Người dân bang Karen chạy trốn chiến sự giữa quân đội Myanmar và Liên minh quốc gia Karen ngày 28-3 - Ảnh: REUTERS
Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho rằng ngày 27-3 có 107 người thiệt mạng. Đáp lại, truyền thông Nhà nước Myanmar nói chỉ có 45 người chết và cho rằng hành động của quân đội là cần thiết do nhiều người đã sử dụng súng, bom xăng để tấn công lực lượng an ninh.
Mỹ, EU lên án mạnh mẽ
Phản ứng trước các diễn biến trong ngày 27-3, ngày đẫm máu nhất từ khi xảy ra phong trào biểu tình chống đảo chính, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã lên án mạnh mẽ quân đội Myanmar.
"Leo thang bạo lực, với hơn 100 cái chết của thường dân do quân đội Myanmar gây ra vào Ngày các lực lượng vũ trang (27-3) của nước này, là không thể chấp nhận được" - ông Josep Borrell, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, lên tiếng. Ông nhấn mạnh rằng quân đội Myanmar đã biến ngày 27-3 thành "ngày khủng khiếp và xấu hổ".
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28-3 chỉ trích các hành động nhắm vào người biểu tình ở Myanmar là "hoàn toàn vô nhân đạo". "Thật khủng khiếp!" - ông Biden nói với báo giới từ bang Delaware, Mỹ.
Nhưng những ngôn từ mạnh mẽ từ lãnh đạo EU và Mỹ dường như không phải là điều báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền Myanmar Tom Andrews mong muốn.
"Quân đội Myanmar đã kỷ niệm Ngày các lực lượng vũ trang bằng cách giết hàng loạt người mà đáng lẽ họ phải bảo vệ" - ông Andrews tỏ ra bức xúc. Ông nhấn mạnh trong cảnh người dân Myanmar đang đổ máu, những chỉ trích và lên án của quốc tế đã trở nên sáo rỗng và vô nghĩa.
"Người dân Myanmar cần sự hỗ trợ của thế giới. Lời nói thôi là chưa đủ. Cần những hành động phối hợp và mạnh mẽ", trang tin UN News của Liên Hiệp Quốc trích lời ông Andrews nói.
Có lẽ ông Andrews ám chỉ đến nguyên tắc "Trách nhiệm bảo vệ" (Responsibility to Protect - R2P) của cộng đồng quốc tế được nêu trong hội nghị thượng đỉnh thế giới năm 2005 của Liên Hiệp Quốc, trong đó kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ hoặc can thiệp nếu một quốc gia thành viên nào đó không bảo vệ được người dân.
Khủng hoảng chồng khủng hoảng
Trong bối cảnh các phản ứng quốc tế chỉ dừng lại ở mức lên án và trừng phạt quân đội Myanmar, Ashley South - một nhà phân tích tại Đại học Chiang Mai (Thái Lan) - cho rằng các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số (EAO) ở Myanmar sẽ thực hiện nguyên tắc "Trách nhiệm bảo vệ" thay thế các nước lớn, theo báo Irrawaddy. Cuộc đối đầu giữa quân đội Myanmar với các nhóm EAO bùng phát trở lại ở biên giới khiến hàng ngàn người tha hương.
Chiến sự nổ ra ở bang Karen giữa quân đội Myanmar và Liên minh quốc gia Karen (KNU) - một trong các EAO có thế lực ở Myanmar - đã khiến khoảng 3.000 người chạy sang biên giới Thái Lan ngày 28-3, theo Hãng tin Reuters và Đài PBS (Thái Lan).
Hình ảnh được một số hãng truyền thông quốc tế đăng tải cho thấy trong dòng người băng rừng chạy nạn có nhiều trẻ em và người già. Theo lời kể của các nhân chứng, ít nhất 2 chiến đấu cơ của quân đội đã thả bom xuống một khu vực do KNU kiểm soát. Đụng độ qua lại giữa hai bên khiến ít nhất 13 người thiệt mạng.
Xung đột giữa quân đội với EAO được dự báo sẽ làm phức tạp hơn nữa cuộc khủng hoảng hiện tại ở Myanmar. Trong thư ngỏ được đăng tải ngày 29-3, một trong những nhóm tổ chức biểu tình lớn của Myanmar đã kêu gọi EAO "hành động tập thể để bảo vệ nhân dân" trước "sự đàn áp bất công của quân đội", theo Reuters.
Các nhóm EAO đã đối đầu hàng chục năm với chính quyền quân sự để đòi hỏi quyền độc lập, tự trị cao hơn. Mặc dù đa số EAO đã đồng ý ký thỏa thuận ngừng bắn với quân đội, đụng độ đã bùng phát trở lại sau khi quân đội tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ dân sự ngày 1-2.
Tại biên giới phía bắc giáp Ấn Độ, chiến sự cũng bùng nổ giữa quân đội Kachin độc lập (KIA) và quân đội Myanmar. Đáp trả lại cuộc tấn công của KIA - nhóm phiến quân lớn nhất Myanmar, quân đội Myanmar đã huy động các máy bay ném bom tới khu vực. KIA, cũng giống như các nhóm EAO hùng mạnh khác hoạt động ở biên giới, đã phản đối cuộc đảo chính và đứng về phía dân thường, theo tờ Irrawaddy.
Trong một tuyên bố vào đầu tháng 3, KIA kêu gọi quân đội ngừng sử dụng đạn thật chống lại dân thường và đe dọa sẽ hành động nếu có thêm thương vong. KNU, Tân đảng quốc gia Mon là những EAO đầu tiên tuyên bố không công nhận chính quyền quân sự, kéo theo một loạt EAO khác.
Mỹ đình chỉ thương mại với Myanmar
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 29-3 thông báo đình chỉ ngay lập tức Thỏa thuận khung về thương mại và đầu tư năm 2013 cho đến khi Myanmar khôi phục chính quyền dân cử.
Theo Hãng tin AFP, Mỹ lên án mạnh mẽ hành động bạo lực của lực lượng an ninh Myanmar nhắm vào dân thường.
Thỏa thuận được cựu tổng thống Myanmar Thein Sein ký trong chuyến thăm Mỹ tháng 5-2012, nhằm thúc đẩy hợp tác song phương về thương mại và đầu tư.
MINH KHÔI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận