Đấy là lời giải thích của vua Jigme Singye Wangchuck với phóng viên New York Times từ năm 1991 được National Geographic trích dẫn lại trong một số báo chuyên đề về Bhutan của tờ tạp chí nổi tiếng này.
Kỳ 1: Triết lý hạnh phúc Kỳ 2: Giữ môi trường trong từng... hơi thở
Phóng to |
Tu viện Taktsang được xây cheo leo trên độ cao dựng đứng hơn 700m so với đáy vực - Ảnh: L.Đ.Dục |
Từ “pháo đài” đến “lâu đài”
Những ngày lang thang qua những TP hay làng mạc của Bhutan, từ thủ đô tới cố đô, dấu ấn văn hóa để lại ấn tượng nhất từ đất nước này có lẽ chính là các “dzong”. Dzong là những pháo đài ngày xưa được dựng lên để bảo vệ đất nước, giờ đây dzong trở thành những trung tâm tôn giáo và hành chính, với vẻ đẹp bền vững bề thế của pháo đài, vừa rực rỡ, sang trọng như những lâu đài, cung điện.
Thật kỳ lạ khi biết rằng những pháo đài được xây dựng cách nay 5-6 thế kỷ với diện tích rộng đến hàng hecta này lại không hề có đồ án thiết kế kiến trúc ban đầu, tất cả đều đặt dưới sự chỉ huy của một vị latma cao cấp. Và cho dù bề thế, đồ sộ như vậy nhưng các dzong được dựng nên mà không hề dùng đến chiếc đinh nào.
Ở thủ đô Thimphu, không thể không ghé đến Tashichoe dzong hay còn gọi là Thimphu dzong.
Nếu pháo đài bề thế nằm bên dòng sông Wangchu này ngày nay được dành để đặt các cơ quan hành chính của nhà nước đồng thời cũng là “cung điện mùa hè” cho các vị lãnh đạo Phật giáo, thì Punakha dzong ở cố đô Punakha được gọi là “cung điện mùa đông” bởi Punakha nằm ở độ cao thấp hơn, khi thủ đô Thimphu tuyết rơi phủ trắng mái dzong thì Punakha vẫn ấm áp và hoàng gia có thể dời về đây. Punakha dzong đẹp đến sững sờ nếu bạn đến đây đúng vào mùa phượng tím.
Thật may mắn, ngày chúng tôi viếng thăm Punakha dzong là một ngày hàng phượng tím vây quanh tu viện này đang độ mãn khai, tím ngát cả một khung trời bên dòng sông Phochu.
Nằm ở nơi hợp lưu của hai con sông Phochu (trống) và Mochu (mái), pháo đài này được dựng lên từ thế kỷ 17 và sau nhiều lần hư hại vì động đất, hỏa hoạn, nó vẫn được trùng tu với vẻ đẹp vô cùng tráng lệ. Nơi đây hơn 100 năm về trước, năm 1907, vị vua đầu tiên của vương triều Wangchuck, vua Ugyen Wangchuck, đã làm lễ đăng quang.
Tuy nhiên pháo đài - tu viện hiển linh nhất, thánh địa của người Bhutan lại ở Paro, miền tây Bhutan, đấy là Taktsang, nằm trên một vách đá cheo leo ở độ cao hơn 3.000m, và đến hôm nay khi đến đây vẫn không ai có thể hiểu được vì sao người ta có thể xây một tu viện cheo leo trên một vách đá dựng đứng vô cùng hiểm trở như thế. Bởi từ đấy nhìn xuống, dễ bị ngộp bởi hun hút một đáy vực sâu đến 750m!
Bhutan, theo thống kê có đến hơn 2.000 dzong, những pháo đài này lại thường nằm trên những đỉnh núi cao hay các triền dốc nguy hiểm.
Lịch sử vệ quốc của Bhutan, với những công trình dzong như vậy, khiến người ta không thể không buột miệng: Làm sao có thể xây dựng được những công trình ở một địa thế như thế? Hỏi cũng là trả lời, bởi thực tế là các dzong đã hiện diện qua bao nhiêu dâu bể hàng thế kỷ và nay vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, thời chiến là “pháo đài”, thời bình là “lâu đài”, đó có phải là một cách thế để Bhutan tồn tại, bất chấp những láng giềng của Bhutan quanh dãy Himalaya đã dần... biến mất.
Ví như vương quốc Ladakh bị triệt phá vào năm 1842 rồi sau đó sáp nhập vào Ấn Độ; Tây Tạng trở thành một phần của Trung Quốc năm 1950; vương quốc Sikkim, láng giềng phía tây của Bhutan, từ hơn 40 năm nay cũng thành một tiểu bang của... Ấn Độ.
Phóng to |
Một lớp dạy nghề vẽ thangka ở Học viện quốc gia Zorig Chusum (thủ đô Thimphu) về mỹ thuật và mỹ nghệ. Mỗi bức thangka với khổ 60x60cm như trong ảnh có giá 500-700 USD - Ảnh: L.Đ.Dục |
Nhìn từ du khách
Phóng to |
Hình ảnh những dzong (tu viện) chênh vênh trên sườn núi, giữa thiên nhiên trong lành có thể gặp bất cứ đâu ở Bhutan |
Phóng to |
Mùa phượng tím ở cố đô Punakha |
Phóng to |
Pungthang Dechen Phodrang hay còn gọi là Punakhadzong - hơn 100 năm trước vị vua đầu tiên của Triều đại Wangchuck đã lên ngôi tại Dzong này |
Phóng to |
Bóng những nhà sư và chú tiểu với chiếc cà sa màu đỏ cam luôn gợi lên sự bình yên trong những tu viện cổ |
Trong khi nhiều nước đẩy nhanh số lượng khách quốc tế bằng mọi giá, lấy con số du khách đến xứ sở mình như một thước đo minh chứng sự phát triển du lịch thì Bhutan lại không màng đến... số lượng. Chỉ riêng mức ấn định lệ phí 250 USD/du khách/ngày khi đặt chân lên Bhutan đã hạn chế một số lượng đông đảo khách “du lịch balô”, vốn là những người đi du lịch rất tùng tiệm và tiết kiệm.
Để có một tour Bhutan hơn một tuần, khách phải nộp cho nguồn thu của đất nước Bhutan hơn 2.000 USD, cộng với vé bay khứ hồi từ Bangkok hay Kalkota đến Paro của Hãng Drukair tròm trèm 1.000 USD nữa là gần 3.000 USD.
Với số tiền ấy, nếu không vì một hấp lực đặc biệt từ đất nước này, người ta sẽ lựa chọn một chuyến châu Âu hay Mỹ chứ không phải đến xứ sở chỉ có núi đồi cây cỏ và những tu viện lọt thỏm giữa điệp trùng thăm thẳm Himalaya.
Bởi bài học “du lịch balô”, người Bhutan cũng rút kinh nghiệm từ xứ sở láng giềng Nepal, và mặc cho bất cứ xứ nào thả cửa nhằm tăng số lượng du khách, Bhutan vẫn đi theo cách mà người Việt thường nói (nhưng ít khi làm) là “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, cần ít mà tinh túy hơn là có nhiều!
Chưa nói gì chuyện tiêu xài, chỉ riêng việc thả cửa này chắc chắn chuyện cấm thuốc lá của Bhutan sẽ... phá sản. Bhutan tự lượng sức mình, cân đối năng lực phục vụ, năng lực quản lý, và trên hết là để bảo vệ bản sắc văn hóa của mình!
Đâu chỉ là chuyện chọn lọc du khách, Bhutan cũng rất biết cách để du khách chi tiêu và mang về xứ sở họ những giá trị văn hóa của Bhutan. Ngay buổi sáng đầu tiên đến Thimphu, thủ đô Bhutan, chúng tôi được đưa đến thăm học viện quốc gia về dạy nghề mỹ thuật và thủ công mỹ nghệ (gọi là Zorig Chusum) với 13 ngành học.
Những học viên là thanh thiếu niên sẽ được những nghệ nhân bậc thầy truyền dạy những kinh nghiệm và bí quyết về mỹ thuật và mỹ nghệ trong sáu năm, và sản phẩm của những học viên này sẽ không chỉ được bày bán tại quầy hàng của học viện mà còn cung cấp cho những cửa hàng bán đồ lưu niệm cho du khách ở các trung tâm du lịch. Một quy trình vừa bảo tồn được văn hóa, vừa truyền nối được bí quyết tinh hoa nghề nghiệp, vừa giáo dục cho con em biết yêu quý văn hóa xứ sở và vừa thu được tiền của du khách.
Với Bhutan, bảo vệ văn hóa không chỉ ở chuyện gìn giữ tôn tạo các dzong hay chọn lọc du khách, truyền nối các giá trị truyền thống, chuyện quy định bắt buộc với quốc phục là một thí dụ về sự “tự vệ” của Bhutan. Đàn ông ở đây với trang phục gho, là một áo choàng với đai thắt ngang bụng, phần áo phía trên đai thắt khi kéo thụng xuống sẽ thành chiếc túi đựng rất tiện dụng, bên trong có thể mặc áo lót (áo phông), chân đi giày và vớ (tất) cao đến đầu gối. Khi trời nóng có thể lột phần trên để lộ áo phông. Phụ nữ mặc kira gồm váy phủ chấm gót và áo dài tay. Với quy định quốc phục này, nhiều người không thuộc tộc Drupkpa đã phải rời khỏi Bhutan vào đầu thập niên 1990. |
_____________________
Kỳ tới: Khúc ca thái bình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận