Kỳ 1: Triết lý hạnh phúc Kỳ 2: Giữ môi trường trong từng... hơi thở Kỳ 3: Bản sắc hay là... chết!
Phóng to |
Hình ảnh vô cùng quen thuộc ở đất nước Bhutan: những cung thủ say mê với trò bắn cung - Ảnh: L.Đ.Dục |
Mừng chiến thắng của... đối phương
Bãi thi đấu bắn cung bao giờ cũng có một khoảng cách từ đầu này tới đầu kia chừng 150m, chia làm hai phía, mỗi phía có bia là tấm xốp trắng kẻ những vòng tròn bao quanh hồng tâm, có dựng tường bằng gạch, gỗ, hay bằng đất để các cung thủ nấp vào đó tránh tên bay chệch quá xa. Hình như đã là đàn ông Bhutan thì ai cũng phải biết bắn cung.
Hình ảnh những cung thủ đủ mọi lứa tuổi, trong trang phục truyền thống giương cánh cung dũng mãnh với mũi tên xé gió lao đi cắm vào hồng tâm của tấm bia có lẽ là hình mẫu người đàn ông lý tưởng trong mắt phụ nữ Bhutan. Nhưng với chúng tôi, điều đẹp nhất lại là tiếng hát của những cung thủ ấy. Mỗi khi đối phương từ phía bên kia bắn sang mà mũi tên trúng vào bia, những người đàn ông của phía bên này lại cầm tay nhau reo mừng nhảy múa hát hò vừa để báo cho phía bên kia biết mũi tên đã trúng đích và hát lên cũng là để chúc mừng chiến thắng của đối phương. Sau đó, người vừa bắn tên trúng đích sẽ được thưởng một dải lụa màu giắt vào thắt lưng. Cung thủ nào được nhiều dải lụa càng chứng tỏ tài năng của mình.
Trên những mái đồi hay đồng cỏ, gió miền cao ràn rạt thổi như vậy, nhưng thật kỳ lạ, những mũi tên của những cung thủ xứ này cứ bạt gió cắm phập vào hồng tâm của bia ở khoảng cách 150m. Đâu chỉ là một trò thể thao giải trí, với đôi cánh tay chắc khỏe, sự tính toán khéo léo, ánh mắt tinh anh, những cung thủ này chính là hậu duệ của những thế hệ tiền nhân Bhutan đã nhiều lần đánh bại sự xâm lược của lân bang qua hàng thế kỷ. Và Bhutan là đất nước hiếm hoi ở Nam Á chưa từng bị ngoại bang đô hộ. Sức mạnh và sự khéo léo của một cung thủ sẽ thật cần thiết khi đất nước cần họ tham gia vệ quốc.
Phóng to |
Những lá phướn giăng trên núi, trên cầu qua sông, quanh tu viện... gửi gắm nguyện cầu của người dân lên với cao xanh mà không cần tới... điện thoại di động! - Ảnh: L.Đ.Dục |
Nụ cười thường nhật
Không chỉ có tiếng hát hân hoan của những cung thủ khiến chúng tôi nhận ra niềm hạnh phúc cuộc sống của họ. Trước ngày chuẩn bị chinh phục thiền viện Taktsang trên độ cao 3.140m ở Paro chúng tôi có một buổi “tập dượt” để leo lên tu viện Khamsum Yuley nằm ở phía bắc cố đô Punakha. Vốn là một chortens được xây dựng ngay trên ngọn núi cao, Khamsum Yuley là nơi thờ các vị thần bảo vệ đất nước như ở ta có những ngôi chùa được xây nên để ký thác niềm tin “trấn quốc”.Trên con đường đi lên tu viện này, chúng tôi cận cảnh hơn với cuộc sống của người nông dân Bhutan. Ven chân núi vẫn là những thửa ruộng bậc thang, quen thuộc như đã từng gặp trên những miền cao Tây Bắc. Ruộng không đủ nhiều và đất đai dường như không được tốt tươi màu mỡ, nhưng trên những mảnh ruộng bé tin hin bên triền núi ấy, tôi chứng kiến những nông dân đang vừa làm đồng vừa hát.
Nhờ chàng hướng dẫn viên Leki Dorji, chúng tôi đã trò chuyện với chị Wangmo, một nông dân 40 tuổi, đang gieo lúa trên những mảnh ruộng bé chỉ bằng chiếc chiếu và cụ ông Penjor, 71 tuổi, đang chăn bò bên vệ đường, cùng sống ở làng Yebisa (Punakha) ngay chân núi. Dĩ nhiên câu trả lời của họ với du khách rằng cuộc sống còn khó nhọc nhưng họ vẫn cảm thấy hạnh phúc sẽ chỉ là một câu trả lời “ngoại giao” nếu như không tận mắt thấy nụ cười an lạc trên gương mặt của họ, những nông dân đang sống cuộc đời bình yên giữa thung lũng Paro này. Từ đây nhìn lên tu viện Khamsum Yuley, họ cảm thấy như được bảo bọc trong ánh sáng của đức Phật và nhà vua.
Cũng từ đây nhìn lên sẽ thấy những lá phướn đủ sắc màu tung bay trên triền núi quanh tu viện. Ở Bhutan bạn có thể thấy khắp nơi những dây phướn bằng vải ngũ sắc như thế giăng giăng quanh mái dzong hay từ đỉnh núi này qua đỉnh núi khác, từ bên này sông qua bên kia sông... Những lá phướn viết bằng thứ tiếng dzongkha của Bhutan với nét chữ nhảy múa như những vũ điệu tâm linh rất riêng của cư dân bên triền Himalaya chứa đựng những ước mong và nguyện cầu của họ. Với nhiều nông dân Bhutan, sắm được điện thoại di động giờ vẫn là điều hơi xa xỉ, nhưng có lẽ hàng trăm năm trước khi điện thoại di động ra đời, những người Bhutan đã có cách để chuyển thông tin của họ lên đến Thượng đế và đức Phật. Những lá cờ phướn bằng vải chép đầy kinh nguyện ấy trong cơn gió ào ạt trên núi xa sẽ tung bay và chuyển lên trời những điều họ muốn nói mà không cần đến chiếc điện thoại di động hiện thân của văn minh thế kỷ 21 kia! Hạnh phúc từ chính tâm linh mình, an lạc từ bên trong tâm hồn mình chính là hành trình của những cư dân Bhutan.
Nhưng không thể nói về hạnh phúc chỉ với những khái niệm tâm linh mơ hồ như thế. Giữa cõi người đầy sân si, thực tế những câu chuyện về vật chất thông thường tác động vào thước đo hạnh phúc thì Bhutan vẫn điềm tĩnh giữ một sự quân bình hiện diện trên những giá trị vật chất cụ thể, ví như chuyện xe cộ, nhà cửa. Ở Bhutan thật khó mà nói được điều đó khi nhìn vào nhà cửa hay xe cộ! Kiến trúc nhà ở của Bhutan tuân thủ theo quy định riêng, cùng khuôn mẫu kế thừa như kiến trúc các dzong, có thể thấy nhà này to hơn nhà kia chút ít nhưng không thể nhìn vào đấy để đánh giá khoảng cách giàu hay nghèo, xấu hay đẹp.
Tương tự như thế, trên đường phố của các đô thị lớn ở Bhutan, chiếc ôtô gia đình thông dụng hầu hết là loại xe nhỏ bốn chỗ ngồi hiệu Maruti của Hãng Suzuki (nhang nhác như Kia Morning ở Việt Nam), hiếm hoi lắm mới thấy những chiếc Toyota Prado hay Santa Fe. Ngay một người bạn mới quen của chúng tôi, tổng giám đốc Đài truyền hình Bhutan (Bhutan Broadcasting Service - BBS), anh Tashi Dorji khi đến khách sạn đón chúng tôi đi cà phê, anh và gia đình cùng đi trên một chiếc Hyundai i20 rất bình dân. Trang phục của người Bhutan thì ai cũng như ai, luôn là những chiếc gho và kira truyền thống. Hình như người Bhutan ít mắc phải hội chứng “phải hơn chúng nó” như nhiều xứ khác.
----------------------------------------------------
Kỳ tới: Từ “vương quyền” đến “dân chủ”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận