Dù khác tên gọi nhưng Kun Khmer lại giống với Muay Thái - môn võ cổ truyền của Thái Lan không được Campuchia đưa vào chương trình thi đấu. Vì vậy, Thái Lan đã tẩy chay không tham dự môn Kun Khmer tại SEA Games 32.
"Dậy sóng" trước ngày tranh tài
Tranh cãi về nguồn gốc Muay Thái và Kun Khmer đã có từ lâu. Giới võ thuật Campuchia và Thái Lan đều cho rằng đây là môn võ cổ truyền của mình. Những người ủng hộ Campuchia thì cho rằng Muay Thái có nguồn gốc từ người Khmer, còn những người ủng hộ Thái Lan lại cho rằng Kun Khmer được sao chép từ Muay Thái.
Nhưng đỉnh điểm của mâu thuẫn giữa hai môn võ này chính là việc chủ nhà Campuchia đưa Kun Khmer vào chương trình thi đấu và loại môn Muay Thái khỏi SEA Games 32. Điều này khiến Liên đoàn Muay Thái thế giới (IFMA) đã gửi thư đến sáu liên đoàn thành viên, trong đó có Việt Nam, dọa sẽ cấm các võ sĩ tham dự các giải đấu thuộc hệ thống Muay quốc tế nếu thi đấu môn Kun Khmer tại SEA Games 32.
Dù vậy vẫn có năm quốc gia đăng ký tham dự môn Kun Khmer tại SEA Games 32 là Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Lào và Campuchia.
Trưởng đoàn đội tuyển Kun Khmer Việt Nam tại SEA Games 32 Giáp Trung Thang chia sẻ: "Kun Khmer và Muay Thái đã "chiến đấu" với nhau lâu rồi, nên khi Campuchia đưa Kun Khmer vào thi đấu ở SEA Games 32 là xảy ra chuyện ngay. Ban đầu tên gọi của môn này là Kun Muay, nhưng sau đó lại đổi thành Kun Khmer và dẫn đến mâu thuẫn quyết liệt.
Sau khi nghe IFMA thông báo về việc không được cử VĐV tham dự môn Kun Khmer tại SEA Games 32, chúng tôi đã làm việc với chủ tịch IFMA và cho biết có cấm chúng tôi tham dự các giải Muay Thái quốc tế sau đó cũng đành chấp nhận vì SEA Games là đại hội lớn của thể thao khu vực.
Chúng tôi được Ủy ban Olympic cử đi theo danh nghĩa quốc gia chứ không phải Liên đoàn Muay quốc gia. Dù vậy, chúng tôi cũng cử một đội khác đi đánh giải Muay Thái vô địch thế giới 2023 tại Bangkok từ ngày 3 đến 15-5 nhằm tránh xảy ra căng thẳng không đáng có".
Không chỉ đăng ký tham dự Kun Khmer tại SEA Games 32, Việt Nam còn đăng ký là thành viên của Liên đoàn Kun Khmer quốc tế vào cuối tháng 1-2023. Ngoài Việt Nam, năm nước khác trong khu vực cũng tham gia Liên đoàn Kun Khmer quốc tế là Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào và Campuchia.
Ông Thang cho biết Liên đoàn Kun Khmer quốc tế hiện có khoảng 40 nước, nhưng chỉ tổ chức đánh chuyên nghiệp chứ không có nhiều giải đấu như Muay Thái.
Việt Nam hy vọng giành 3 HCV
Ở SEA Games 31, chủ nhà Việt Nam đã dẫn đầu toàn đoàn ở môn Muay Thái khi giành 4 HCV, hơn 1 HCV so với Thái Lan - quốc gia khai sinh ra môn võ này. Không còn Muay Thái ở SEA Games 32, nhưng Việt Nam cũng tự tin hướng đến việc giành 3 HCV ở môn Kun Khmer.
Ngày 5-5, môn Kun Khmer sẽ khai mạc và thi đấu từ ngày 6 đến 14-5. Việt Nam tham dự 17/19 nội dung (15 đối kháng và 2 quyền). Thành phần tham dự của Việt Nam là các võ sĩ Muay Thái.
Theo chia sẻ của ông Giáp Trung Thang, môn Kun Khmer thi đấu với luật lệ như Muay Thái (dùng các đòn đấm, đá, chỏ, gối), cách tính điểm cũng giống nên không thành vấn đề với các võ sĩ khi tranh tài. Mặt khác, các võ sĩ Muay của TP.HCM cũng từng sang Campuchia thi đấu Kun Khmer chuyên nghiệp nhiều lần nên mọi thứ càng thuận lợi.
Đội tuyển Kun Khmer Việt Nam đã chia ra tập luyện tại Hà Nội và TP.HCM từ vài tháng qua nhằm chuẩn bị cho SEA Games 32. Khả năng giành HCV của Việt Nam được đặt vào nội dung biểu diễn và đối kháng nữ. Với đối kháng, niềm tin được đặt vào hai nữ võ sĩ từng vô địch Muay Thái thế giới Bùi Yến Ly (hạng cân 54 kg) và Huỳnh Hà Hữu Hiếu (hạng cân 48 kg).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận