Khác với các dự án độ xe buýt khác, căn nhà của Luke Whitaker không di động, có thể gọi là tài sản cố định ngoại trừ việc có bộ khung kim loại và bánh xe - Ảnh: Autoevolution
Gọi là nhà mà không phải "nhà di động" hay motorhome, bởi lẽ đây là một căn nhà "bất động" thực sự, dù có bánh nhưng không hề di chuyển.
Năm 2020, khi nhiều người Anh phải chấp nhận cách ly xã hội và lao đầu vào nấu nướng tại nhà thay vì đi ăn nhà hàng do COVID-19, Luke Whitaker đã biến một chiếc xe buýt thành ngôi nhà nhỏ.
Luke Whitaker là một kiến trúc sư và nhà thiết kế cảnh quan 37 tuổi, đang sống trên mảnh đất vốn là trang trại của cha mẹ ở vùng nông thôn Cotswolds, Vương quốc Anh. Cũng như nhiều người khác bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và lệnh giãn cách xã hội thời kỳ đầu, Luke trở về nhà cha mẹ để tiết kiệm tiền thuê nhà.
Vì tiết kiệm được tiền thuê nhà, anh nảy ra ý tưởng làm căn nhà siêu nhỏ, không lo vỡ nợ. Nếu mua trả góp, nhiều người có thể mất nhà khi bị thất nghiệp hay thu nhập giảm sút. Chỉ với 1.300 bảng Anh (gần 1.700 USD theo tỉ giá hối đoái hiện tại), Luke mua một chiếc xe buýt cũ.
Động cơ bị hỏng nên anh không thể biến xe buýt thành nhà di động như nhiều người khác.
Thay vào đó, anh biến chiếc xe thành một căn nhà nhỏ "bám rễ trên mặt đất".
Mua chiếc xe không thể chạy được sẽ tiết kiệm hơn nhiều - Ảnh: Autoevolution
Anh kéo chiếc xe về trang trại của cha mẹ mình. Có được mảnh đất này, anh không phải lo tìm cách cho xe chạy.
Luke lột bỏ những chiếc ghế trên chiếc xe buýt dài 13m vốn có sức chứa 45 người ngồi. Để cắt giảm chi phí, anh giữ nguyên bản gốc nhiều nhất có thể, và dựa vào những hướng dẫn trên YouTube để làm ra căn nhà cho mình. Chẳng hạn, mái nhà hay nóc xe, đèn chiếu sáng, toàn bộ phần phía trước, ghế lái tài xế, vô-lăng và bảng điều khiển được giữ nguyên. Ngay cả chiếc camera quan sát cũng vẫn còn, dù chỉ đơn thuần làm vật trang trí.
Phần còn lại của chiếc xe được biến thành căn nhà nhỏ ấm cúng cho hai người, với đầy đủ nhà bếp, sảnh khách, khu vực ăn uống và phòng ngủ chính hoàn toàn có thể đóng cửa để giữ riêng tư. Nhà bếp có một bồn rửa, một bếp gas, tủ lạnh và lò nướng, cùng rất nhiều không gian lưu trữ. Những ngày đông, căn nhà cũng có một lò sưởi phù hợp với phong cách mộc mạc.
Vốn là kiến trúc sư, Luke đã khiến bên trong xe buýt ấm cúng không khác gì một căn nhà thật - Ảnh: Autoevolution
Không gian tràn ngập ánh sáng những ngày đẹp trời - Ảnh: Autoevolution
Để lấy điện nước, anh nối dây và đường ống từ xe về nhà bố mẹ. Nước Anh rất khó dùng các thiết bị năng lượng mặt trời như nhiều căn nhà di động khác, bởi Anh nổi tiếng là "xứ sở sương mù", ngày nhiều nắng rất ít.
Điểm trừ là không có bình nóng lạnh hay phòng tắm trong nhà. Nước nóng có thể khắc phục bằng cách đun. Còn phòng tắm được đặt bên ngoài, trong một cái lán được xây dựng đặc biệt - một công trình xây dựng bằng gỗ với vòi sen và nhà vệ sinh, cung cấp đủ sự riêng tư nhưng vẫn đủ mở để mang lại cảm giác hòa mình vào thiên nhiên.
Nhà tắm về cơ bản là một cái lán bên ngoài xe - Ảnh: Autoevolution
Bên ngoài là khu vực ăn uống phụ, có bàn và chỗ ngồi, có thể tận hưởng cảm giác cắm trại hay tổ chức tiệc nướng. Nhưng với thời tiết hay thay đổi của nước Anh, khu vực này cũng ít khi được sử dụng.
Luke sống trong nhà xe buýt với vợ khoảng 10 tháng mỗi năm. Hai tháng hè hiếm hoi của Anh, Luke cho khách du lịch thuê để tích cóp tiền cho một ngôi nhà thực sự trong tương lai. Theo trang Studying-in-UK, giá thuê căn hộ một phòng ngủ trung bình ở Anh vào khoảng 1.000 USD/tháng (thành phố) và 810 USD/tháng (ngoại ô), có thể thấy ít nhất Luke có thể hạnh phúc khi không phải nướng tiền vào thuê nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận