27/04/2020 16:14 GMT+7

'Lá chắn' bảo vệ thành phố trong đại dịch

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Dịch COVID-19 bùng phát đã khiến Đà Nẵng như một cỗ máy khổng lồ bị nhấn nút "tạm dừng". Một hàng rào chống dịch quy mô lớn được thiết lập bao quanh thành phố. Ở đó, mỗi ngày trôi qua là những khoảnh khắc căng thẳng của cán bộ.


Lá chắn bảo vệ thành phố trong đại dịch - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tại chốt kiểm dịch trên đường Trường Sa (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) thông báo thân nhiệt của người đi đường trưa 2-4 - Ảnh: B.D

"Hàng tiếp tế xài không hết"

Chốt kiểm dịch gồm nhiều lực lượng do UBND quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) tổ chức ở đường Trường Sa, giáp ranh với tỉnh Quảng Nam được xem là chốt "yết hầu" ngăn dịch giữa Đà Nẵng và Hội An. Suốt từ ngày 12-3 đến nay, không một chuyến xe nào qua tuyến đường này bị bỏ lọt. Tất cả tài xế, người trên xe, trong đó có rất nhiều khách du lịch từ các nước vùng dịch đều phải xuống chốt để đo thân nhiệt, lấy tờ khai y tế phục vụ công tác kiểm soát dịch.

Có mặt ở trạm chốt này trưa 2-4 là 3 y bác sĩ, nhân viên y tế cùng 4 sinh viên tình nguyện. Hỗ trợ những người này là lực lượng dân phòng, cảnh sát giao thông. Dù nắng chang chang nhưng những người làm nhiệm vụ vẫn không thể cởi bỏ bộ quần áo bảo hộ trùm từ gót chân lên vùng đầu, mọi người chỉ có thể nhận ra nhau qua tấm kính bảo hộ và giọng nói. Ở tất cả các chốt kiểm soát dịch những ngày này, có một hình ảnh mà luôn gây xúc động và ấm lòng là sự san sẻ, đồng hành của tất cả người dân.

Chúng tôi đã chứng kiến những vị tài xế grap car chở khách từ Đà Nẵng vào Hội An, khi được yêu cầu hướng dẫn khách vào kiểm dịch thì tài xế tươi cười ôm từ sau thùng xe một thùng nước ngọt để tặng cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế đang túc trực. Hay những người đi đường, khi thấy tình nguyện viên phải đứng giữa nắng nôi họ đã tự về nhà ra chợ mua cam, chanh về làm nước uống rồi đưa ra trao cho từng thành viên.

Ở chốt chống dịch đường Trường Sa của quận Ngũ Hành Sơn, phía sau chiếc bàn làm việc của các y bác sĩ là những chiếc sạp giường kèm tấm chăn mỏng được kê tạm để làm chỗ nghỉ ngơi lấy sức. Kế bên những chiếc sạp ấy là những thùng bánh, trái cây, nước ngọt… tấp thành từng dãy.

Lá chắn bảo vệ thành phố trong đại dịch - Ảnh 2.

Hàng hoá, trái cây tươi, bánh sữa… được người dân tiếp tế cho cán bộ làm nhiệm vụ tại chốt đèo Hải Vân - Ảnh: B.D

Một tình nguyện viên mà chúng tôi trò chuyện khi đang đo thân nhiệt cho khách từ Hội An ra Đà Nẵng còn cung cấp một câu chuyện vô cùng ấm áp. Đó là việc hai tuần đầu tiên chốt được lập ra, một chủ công trình khách sạn nằm kế bên chốt khi tới giờ cơm của thợ hồ, người này cho shipper gửi cơm tới luôn toàn bộ cán bộ, y bác sĩ ở chốt chống dịch COVID-19 nằm kế công trình của ông. 

Giữa trưa, khi đang lo đo thân nhiệt cho người đi đường, những suất cơm ấm nóng, sạch sẽ được người mang cơm chuyển tới tay y bác sĩ trong sự bất ngờ. Hỏi ra thì mới biết người chủ công trình xây dựng đã điện đặt cơm để hỗ trợ.

Chị Đoàn Thị Phương Thảo - y sĩ tại Trạm Y tế Hoà Hiệp Bắc (Liên Chiểu) làm nhiệm vụ chốt trực ở chốt đầu vào phía Bắc TP Đà Nẵng cho biết suốt những ngày chốt chặn ở trạm, lực lượng làm nhiệm vụ luôn được người dân, người đi đường và bà con lân cận chốt tiếp tế nhu yếu phẩm.

Căng mình ở "tuyến lửa"

Chị Đoàn Thị Phương Thảo là y sĩ đầu tiên tại Trạm Y tế Hoà Hiệp Bắc được điều động đi chống dịch và đứng chốt từ ngày đầu thành phố ra quân tới nay. Theo chị Thảo, lúc 22h đêm 14-3, lệnh từ Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu điều động nhân viên các bộ phận lên đường lập chốt ở đầu vào đèo Hải Vân thì chị là người đã được điều động lên đường.

Đêm ấy, ca trực của mọi người kéo dài tới đầu giờ sáng và lượt người được đo lên tới hơn 300 - chủ yếu là tài xế và hành khách đi đường. Chị Thảo cho biết thời điểm đầu khi tiếp xúc với người đi đường, lúc dịch bệnh còn căng thẳng vì có chút sợ hãi. Người nhà chị cũng lo lắng nhưng giờ thì đã vững lòng hơn.

"Anh em ở chốt cũng căng mình làm nhiệm vụ, từ CSGT, bộ đội, công an thường trực, y bác sỹ cho tới các em sinh viên… tất cả đều cúi đầu làm nhiệm vụ chứ không than vãn gì. Được người dân ủng hộ, hợp tác nên chúng tôi rất vững tâm" - chị Thảo nói.

Lá chắn bảo vệ thành phố trong đại dịch - Ảnh 3.

Lực lượng quân đội làm nhiệm vụ hướng dẫn khai báo y tế cho người đi đường tại chốt đèo Hải Vân - Ảnh: B.D

Còn chị Nguyễn Thị Bích Hà -nhân viên tại Trạm Y tế phường Mỹ An (Ngũ Hành Sơn) tâm sự rằng mỗi ngày chị cùng anh em phân nhau túc trực theo 3 ca. Ca buổi sáng được xem là quãng thời gian căng thẳng nhất bởi tuyến đường nối Đà Nẵng với Hội An chạy dọc ven biển không lúc nào ngớt xe cộ qua lại.

Theo lệnh của Đà Nẵng, chốt kiểm dịch, hỗ trợ du khách và người dân khai báo y tế được Đà Nẵng tổ chức từ đầu tháng 3 và được duy trì tới nay. Y bác sĩ, các cán bộ công an và những tình nguyện viên là những người tiếp xúc trực tiếp với người đi đường để nói chuyện, đo thân nhiệt, thực hiện tờ khai y tế. 

"Mỗi ngày tôi chỉ về nhà được một lúc rồi lại ra chốt làm nhiệm vụ. Từ hôm có dịch đến nay phải tiếp xúc thường xuyên với nhiều người, đặc biệt là người nước ngoài nên dù có về nhà cũng phải giữ khoảng cách với mọi người trong gia đình. Hôm nào có ca trực vào ban đêm thì phải ngồi ở chốt canh trắng đêm" - chị Hà nói.

Những "hoa tiêu tinh thần"

Không nằm trong những lực lượng được điều động "chính quy" nhưng có mặt ở các trạm chốt, có một lực lượng luôn hỗ trợ đắc lực và đóng vai trò tinh thần vô cùng lớn cho công tác phòng chống dịch. Đó là các sinh viên tình nguyện.

Phạm Đình Quý - tình nguyện viên, là sinh viên năm thứ 3 một trường đại học. Ngay khi có dịch, được tổ chức Đoàn kêu gọi, Quý cùng những tình nguyện viên viết đơn xung phong lên đường ra cắm chốt. Nhiệm vụ của họ là phiên dịch viên hỗ trợ các nhân viên y tế, hướng dẫn người dân khai tờ khai y tế, lo liệu hậu cần.

"Có những đêm tụi em phải thức trắng vì xe di chuyển quá lớn, còn lúc trúng ca vào ban ngày thì đúng là cực hình bởi phải bận bộ đồ trùm kín mít cơ thể, đứng giữa nắng để kiểm tra y tế cho khách" - Quý nói. Chàng sinh viên này cũng nói rằng nhiều tình nguyện viên cũng chấp nhận không về quê mà ở lại làm nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch.

"Tôi yêu Đà Nẵng" vào đề thi văn, lan tỏa những điều tử tế 'Tôi yêu Đà Nẵng' vào đề thi văn, lan tỏa những điều tử tế

TTO - Chương trình tôn vinh những gương mặt tiêu biểu về người tốt, việc tốt Tôi yêu Đà Nẵng do báo Tuổi Trẻ và UBND TP Đà Nẵng tổ chức vừa được đưa vào đề thi môn Ngữ văn.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên