôi đã nghỉ học, cuộc đời tôi sẽ ra sao, tôi sẽ không có sự thành đạt của ngày hôm nay.
Hơn 20 năm đã trôi qua, lá thư của má tôi vẫn giữ kỹ bên mình như một báu vật, dù theo thời gian màu giấy đã ố vàng.
Mỗi khi có chuyện buồn, căng thẳng trong công việc, tôi thường lấy thư của má ra để đọc, mỗi lần như thế tôi xúc động, bồi hồi và dường như có một động lực nào đó để tôi có niềm tin, vững bước hơn trên cuộc đời này.
Cảm ơn những người bạn, đặc biệt cảm ơn má với lá thư còn nhiều lỗi chính tả là cả cuộc đời má đã luôn hi sinh vì anh em tôi và đàn con đông, để tôi luôn có niềm tin và vững bước trên đường đời.
Từ ngày 20 đến 24-8, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Trần Thị Khê, Nguyễn Thanh Bình, Mai Hà Trà Dung, Ca Thị Lan Nhi (TP.HCM); Vũ Thị Mỹ Hạnh (Thái Nguyên); Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên); Lương Tường Vân, Lương Văn Thế (Bến Tre), Nguyễn Thị Đoan Thanh...
Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi vui lòng gửi về email khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi "Bài dự thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi"). Trân trọng.
Đồng hành cùng cuộc thi này
Tuổi Trẻ phát động cuộc thi: “Khoảnh khắc thay đổi đời tôi”
* Thể lệ:
Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email.
* Độ dài tối đa: 1.500 chữ.
* Tiêu chí: Câu chuyện có thật, độc đáo, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động.
Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn).
* Đối tượng dự thi:
Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ).
Mỗi tác giả gửi tối đa 2 bài.
* Giải thưởng:
Nhất: 30 triệu đồng.
Nhì: 20 triệu đồng.
Ba: 10 triệu đồng.
Và 3 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.
*l Thời gian bắt đầu và kết thúc:
Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động.
Kết thúc và trao thưởng vào tháng 12-2018.
Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.
Bài thi gửi về: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, VN. Hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.
Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận